08/03/2018 10:30 GMT+7

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư

V.HÀ - N.HÀ - T.HUỲNH - V.V.TUÂN
V.HÀ - N.HÀ - T.HUỲNH - V.V.TUÂN

TTO - 'Hiện nay có những người trong 10-20 năm không có công trình nào nhưng vẫn đường đường là giáo sư, phó giáo sư. Cái đó tôi thấy không xứng đáng'.

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.

Các khách mời phía Nam trong buổi tọa đàm "Chuẩn nào cho giáo sư, phó giáo sư?" tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ chiều 7-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cơ quan quản lý cần nghiên cứu quy định mới về tiêu chuẩn và quy trình, phải tạo động lực cho các nhà khoa học công bố các nghiên cứu của mình. Việc phong GS, PGS là để ghi nhận những nhà giáo có cống hiến cho công tác đào tạo và đóng góp cho khoa học bằng những công bố giá trị. Quy trình ấy phải cải tiến sao cho ngày càng công khai, minh bạch, ít tiêu cực

Ông Phạm Tất Thắng

Trong kết luận về đợt rà soát ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS), Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thay thế quy định hiện hành về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, sẽ áp dụng ngay từ đợt xét công nhận tới.

Để góp ý cho tiêu chuẩn này, chiều 7-3, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện buổi tọa đàm trực tuyến "Chuẩn nào cho giáo sư, phó giáo sư" diễn ra tại hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội.

Tại Hà Nội, các khách mời tham gia tọa đàm gồm: GS Lê Tuấn Hoa - thành viên Hội đồng chức danh GS ngành toán học, nguyên viện trưởng Viện Toán học; GS Đặng Ứng Vận - thành viên Hội đồng chức danh GS nhà nước, chủ tịch Hội đồng chức danh GS liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm; và ông Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Tại TP.HCM, khách mời tham gia gồm GS Nguyễn Đức Dân, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và TS giáo dục học Lê Vinh Quốc.

Giáo sư không phải để tôn vinh

"Giáo sư là ai?", trước câu hỏi này, GS Nguyễn Đức Dân cho rằng GS phải là người đang trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và đồng thời là người đang nghiên cứu.

Lý giải cho nhận định của mình, GS Dân cho rằng nếu không đang tiếp tục nghiên cứu khoa học thì không thể hướng dẫn, không thể giảng dạy tốt được. Nghiên cứu khoa học và công bố khoa học chứng tỏ sự tồn tại của GS.

Các trường cần thường xuyên công bố ai thuộc diện GS, PGS, đồng thời công bố minh bạch các công trình nghiên cứu của họ. Nếu không thì "không ai biết GS làm gì".

"Hiện nay, có những người trong 10-20 năm không có công trình nào nhưng vẫn đường đường là GS, PGS. Cái đó tôi thấy không xứng đáng. Đó là quan điểm của tôi", GS Dân thẳng thắn.

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 3.

Khách mời tham gia gồm GS Lê Tuấn Hoa, GS Đặng Ứng Vận, GS Nguyễn Đức Dân, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, TS Lê Vinh Quốc, ông Phạm Tất Thắng ( từ trái qua phải, từ trên xuống dưới

Trong khi đó, TS giáo dục học Lê Vinh Quốc đưa ra thông tin "GS, PGS của ta gấp mấy lần các nước trong khu vực như Malaysia, nhưng số công trình khoa học nghiên cứu thì chưa bằng 1/4 của họ". 

Theo TS Quốc, lâu nay phần đông chúng ta đã nhận thức sai khi định danh GS. "GS không phải phẩm hàm được phong để tôn vinh người có cống hiến, mà là một chức danh khoa học dành cho những người làm việc trong các nhà trường và nghiên cứu khoa học. 

Cần thay đổi nhận thức, định danh cho đúng thì từ đó mới xem xét lại tiêu chuẩn như thế nào thì xứng đáng, xem lại quy trình ra sao thì hợp lý nhất", ông Quốc đề nghị.

Hàng loạt vấn đề như thủ tục cứng nhắc dẫn đến để lọt người giỏi, hay những bất cập trong quy trình công nhận GS, PGS; đặc biệt là tình trạng có những người lo được công nhận GS, PGS xong để về nghỉ hưu... đã được các khách mời tại tọa đàm phân tích. 

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là sự sai lệch trong quan niệm về GS, PGS. Theo các chuyên gia, việc định danh sẽ làm sáng rõ hơn trách nhiệm mà những người được công nhận phải làm. Và đó mới là mục đích của việc công nhận. 

Từ việc định danh, những điều cần điều chỉnh trong quy trình, tiêu chí xét duyệt, công nhận chức danh đòi hỏi sẽ có những thay đổi rất lớn.

Điều chỉnh để tiệm cận quốc tế

Giáo sư Lê Tuấn Hoa - thành viên Hội đồng chức danh GS ngành toán học, nguyên viện trưởng Viện Toán học, chia sẻ quan điểm tại tọa đàm - Video: VIỆT DŨNG

GS Lê Tuấn Hoa cho rằng nếu quan niệm chức vụ GS để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy... thì nghiên cứu khoa học phải là tiêu chí số 1, các nhiệm vụ khác chỉ là tiêu chí phụ. 

"Nhưng ở Việt Nam lại tính tổng thể đóng góp của ứng viên. Do đó quy trình xét duyệt cứng nhắc, thiếu thực chất và trong một số trường hợp bỏ lọt người giỏi" - ông Hoa nói.

Ông dẫn ra trường hợp một nữ PGS ngành toán từng là giảng viên chính thức ở trường ĐH nước ngoài. Nhưng khi về Việt Nam, thời gian giảng dạy ĐH ở nước ngoài không được tính vào thâm niên giảng dạy nên phải phấn đấu từ đầu. 

"Những người giỏi mà chấp nhận thiệt thòi như vậy để về Việt Nam làm việc là hiếm, không phải ai cũng thế" - ông Hoa chia sẻ thêm.

Từ đó, theo ông Hoa, Việt Nam cần điều chỉnh để tiệm cận với quốc tế theo hướng tăng việc đánh giá hàm lượng khoa học và bớt đi những ghi nhận đóng góp đơn thuần về thời gian, về công sức. 

"Có nghĩa việc công nhận chức danh GS, PGS cần thực chất hơn trong việc đề cao vai trò, đóng góp trực tiếp cho khoa học. Theo đó, những ứng viên có số giờ giảng chưa đủ nhưng có đóng góp khoa học xuất sắc, có các công trình nghiên cứu có giá trị thì có thể lấy tiêu chí "khoa học" bù sang cho tiêu chí "giờ dạy".

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 5.

Các quy định về giáo sư, phó giáo sư. Tư liệu của TS LÊ VINH QUỐC - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Phạm Tất Thắng cũng bày tỏ quan điểm: "Công nhận GS, PGS là việc làm thường xuyên dù theo cách thức, quy định nào. Nhưng trong việc sửa đổi quy định cần phải tính đến việc khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và công bố công trình nghiên cứu của mình. 

Làm sao việc công nhận phải thực chất, khích lệ được các nhà khoa học, giảm bớt những quy định mang tính thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần điều chỉnh để tăng định lượng, giảm định tính".

Bàn về "hàm lượng khoa học và công bố quốc tế" trong tiêu chuẩn GS, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ có một điều đáng buồn là trong danh sách những người Việt Nam được công nhận GS ở nước ngoài thì ít ai ở lĩnh vực khoa học xã hội. 

Ông Hồng không đồng tình với việc phải có bài báo khoa học xã hội đăng trên các tạp chí ISI thì mới được công nhận, mà nên xem xét thực chất hơn đóng góp khoa học - căn cứ vào đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội.

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 6.

Các quy định về giáo sư, phó giáo sư. Tư liệu của TS LÊ VINH QUỐC - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Giao về các trường ĐH: nên hay không?

Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất chính là việc có nên giao toàn bộ quy trình công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS về trường ĐH hay chưa?

GS Nguyễn Đức Dân cho rằng GS thuộc về trường ĐH. Trường ĐH được quyền tự chủ về mọi phương diện, trong đó có quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS. "Tại sao trường ĐH tự chủ mà nơi khác bầu và quyết định?" - GS Nguyễn Đức Dân hỏi và đề nghị ngay từ năm sau không cần Hội đồng chức danh GS nhà nước cồng kềnh nữa, mà chỉ cần hội đồng của trường.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng đặt vấn đề tại sao một cơ sở giáo dục ĐH được trao quyền tự chủ lại không có quyền tuyển GS và bổ nhiệm GS cho mình, mà phải chờ kết quả của Hội đồng chức danh GS nhà nước xét công nhận đủ chuẩn mới được bổ nhiệm. 

Ông Hồng cho rằng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được tỉ lệ GS, PGS của các trường ĐH. "Nếu Nhà nước cần kiểm soát chặt hơn thì đưa ra các tiêu chuẩn GS, PGS. Các trường ĐH dựa vào tiêu chuẩn quy định chung của Nhà nước để bổ nhiệm.

Đừng nghĩ các trường ĐH muốn bổ nhiệm ai làm GS, PGS cũng được. Làm như vậy các trường sẽ mất uy tín ngay. Nếu chưa thực hiện ngay thì cũng cần đặt ra lộ trình thực hiện, để chậm nhất năm 2020 phải giao việc này cho các trường ĐH" - ông Hồng bày tỏ quan điểm.

Cần định danh lại giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 7.

Ngược lại, ông Phạm Tất Thắng cho rằng cách thức mà VN đang làm cũng phổ biến ở nhiều nước - trong đó có những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn nước ta nhiều. 

"Ở VN chưa có sự phát triển đồng đều nên cần có chuẩn chung tối thiểu. Căn cứ vào quy định chung đó của Hội đồng chức danh GS nhà nước, các trường tùy theo yêu cầu của mình có thể bổ nhiệm những ứng viên đó vào vị trí GS, PGS. Cách làm đó hiện nay là cần thiết" - ông Thắng nói.

Còn GS Lê Tuấn Hoa chỉ ra đợt xét công nhận vừa qua gây xôn xao dư luận vì số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng cao. "Vậy nếu đưa về các trường, số lượng cao hơn nữa và không kiểm soát được thì thế nào? Lúc đó chúng ta có thể thu lại chính sách hay không?" - ông Hoa đặt vấn đề.

TS Lê Vinh Quốc: Phải trao lại cho đúng chỗ là trường đại học

Giáo sư không phải là học hàm tôn vinh nhà giáo. Đây chỉ là chức vụ khoa học để làm việc trong trường ĐH. Vì vậy, đây cũng không phải phong giáo sư mà là bổ nhiệm.

Đã là bổ nhiệm phải có quyết định và thời hạn nhất định. Trong thời hạn nào đó một người là giáo sư nhưng hết thời hạn phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc thôi. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể tuyển chọn được đúng người vào làm việc và tránh được việc "chạy" để được phong học hàm nhằm hưởng lợi.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước hiện nay đã tồn tại từ lâu, thường các quan chức hàng đầu trong ngành giáo dục ngồi trong hội đồng này. Chúng ta phải trao lại cho đúng chỗ là trường ĐH. Hội đồng này không đóng khung trong trường ĐH mà gồm những người rất giỏi, chuyên gia đầu ngành để tuyển chọn giáo sư, phó giáo sư.

GS Đặng Ứng Vận: từng bàn hạn chế nhà quản lý xét GS

Hội đồng chức danh GS nhà nước từng bàn về việc làm thế nào hạn chế số lượng nhà quản lý tham gia xét GS, PGS. Phương án được đề xuất là ứng viên phải có công trình nghiên cứu xuất sắc.

Quan điểm của tôi về việc này là chúng ta đang triển khai một nền giáo dục ĐH mở. Giảng dạy trong trường ĐH không chỉ có các thầy cô ở đó, mà có thể cần thầy cô ở trường khác. Doanh nghiệp, nhà quản lý cũng có thể tham gia giảng dạy.

Thực tế có nhiều môn học rất cần những cán bộ quản lý giảng dạy. Ví như dạy về quản lý giáo dục thì các thầy cấp cao có khi cũng không thể giảng cho sinh viên, nghiên cứu sinh về chiến lược giáo dục quốc gia. Hay trong lĩnh vực đào tạo y tế cũng thế.

Tôi tán thành quan điểm GS, PGS là công việc trong trường ĐH. Nhưng với những người ở bên ngoài được mời về trường giảng dạy thì có thể gọi họ là GS thỉnh giảng. Không nên quan niệm cứng nhắc GS thì phải là người của nhà trường.

V.HÀ - N.HÀ - T.HUỲNH - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên