Xử lý nghiêm
Bạn đọc Long Nguyễn cho biết hiện trên mạng có những kênh chửi bậy quá, bạ đâu chửi đấy, chửi bất chấp tất cả.
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng làm cách nào để người dân có thể thông báo cho cơ quan chức năng biết các kênh chửi bậy và có những biện pháp xử lý kịp thời. Cảm ơn!", bạn đọc Long Nguyễn đề xuất.
Cùng chung ý kiến, bạn đọc Bình đề nghị nên dẹp hết các kênh rác YouTube, TikTok chửi này. Phạt nặng những người có hành vi chửi bậy. Ấy sẽ là cú tát mạnh vào những kẻ đang học theo xu hướng chửi nhằm nổi tiếng trên các nền tảng xã hội.
"Những trường hợp này Nhà nước cần rà soát lại các quy định, nếu được thì xử lý thật nặng vài trường hợp để răn đe, làm trong sạch môi trường sống xã hội trên mạng, không ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ", bạn đọc A Thìn nêu ý kiến.
Còn bạn đọc Lý Nguyên Khánh cho rằng không những chửi tục mà ngày nay các video, clip dung tục phản cảm đầy rẫy trên mạng.
"Đề nghị lực lượng an ninh mạng và Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm, phạt nặng những ai cố tình chửi bậy nhiều lần trên mạng hoặc đăng video, clip nóng phản cảm để tạo tính răn đe cho toàn xã hội.
Đối với việc chửi bậy mà có lồng quảng cáo vào yêu cầu xử lý luôn công ty có quảng cáo đó. Mặt khác, chúng ta cần có những dự luật quy định về văn hóa ứng xử trên mạng. Có luật rõ ràng và hễ ai chửi tục đăng bậy là phạt ngay, dần dần môi trường mạng sẽ trong sạch hơn", bạn đọc Lý Nguyên Khánh đưa gợi ý.
Đồng tình với việc cần xử lý những người chửi bậy trên mạng, bạn đọc Coc viết bình luận: Cứ gây rối trật tự an toàn xã hội thì mời lên phường làm việc và tùy vào tính chất vụ việc mà xử lý.
Hiện nay làm livestream, quảng cáo trên mạng là một nghề kiếm ra tiền. Do đó cần bắt buộc đăng ký hoạt động có điều kiện dưới sự kiểm duyệt của ngành văn hóa và an ninh mạng.
Ai muốn làm clip, livestream ở nơi công cộng như chợ, hàng quán,… là phải đăng ký xin phép để có người kiểm tra giám sát nội dung, nếu không thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm.
Cũng do còn nhiều người xem
Nhìn sâu vào hiện tượng chửi bậy trên mạng, bạn đọc Phúc cho rằng đấy là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và phạm trù thương mại…
Hiện nay, ngày càng có nhiều thành phần thất học thất nghiệp xuất hiện tràn lan trên mạng. Mục đích của họ là làm chuyện tào lao, nói nhăng nói cuội. Thế nhưng lại có nhiều người thích xem, thích nghe mấy cái tào lao rẻ tiền.
"Máy chửi" có nhiều views càng kiếm được nhiều tiền hơn, kiếm sống dễ dàng trên mạng xã hội. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều "máy chửi" để kiếm tiền. Bản chất vấn đề là vậy.
Cùng nhìn về hiện tượng xã hội này, bạn đọc David Nguyen phân tích thêm: Đó là một góc của cuộc sống. Việc chửi nhau đã có từ lâu lắm rồi nay mới được thông tầng trên Internet.
Việc này xuất phát từ giáo dục nội tại đang gặp nhiều vấn đề cũng như sự hiếu kỳ của người xem. Cứ thưởng thức món rẻ tiền thì liệu tư duy tinh thần có được cải thiện. Ấy vậy mà có biết bao nhiêu người hằng ngày vẫn dán mắt vào các clip nhố nhăng.
"Thuốc thì có rồi. Đó chính là Luật an ninh mạng. Vấn đề là người thực thi có hiểu và quản trị mình không? Nếu quá thì ắt vi phạm, công an cần kiểm tra kịp thời và xử lý nghiêm thì dần dần sẽ vào khuôn khổ thôi. Mong mọi người trước khi hành động thì vui vẻ tìm hiểu về luật trước giùm nhé", bạn đọc Lam nhắn gửi.
Trước thực trạng ngày càng có nhiều cá nhân lên mạng mạt sát mắng mỏ, chê bai, có hành vi lệch chuẩn..., theo bạn cần làm gì để trả lại môi trường online trong sạch?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected].
ĐỨC TUYÊN tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận