26/02/2016 10:57 GMT+7

Cần dẹp bỏ tự ái và quyền lợi cục bộ ở lễ hội

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TT - Cơ quan quản lý nhà nước cùng với chính quyền địa phương nơi có các loại lễ hội bị mang tai tiếng và các nhà khoa học ngồi lại với nhau một cách chân thành, dẹp bỏ tự ái và quyền lợi cục bộ để đánh giá lại giá trị thật của lễ và hội.

Màn ẩu đả của các nhóm thanh niên để tranh giành quả phết tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)
Màn ẩu đả của các nhóm thanh niên để tranh giành quả phết tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh tư liệu.

Lễ hội mùa xuân bị biến tướng đã xảy ra liên tiếp trong nhiều năm nay.

Việc thay đổi thực trạng này một sớm một chiều là không dễ, một phần do quán tính của nó quá mạnh, phần khác lễ hội là bài toán rất phức tạp, chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và hội nhập, giữa trật tự xã hội và ngẫu hứng cá nhân..., mặc dù vậy chúng ta không thể chấp nhận buông xuôi mà phải có những động thái nhằm làm giảm bớt tiêu cực theo hướng mỗi năm một ít, và gia tăng các nhân tố tích cực để lấn át tiêu cực.

Trước hết và cần thiết là cơ quan quản lý nhà nước cùng với chính quyền địa phương nơi có các loại lễ hội bị mang tai tiếng và các nhà khoa học ngồi lại với nhau một cách chân thành, dẹp bỏ tự ái và quyền lợi cục bộ để đánh giá lại giá trị thật của lễ và hội.

Có một thực tế là một số thủ tục, nghi lễ và giá trị của đồ vật của lễ hội bị thổi phồng lên quá mức, chúng được gán cho những điều kỳ bí, huyền hoặc sau đó cộng thêm những thêu dệt bởi những người trục lợi làm cho mọi chuyện bị đẩy đi quá xa, thậm chí là phi lý, như chuyện “kiệu bay” cho rằng có quyền đâm vào người, xe cộ nhà cửa mà vẫn coi là chuyện tốt lành.

Những quả phết, hoa tre vốn rất giản dị là đồ chơi, vật dụng của người dân, cách nay vài chục năm, lũ trẻ con vùng trung du Phú Thọ như chúng tôi ai cũng đã có một vài lần chơi trò tranh phết vào sau tết ở ngoài cánh đồng, chả hiểu sao bây giờ nó lại trở thành vật thiêng mang lại lộc, có lẽ nó được sơn đỏ và qua một vài phù phép trở thành “vật thiêng”.

Tương tự như thế, tục khai ấn của các vị quan cấp huyện, tỉnh là chuyện nội bộ, trước tết thì gói ấn lại cất vào tráp để đi du xuân đánh chén, sau tết thì mở ra để làm việc, nhưng rồi qua lời của một vài nhà khoa học có danh vị thành ra chuyện lớn...

Xin các nhà nghiên cứu có liên quan đến những chuyện này cần có sự trầm tĩnh, bản lĩnh, đừng đầu têu và cũng đừng để bị lôi kéo vào những chuyện như thế, các vị đâu có biết một lời phán của mình có thể rất “ầu ơ ví dầu” nhưng lại được cộng hưởng bởi các vị chức sắc địa phương và dân làm ăn nhạy bén sẽ mang lại hậu họa cho xã hội.

Lễ hội như một tấm gương phản chiếu trình độ dân trí, quan trí, đời sống văn hóa của một địa phương, một vùng miền, một quốc gia.

Hãy làm cho hình ảnh hiện lên trong nó nếu không được lung linh thì cũng đừng quá nhem nhuốc.

*Loạn khai ấn: phản cảm, thương mại hóa, sao chưa dẹp?

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên