30/05/2016 09:38 GMT+7

Cần đem đến bình yên cho doanh nghiệp

LÊ MẠNH HÀ (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
LÊ MẠNH HÀ (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

TTO - Xử lý nghiêm là để giúp doanh nghiệp sửa sai và phát triển, nhưng khi công bố thông tin hãy nghĩ đến số phận hàng trăm nghìn lao động, sự sống của doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế.

Đối với trường hợp của Vietfoods, doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc kiện ra tòa để thực hiện quyền bình đẳng này. Doanh nghiệp có thể thắng kiện hoặc không thắng kiện. Thế nhưng ngay bây giờ doanh nghiệp đã thua vì cơ quan quản lý đã “tấn công” trước về mặt truyền thông.

Thiệt hại là rất nặng nề. Dù sau này có thắng kiện doanh nghiệp cũng khó gượng dậy nổi.

Nếu trên 500.000 doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, luôn bị các kết quả kiểm tra còn chưa chắc chắn chính xác đe dọa thì doanh nghiệp khó mà trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.

Cơ quan quản lý khi công bố thông tin cần phải hết sức thận trọng vì việc công bố có thể không sai luật nhưng vô tình kết án, thậm chí là án tử cho một doanh nghiệp.

Thực trạng của an toàn thực phẩm hiện nay khiến dư luận rất căm phẫn với các hành vi gây độc hại cho người tiêu dùng. Báo chí cũng rất tích cực đăng tin, bài đấu tranh với các cá nhân, doanh nghiệp gây hại cho người dân.

Chỉ cần một thông tin về thực phẩm không an toàn của một doanh nghiệp được đăng trên báo chí là người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm này, thậm chí với doanh nghiệp này.

Nghị quyết 35 của Chính phủ hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhưng nghị quyết cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Cơ quan có thẩm quyền, bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, phải phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Xử lý nghiêm với mục đích giúp cho doanh nghiệp sửa sai để phát triển, ít nhất cũng phải để cho doanh nghiệp con đường sống vì đằng sau họ là hàng trăm, hàng nghìn người lao động, là tài sản tích cóp nhiều năm, vay mượn khắp nơi.

Khi công bố thông tin hãy nghĩ đến số phận những con người này, hãy nghĩ đến sự sống của doanh nghiệp, đến phát triển của nền kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và mong mỏi quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; thanh tra, kiểm tra không quá một lần trong một năm của nghị quyết 35 đi vào thực tế.

Doanh nghiệp cũng rất mong không bị cơ quan chức năng “kết án” thông qua phương tiện truyền thông. Trong sóng gió của cạnh tranh, doanh nghiệp rất cần cơ quan nhà nước đem đến cho họ bình yên.

Hãy làm mọi cách để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế như tinh thần nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

GIÁNG HƯƠNG ghi

LÊ MẠNH HÀ (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên