Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân - Ảnh: DANH TRỌNG
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu các ý kiến dưới đây của bạn đọc góp vào diễn đàn căn cước công dân:
Giờ không phải lúc chê bai này nọ, mà nên góp ý cách làm cho nhanh và tiện lợi. Tôi thấy Bộ Công an nên thiết kế cái app hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân làm thẻ căn cước công dân.
Trong đó phân khu vực làm thẻ, hướng dẫn cách khai báo thông tin, đăng ký nơi lăn tay, chụp hình, đăng ký nơi nhận kết quả... Nếu được thì cấp luôn số thứ tự làm thẻ theo ngày để dân cứ theo đó mà đến làm, khỏi mất công chen chúc.
LÊ BẢO
Với quan điểm cá nhân tôi, việc làm căn cước công dân gắn chip sẽ mang lại rất nhiều tiện ích trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình để có một tấm thẻ căn cước công dân không phải ai cũng suôn sẻ, nhanh gọn như ai.
Số lượng nhân sự có giới hạn; máy móc, thiết bị phục vụ chưa đáp ứng kịp với nhu cầu thực tế; sai sót thông tin trong cơ sở dữ liệu, một số địa phương thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập hoặc chia tách... gây ra rất nhiều khó khăn, mất thời gian của cả người dân lẫn phía công an.
Để giảm bớt việc đi lại, sai sót, theo tôi, địa phương nên chia ngày làm theo từng tổ, phường hoặc chia theo độ tuổi hoặc theo số chẵn lẻ trên chứng minh nhân dân để giảm tải áp lực. Hoặc có thể có tổng đài tiếp nhận tin nhắn đăng ký, gửi báo lịch hẹn. Đồng thời, rà soát hệ thống dữ liệu và điều chỉnh sai sót để người dân thuận tiện hơn.
Những vấn đề về địa giới hành chính thay đổi thì nên thông báo trước để người dân tìm hiểu và chuẩn bị thông tin, giấy tờ cần thiết. Có kênh tiếp nhận và giải đáp thắc mắc cho người dân về những vấn đề liên quan đến cấp, đổi căn cước công dân.
Còn đơn vị nhận chuyển phát thì phải cam kết trao tận tay căn cước công dân cho người dân hoặc người được ủy quyền hợp pháp, tránh để kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân.
ĐÔNG PHƯƠNG
Trường hợp của tôi là bị sai cấu trúc mã định danh (sai giới tính dẫn đến sai cấu trúc). Tôi đã làm thủ tục tại công an khu vực tháng 1-2022 đến nay là cuối tháng 6-2022 để sửa lại. Hơn 6 tháng vẫn chưa được sửa. Trước đó, tôi làm căn cước công dân từ tháng 4-2021 đến nay là 14 tháng.
Theo tôi, đầu tiên nên tập trung xử lý các trường hợp lỗi: sai cấu trúc mã định danh, sai thông tin, sai giới tính...
Giải pháp ở đây là cấp quyền cho Công an thành phố (bộ phận chuyên nhận hồ sơ này) có thể sửa, xóa, cập nhật tại chỗ.
Ngoài ra, cho người dân đăng ký hẹn online, trên trang đăng ký nên để toàn bộ giấy tờ cần mang theo khi đi cập nhật lại (giấy khai sinh, căn cước công dân của cha mẹ, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cũ...).
Hiện nay hạn chế đang tồn đọng ở việc điều chỉnh này là phải làm biên bản, giấy xác nhận... rồi có chữ ký của trưởng công an phường, sau đó mới gửi về Hà Nội để bộ phận dữ liệu chỉnh sửa, việc này rất mất thời gian.
Theo tôi, cần có một đầu mối để người dân liên hệ để hỏi hay theo dõi quy trình.
AN
Tôi mặc dù đã làm và đã nhận nhưng thấy cảnh tượng người dân đứng xếp hàng dài rồng rắn thì không hay.
Tôi thấy rằng việc này cần phải có lực lượng và nhân lực để hỗ trợ công an. Tôi từng được đi làm công việc nhập hồ sơ phụ cho công an nên tôi nghĩ rằng cần thiết thì công an kêu gọi lực lượng thanh niên, đoàn viên hỗ trợ làm phụ, nhập dữ liệu cho chính xác.
Như thế sẽ tránh để bị sai sót và làm lại, gây phiền toái cho người dân.
TRẦN THANH LỘC
Mời bạn đọc hiến kế, đưa ra giải pháp giúp bớt phiền hà cho dân
Trước thực trạng làm căn cước công dân gắn chip quá nhiều bất cập, có chiều hướng quá tải như hiện nay, theo bạn, làm thế nào để công việc cấp căn cước công dân đạt hiệu quả cao, giảm bớt phiền hà cho dân?
Mọi góp ý, giải pháp kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận