TTCT - Dù là đồng minh có hiệp ước của nhau và vừa thắt chặt thêm tình hữu nghị về quân sự, quan hệ Mỹ - Philippines thật ra không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Khi tôi đến thăm Subic Bay năm 1998, khu chế xuất vừa hoạt động và hãng xưởng còn lưa thưa. Đây là khu miễn thuế, ra vào phải qua kiểm soát hải quan, chỗ mua sắm chỉ có vài hàng quán mới mở và loãng khách với một khu phức hợp và ba rạp phim. Cả khu còn do quân đội Philippines quản lý, hoang vắng với những nhà kho tiền chế và bungalow quân đội Mỹ bỏ lại nằm bắt bụi từ 1992.Lễ hạ cờ Mỹ và thượng cờ Philippines ở căn cứ Subic Bay ngày 24-11-1992. Ảnh: WikipediaCảng này do Tây Ban Nha lập năm 1884. Năm 1898, Philippines thành thuộc địa của Hoa Kỳ, rồi gần 100 năm sau đó, Subic Bay rộn rã là cảng quân sự lớn nhất nước. Vào thập niên 1960, số tàu viếng cảng trong một tháng lên đến 200 chiếc, ngày kỷ lục có 47 chiếc. Bấy giờ là cao điểm chiến tranh Việt Nam, và đây là căn cứ tiếp liệu và hậu cần hàng đầu khu vực của Hoa Kỳ. Riêng kho chứa dầu 2,4 triệu thùng và đường ống dài 66km từ Subic nối thẳng đến căn cứ không quân Clark (cũng của Mỹ).Từ Subic Bay tới ClarkSubic Bay rộng 670km2, bằng diện tích Singapore. Nhà nước Philippines không có quyền hạn gì. Tại đây có 15.000 nhân viên dân sự Philippines làm thuê và thị trấn Olongapo 60.000 dân trong khu vực căn cứ thuộc quyền quản lý trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ đến cuối năm 1959. Đó là thị trấn nhiều "sương đêm" nhất thế giới, vì phụ nữ từ khắp quần đảo kéo đến đó chỉ để "ăn sương" mà sống. Huyền thoại kể rằng tại các quầy bar thị trấn, quân nhân Hoa Kỳ đứng uống nước hay bị chị em nhào ra tụt quần và hô vang "Navy Seals!" nếu không mặc quần lót! Đó là cách phát hiện quân nhân thuộc binh chủng người nhái, vì theo truyền thống, đơn vị họ không mặc nội y.Nhưng khi tôi đến, năm 1998, Olongapo đèn mờ đã tắt ngóm, phố bar tối mù và hoa đào năm trước chắc đã về quê lấy chồng. Năm 1986, nhà độc tài Ferdinand Marcos (cha) bị quần chúng lật đổ. Tân tổng thống Corazon Aquino hỏi Hoa Kỳ có chứa vũ khí nguyên tử ở Philippines không thì được trả lời "Hỏi làm gì?". Không như lính người nhái, việc này không phải tụt quần ra là phát hiện được ngay. Năm 1991, chánh quyền Aquino bèn không gia hạn cho Mỹ thuê căn cứ nữa và 1992 đóng cửa luôn.Cơ sở quân sự lớn thứ nhì của Hoa Kỳ tại Philippines là căn cứ không quân Clark. Khu vực này rộng 310km2, gồm một thị trấn 15.000 dân Mỹ, không khác gì một khu ngoại ô Mỹ - gia đình các quân nhân ngụ tại chỗ, con em học trường phổ thông kiểu Mỹ, có cả hai đại học chương trình 2 năm (Community College).Về mặt chiến lược, đây là phi cảng Mỹ dùng để "án" quân phiệt Nhật thời Thế chiến II. Clark cách Đài Bắc (lúc đó là thuộc địa của Nhật) 1.100km và Okinawa 1.500km. Năm 1941, chỉ 9 tiếng sau vụ Trân Châu cảng, Nhật đánh bom tan tành phi trường Clark và 1942 chiếm phi trường này cùng cả Philippines. Nhắc vậy là để nói nếu có căn cứ ở nước ngoài thì có lợi, nhưng nhiều khi cũng trở thành dọn cỗ cho địch đến ăn bởi không phải ai cũng sợ căn cứ Mỹ.Căn cứ không quân Clark, ảnh chụp năm 1989. Ảnh: WikipediaCũng không mặn màPhilippines và Hoa Kỳ có Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951, tức thời chiến tranh Triều Tiên. Dưới cờ Liên Hiệp Quốc, Philippines gửi 1.500 quân sang tham chiến tại Triều Tiên. Tại miền Nam Việt Nam, tuy Hoa Kỳ khẩn khoản nhưng Philippines không gửi lính mà chỉ gửi mấy nghìn lượt nhân viên dân sự và y tế. Tổng thống Marcos trong chiến tranh Việt Nam đứng xa người bạn Mỹ nhất ở mức có thể, khác với Nam Hàn hay Thái Lan gửi quân tham chiến trực tiếp, dù Manila là trụ sở của SEATO - tức NATO của Đông Nam Á.Sau 48 năm thuộc địa thắm thiết, Philippines rất dè dặt với chủ cũ. Người ngoài thấy Mỹ đẹp trai, nhà giàu và là người yêu lý tưởng đáng ước ao, nhưng Philippines chỉ nhếch mép cười ruồi sau nửa thế kỷ chung giường chiếu. Vả lại hiệp ước chỉ có giá trị của một tờ giấy, và năm 2018, bộ trưởng quốc phòng Philippines ra lệnh xét lại hiệp ước để "duy trì, củng cố hay bỏ đi".Năm 1999, Hoa Kỳ và Philippines ký kết Thỏa thuận về lực lượng viếng thăm (Visiting Forces Agreement, VFA) cho phép quân đội Mỹ sang hành quân tập trận. Cam kết này có lúc bị tổng thống Rodrigo Duterte dọa hủy. Sự cố khiến quần chúng phẫn nộ là năm 2015, khi một lính thủy quân lục chiến Mỹ sang Philippines tập trận trong chương trình VFA mang một thiếu nữ "ăn sương" tại Olongapo về phòng khách sạn. Khi tụt quần thì anh mới phát hiện cô này giống mấy tay người nhái Navy Seals, do là người chuyển giới! Anh này nổi giận giết cô nhưng được VFA che chở và thay vì ở tù thì bị giữ ở trại lính Aguinaldo. Đây là trường hợp điển hình cho đặc quyền của người Mỹ và khiến dư luận Philippines sôi sục.Nhiệm kỳ 2016-2022 của tổng thống hữu khuynh và dân túy Duterte được coi là bài Mỹ. Năm 2002, tại Davao nơi Duterte đang làm thị trưởng, một người Mỹ bất cẩn là Michael Meirig (nghề nghiệp khai báo là "chuyên gia tìm kho báu") làm bom nổ trong phòng khách sạn khiến ông trọng thương. Trước đó, Davao đã bị "khủng bố" Hồi giáo (?) đánh bom đây đó nên xuất hiện nghi ngờ là chính CIA, qua tay ông Meirig, đã đặt bom để gây rối và tìm cớ mang quân Mỹ trở lại giúp Philippines trị an. Nhưng nhà chức trách Philippines chưa kịp điều tra thì bốn nhân viên sứ quán Mỹ đã đến nhà thương thuyên chuyển Meirig về thủ đô, rồi dùng chuyên cơ mang luôn về Mỹ!Việc coi rẻ chủ quyền Philippines khiến Duterte bất bình với Hoa Kỳ trên căn bản chủ nghĩa quốc gia, tới mức coi Mỹ là mối nguy hiểm và đe dọa đầu tiên. Năm 2016, khi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông đeo trên ngực tấm ảnh chụp năm 1906 tả cảnh lính Mỹ đứng bên xác phụ nữ Philippines ngực trần trong cuộc thảm sát từ 600-1.500 người của quân đội Mỹ. Ông phát ảnh cho các nguyên thủ ASEAN và kể đã đích thân đưa tận tay tổng thống Mỹ Barack Obama kèm lời nhắn gửi trước khi đề cập đến nhân quyền, làm ơn giải thích chuyện Hoa Kỳ từng sát hại 600.000 người Philippines Hồi giáo Moro. Duterte không kể phản ứng của Obama thế nào, nhưng chính quyền ông trong 6 năm nghiêng về ngoại giao cởi mở với Trung Quốc. Ông bị phe đối lập thiên tả trong nước phê bình chuyện này.Tấm ảnh ông của ông Duterte về vụ thảm sát người Philippines của binh lính Mỹ đầu thế kỷ. Ảnh: The Manila TimesNhững hợp tác mớiNgày 3-2-2023, 8 tháng sau khi tổng thống Duterte mãn nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới sang Philippines để thăm dò về Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement, EDCA). EDCA, ký năm 2014, cho phép Hoa Kỳ sử dụng 5 căn cứ quân sự Philippines, tức bố trí ở những nơi này một khu vực be bé cho lính Mỹ (khoảng 100 người) tạm trú thường xuyên.Ông Austin cho biết có quỹ 82 triệu USD để xây thêm các khu vực đồn trú tạm ở các căn cứ Philippines khác nữa. 82 triệu USD là số tiền rất nhỏ trong vấn đề quân sự. Một trực thăng vận tải CH53K giá nghe đâu đã từ 90 - 144 triệu USD, tùy đồ chơi. Nhưng nó là bước đầu hâm nóng lại quan hệ từ khi Philippines có chính quyền mới vào cuối tháng 6-2022.Tháng 11-2022, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Philippines và cam đoan Hoa Kỳ sẽ tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ chung. Tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr (Bong Bong) là con trai nhà độc tài thân Mỹ bị lật đổ năm 1986. Ông từng du học rồi tị nạn ở Mỹ (1986-1991) và hiện vẫn còn thiếu công lý Hoa Kỳ 2 tỉ USD cộng thêm 353 triệu USD tiền phạt theo lệnh của tòa Mỹ.Tuy nhiên, gia đình ông gần gũi với tổng thống tiền nhiệm Duterte và đương kim phó tổng thống Philippines chính là con gái Duterte chứ chẳng xa lạ gì. Như đã nói ở trên, ngay trong thời chiến tranh Việt Nam, Marcos cha đã có thái độ không mấy vồn vã với Mỹ. Ông này từng sang thăm Trung Quốc năm 1975, mang theo cậu Bong Bong lúc đó 18 tuổi để Mao Chủ tịch ôm cậu vào lòng. Mọi chuyện không trắng đen đơn giản, và Bong Bong không hề bị tòa án Trung Quốc phạt tiền! Đầu năm 2023, tức 40 ngày sau khi bà Harris đến và 30 ngày trước khi ông Austin thăm Philippines, ông Bong Bong đi đâu? Ông sang viếng Trung Quốc.Điều khiến các chính quyền Philippines nhích lại gần Hoa Kỳ chủ yếu là thái độ của Trung Quốc những năm vừa qua trên Biển Đông, mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Dù cần Trung Quốc về kinh tế, ông Bong Bong vẫn phải tìm giải pháp và chuyến đi của ông đưa đến quyết định đàm phán và giải quyết song phương mọi vấn đề. Tất nhiên, "song phương" kiểu này khó bình đẳng khi hai bên sức mạnh không cân. Việc hé cửa với quân đội Mỹ, vì vậy, là dễ hiểu.Nhà Marcos vốn nhiều duyên nợ với Trung Quốc. Ảnh: The Manila TimesVề địa lý, hay đúng hơn là hải lý, nhìn bản đồ sẽ thấy Philippines chỉ cách Đài Loan 190km. Vòng cung Hàn Quốc - Nhật Bản - Đài Loan đến Indonesia - Úc - New Zealand vây quanh Trung Quốc đang có khe hở chính là Philippines. Để "đóng cũi" hải quân Trung Quốc, Mỹ vẫn cần các căn cứ quân sự trên thuộc địa cũ.Trong Thế chiến II, hải quân Nhật từng có lúc kiểm soát gần một nửa Thái Bình Dương, từ phần nam đảo Sakhalin tới tận Philippines và quần đảo Indonesia. Cái thế đó mới đe dọa được Mỹ, và Hoa Kỳ đã phải chiếm lại từng đảo một trong những trận đánh cực kỳ đẫm máu. Tất nhiên vũ khí hiện đại có những đe dọa mới. Ngoài việc mở mới hay mở lại những căn cứ yểm trợ và tiếp liệu - hậu cần, Hoa Kỳ còn có thể mở những chốt nho nhỏ bắn tên lửa tầm xa ngay trong căn cứ sẵn có của quân đội Philippines. Nhưng giờ chưa đến lúc đó, và chuyến đi của ông Austin coi như là ném đá dò đường. Ngoài ra, trước khi Duterte xuống, quân đội Philippines có đặt hàng 16 trực thăng vận tải của Nga để dùng vào việc cứu trợ. Thành công thứ nhì của Austin là thuyết phục được Philippines hủy đơn hàng này và hứa nếu cần thì Mỹ sẽ cho mượn vài chiếc Blackhawk trong khi chờ đợi...Chờ đợi gì, thì nào ai biết được tương lai.■ Với nhà Marcos, Trung Quốc là một mối quan hệ đặc biệt: Bắc Kinh mở lãnh sự quán ở quê nhà đèo heo hút gió của gia tộc Marcos - thị trấn Laoag chỉ có 100.000 dân. Chuyến thăm của ông Bong Bong ký kết được 23 tỉ USD hợp đồng và Trung Quốc là nước quan hệ kinh tế nhiều nhất với Philippines. Năm 2020, Philippines xuất sang Trung Quốc 23 tỉ USD và nhập từ đấy 34,5 tỉ nữa. Các con số này với Mỹ chỉ là 10,7 tỉ và 6,8 tỉ USD. Tags: Mỹ - PhilippinesTình hữu nghịQuân đội PhilippinesLễ hạ cờQuân đội MỹQuân đội Hoa KỳMối quan hệ
Bầu cử Mỹ: Suýt có khủng bố tại tòa nhà Quốc hội Mỹ? DUY LINH 05/11/2024 Một người đàn ông đã bị bắt tại Trung tâm Du khách thuộc Điện Capitol. Theo miêu tả của cảnh sát, người này "có mùi xăng, cầm đuốc và súng bắn pháo sáng”.
TP.HCM góp ý về vị trí đặt trạm thu phí ở dự án mở rộng quốc lộ 13 qua Bình Dương ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 1.360 tỉ đồng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.