TTCT - 2014 sẽ là năm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhiều chuyên gia nhận xét như vậy bởi nền kinh tế năm 2014 sẽ dựa rất nhiều vào việc tái cấu trúc, đẩy mạnh cổ phần hóa và cả chuyện bán DNNN... Thông điệp từ cơ quan quản lý nhà nước khá mạnh mẽ cùng với sức ép từ hội nhập không thể cưỡng lại được đang buộc DNNN phải “chạy” nhanh hơn... Người tiêu dùng trông chờ một Petrolimex sau cổ phần hóa phải minh bạch hơn - Ảnh: Thuận Thắng Thị trường chứng khoán buồn tẻ nên không thể đẩy mạnh cổ phần hóa là lý do được nhiều lãnh đạo DNNN viện dẫn. Nhưng rõ ràng thị trường sẽ sôi động lên nếu có nhiều sản phẩm hấp dẫn, chính là DNNN được cổ phần hóa. Còn nửa vời Phát biểu tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh giai đoạn 2014-2015 thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 Tổng công ty 91 và hầu hết Tổng công ty 90. Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh VN sẽ bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - cho rằng nếu đổ cho kinh tế khó khăn khiến quá trình cổ phần hóa DNNN chậm là không thuyết phục. Nhiều doanh nhân sẵn sàng đầu tư vào những địa chỉ có giá cả hợp lý. Do vậy, việc cổ phần hóa không thành công chủ yếu do ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Ông Phạm Đình Soạn, chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp, cho rằng quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua thực hiện rất nửa vời: Từ năm 2000-2006, mỗi năm cổ phần hóa được khoảng 800 doanh nghiệp. Nhưng từ năm 2010 đến nay, quá trình trở nên chậm chạp. Trong năm 2013, cả nước chỉ có 17 DNNN được cổ phần hóa. Một dấu hiệu khác của sự nửa vời là ở mô hình doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Một số DNNN đã cổ phần hóa xong, nhưng vốn nhà nước vẫn chiếm áp đảo và vẫn được hưởng những ưu đãi không khác trước. Tổng công ty Khí (PV Gas) đã là công ty cổ phần, đã niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng “bầu sữa” của Tập đoàn Dầu khí quốc gia vẫn không ngừng tiếp sức cho công ty này và hàng loạt các công ty con của PV Gas. Điển hình nhất là việc được bao tiêu xăng, dầu, gas từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhà máy chế biến khí Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chỉ có 50% lượng gas từ hai nhà máy này được bán đấu giá, phần còn lại do PV Gas và các công ty con mua mà không qua đấu thầu. Xác định việc cổ phần hóa DNNN, ngoài thu hút vốn từ thị trường, việc quan trọng nhất là tái cấu trúc, hay nói cách khác là thay đổi cung cách quản trị doanh nghiệp nhờ sự tham gia của các cổ đông chiến lược. Nhưng nhìn vào Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và PV Gas, người ta sẽ không nhận ra sự khác biệt về quản trị trước và sau cổ phần hóa, có chăng chỉ là cách gọi tên. Ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, lộ trình giảm tỉ lệ cổ phần nhà nước rất thấp. Như Tập đoàn Xăng dầu VN, đợt bán cổ phần lần đầu chỉ 5%, với tỉ lệ Nhà nước chiếm cổ phần quá lớn thì việc cổ phần hóa để “thay máu” doanh nghiệp là không thấy rõ. Ông Tặng cho rằng Nhà nước nên mạnh dạn bán tối đa, thậm chí bán toàn bộ DNNN kinh doanh những ngành nghề không thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế. Thật sự chưa có công ty thứ hai cổ phần hóa thành công và tạo ra sự tăng trưởng đột phá như Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk). Vinamilk có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân kể từ khi cổ phần hóa lên tới hơn 35%/năm. Chỉ riêng trong năm nay, đà tăng giá của cổ phiếu Vinamilk đã đem lại cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước khoản lãi sổ sách hơn 20.000 tỉ đồng. Mỗi năm, Nhà nước còn thu được 1.000-1.500 tỉ đồng cổ tức từ Vinamilk. Năm 2012, kinh tế khó khăn, nhưng cứ một đồng vốn của Vinamilk lại sinh ra 0,7 đồng lợi nhuận. Rõ ràng là với sự tham gia của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông ngoại (với tỉ lệ sở hữu mức kịch trần là 49% cổ phần) đã góp phần rất lớn tạo ra các con số nói trên. Các chuyên gia đều thừa nhận Vinamilk thay đổi ngoạn mục chính nhờ sự đổi mới thật sự trong quản trị doanh nghiệp, thay đổi căn bản lề lối, tư duy kinh doanh. Cần quyết liệt thay đổi Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN năm 2013, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài kêu gọi Chính phủ VN phải cải cách triệt để DNNN để giúp kinh tế khởi sắc. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng: trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính thì có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của VN cũng sẽ không còn. Ông Lê Hoàng Hải, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khẳng định dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, các đơn vị đã được phê duyệt cổ phần hóa phải quyết liệt thực hiện trong năm 2014. Hiện Chính phủ đã có quyết định cổ phần hóa 13 tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không... Các tập đoàn, tổng công ty này sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2014. Bên cạnh đó, các tổng công ty cũng đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Đó cũng là hoạt động thoái vốn ra khỏi lĩnh vực không phải là ngành nghề chính. Đó cũng là cách để các tổng công ty nâng cao năng lực tài chính để tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình. Tại hội nghị về thực hiện đề án tái cơ cấu các DNNN ngành công thương diễn ra cuối tháng 11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhìn nhận sự chậm chạp và khẳng định sẽ có biện pháp xử lý lãnh đạo các doanh nghiệp không thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014. Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hôm 25-11 về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần vốn góp nhà nước khẳng định lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nếu không quyết liệt với đề án tái cấu trúc đã được duyệt. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Tomoyuki Kimura - giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại VN - nói: “Dư luận cho rằng tiến trình tái cơ cấu với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và cải cách DNNN và đầu tư công đang diễn ra chậm chạp. Tình trạng chậm trễ này nếu không được cải thiện sẽ kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, làm tăng nguy cơ tái xuất hiện những nguyên nhân gây bất ổn định kinh tế vĩ mô, và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư hơn nữa”. Theo ông Tomoyuki Kimura, không dễ dàng tiến hành cổ phần hóa đối với các DNNN đang hoạt động không có hiệu quả, sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài. Thực tế này đòi hỏi phải có những chính sách mang tính quyết định để xử lý các vấn đề kỹ thuật và pháp lý trong quá trình cổ phần hóa, giải thể, thậm chí phá sản các doanh nghiệp này được tiến hành một cách công khai, minh bạch và để đảm bảo tài sản và vốn của Nhà nước không bị thất thoát. Một trong những vấn đề vướng mắc trong việc chuyển đổi các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là tình huống phải bán vốn dưới mệnh giá đối với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Vướng mắc này Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành sửa đổi, bổ sung một loạt văn bản pháp luật sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2014. Theo ông Nguyễn Duy Long - trưởng phòng đổi mới doanh nghiệp thuộc Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), quy định các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 500 tỉ đồng hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù phải kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hóa - là không còn phù hợp. Số lượng các doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng là rất lớn, nếu cùng thực hiện cổ phần hóa, cùng kiểm toán thì sẽ không đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. Theo nghị định 189, quy định mới cho phép chỉ công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước mới được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính. Ngoài ra, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ thực hiện theo nguyên tắc tất cả diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ chuyển sang thực hiện ký hợp đồng cho thuê đất có thời hạn. Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, Singapore đã áp dụng một số nguyên tắc, cơ chế sau: - Đối xử với doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước ngang bằng như doanh nghiệp tư nhân. - Bảo đảm các tiêu chuẩn quản trị nghiêm ngặt. - Giới chức lãnh đạo, hoạch định chính sách không can thiệp vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp. - Có lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân độc lập không điều hành trong hội đồng quản trị. - Kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo định kỳ về hoạt động, đầu tư, báo cáo tài chính, cơ cấu quản lý. Những biện pháp này nếu được áp dụng đúng sẽ góp phần tách biệt vai trò hoạch định chính sách của Nhà nước với hoạt động kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp có liên quan đến Nhà nước, cũng như tạo ra một mô hình doanh nghiệp đầu tư nhà nước có cơ chế trách nhiệm, minh bạch được nâng cao. (Nguồn: Gợi ý của Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại VN tại Diễn đàn doanh nghiệp năm 2013) Tags: Doanh nghiệp nhà nướcCổ phần hóaBộ Tài chínhCổ phần hóa nửa vời
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.