08/10/2018 15:45 GMT+7

Cần con số đẹp

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Tâm lý chung ngại những con số đẹp vì có khi không thực chất. Nhưng với chỉ số giá tiêu dùng, người dân và doanh nghiệp vẫn đòi hỏi có những con số đẹp, đẹp thực chất.

Cần con số đẹp - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng E5 tại Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Vừa có thêm đợt tăng mới, đưa giá xăng dầu cao nhất kể từ đầu năm 2018. Không chỉ thế, còn có lo ngại về những áp lực tăng giá khác rất cần biện pháp hóa giải. Giá xăng dầu và gas thế giới vẫn nhăm nhe tăng. Tỉ giá VND/USD chịu áp lực do chiến tranh thương mại.

Sắp bước vào cuối năm - được xem là mùa tăng giá...

Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kiểm soát cả năm 2018 ở mức 4%. Phải duy trì mức lạm phát này để giá cả không làm cuộc sống người dân xấu đi. Giữ giá để tạo lòng tin cho nhà đầu tư bỏ vốn vào làm ăn, duy trì mặt bằng lãi suất cho người vay dễ thở...

Hiện bình quân 9 tháng năm 2018 đã tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Tâm lý chung ngại những con số đẹp vì có khi không thực chất. Nhưng với chỉ số giá tiêu dùng, người dân và doanh nghiệp vẫn đòi hỏi có những con số đẹp, đẹp thực chất.

Đó là chỉ số giá tiêu dùng cả năm không vượt 4% mà có thể thấp hơn, vừa sức chịu đựng của người tiêu dùng nhưng cũng khuyến khích sản xuất kinh doanh.

Chúng ta không đi ngược quy luật thị trường về giá cả, cũng chẳng đủ nguồn lực bù lỗ để cản đà tăng giá. Nhưng Chính phủ không thể để cho giá tăng bất thường. Đó là yêu cầu của việc hóa giải sức ép lạm phát.

Các kinh nghiệm điều hành giá như chọn đúng thời điểm cho tăng giá, phân tán đà tăng giá, bình ổn giá nhưng tôn trọng nguyên tắc thị trường... phải được áp dụng nhuần nhuyễn.

Để giảm áp lực lên giá xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất tạm chưa tăng thuế môi trường từ 1-1-2019. Bộ Tài chính lại cho rằng thuế môi trường xăng E5 tăng kịch khung cũng thấp hơn các loại xăng khác, chưa đạt 4.000 đồng/lít.

Hơn nữa doanh nghiệp được hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi để hóa giải sức ép lạm phát rất cần những quyết sách cụ thể, dứt khoát.

Như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thay đổi chính sách tiền tệ, không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

Trước đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng để ứng phó với chiến tranh thương mại, nên chủ động tăng tỉ giá VND/USD để đón đầu khi nước liên quan phá giá tiền tệ.

Nhưng trong bối cảnh dự trữ ngoại hối quốc gia tăng nhanh và Việt Nam đã xuất siêu hàng tỉ đôla, việc tăng tỉ giá đón đầu dễ trở thành con dao hai lưỡi, nếu không đúng như dự báo khác nào ta hại mình, gây sức ép rất lớn lên lạm phát.

Nhưng dù có hóa giải sức ép lạm phát cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường. Bởi nếu cứ mãi dùng kỹ thuật để bình ổn giá sẽ gây sức ép lạm phát ở những năm sau. Điển hình là giá điện.

Chính phủ quyết định không điều chỉnh giá điện trong những tháng cuối năm, dù chi phí sản xuất điện đã tăng. Nhưng tới đây, cần tính đúng giá thành sản xuất điện, khi điều chỉnh cần chọn thời điểm thích hợp.

Chọn sai điểm rơi, thêm sức ép lên lạm phát, còn neo mãi, điện được bán dưới giá thành, đó là cách bình ổn giá không thực chất...

Người dân chưa quên những khó khăn từ các đợt lạm phát những năm 2008, 2011. Vì thế, những con số đẹp của chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 và những năm sau sẽ góp phần quan trọng duy trì chất lượng sống của người dân, đó là điều ai cũng mong muốn.

Ứng phó khi giá xăng dầu tăng

TTO - Giá xăng liên tục tăng trong thời gian vừa qua, vượt mốc 21.000-22.000 đồng/lít nhưng nhà quản lý nói vẫn trong tầm kiểm soát.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên