31/01/2013 01:34 GMT+7

Cần coi trọng việc thực thi hiến pháp

TS  ĐẶNG MINH TUẤN(Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội)
TS  ĐẶNG MINH TUẤN(Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội)

TT - Nhân dân và toàn xã hội mong đợi đây sẽ là lần sửa đổi hiến pháp thực chất, góp phần giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đang đặt ra.

BẤM VÀO ĐÂY XEM Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Để việc sửa đổi hiến pháp lần này trở nên thực chất, cần phải đặc biệt coi trọng vấn đề thực thi hiến pháp.

Hiến pháp cần thực chất

"Việc sửa đổi hiến pháp cần phải tập trung tạo cơ hội, quy trình cho nhân dân có thể sử dụng trực tiếp hiến pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích hiến định của mình"

Bước vào giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập và toàn cầu hóa, nhiều thể chế pháp luật ở VN đã không còn phù hợp, thậm chí quá lạc hậu, không những không đóng vai trò hiệu quả trong việc ổn định và phát triển xã hội, mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội như tình trạng tham nhũng, vi phạm các quyền dân chủ và bất nhất trong việc thực thi pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Xây dựng nền kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng pháp quyền nhằm chống lại tình trạng lạm dụng, tha hóa quyền lực, cửa quyền, lợi ích nhóm trong các cơ quan nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Pháp quyền là giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước trong khuôn khổ pháp luật. Hơn nữa, toàn cầu hóa và hội nhập buộc chúng ta phải thay đổi để phù hợp với các chuẩn mực phổ quát chung của thế giới trên cả phương diện kinh tế lẫn chính trị. Việc sửa đổi hiến pháp được đặt trong bối cảnh như vậy, và do vậy nhân dân và toàn xã hội mong đợi đây sẽ là lần sửa đổi rộng lớn, góp phần giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội đang đặt ra.

Một trong những tiêu chí cơ bản đánh giá hiến pháp hiện hành là xem xét khả năng thực thi của hiến pháp trong đời sống thực tiễn. Một bản hiến pháp thành công là một bản hiến pháp thực chất, tức là các quy định của nó được thực thi trên thực tiễn. Nếu như các quy định hiến pháp chỉ là những tuyên ngôn chính trị có giá trị trên giấy tờ, thì hiến pháp này chỉ là một bản hiến pháp danh nghĩa. Ở nước ta, mặc dù được coi là một đạo luật cơ bản, giá trị thực thi của hiến pháp lại rất yếu. Hiến pháp có giá trị pháp lý tối cao, nhưng người dân cũng như các cơ quan nhà nước chẳng mấy khi sử dụng/áp dụng hiến pháp trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp diễn ra trong xã hội.

Như vậy, để việc sửa đổi hiến pháp lần này trở nên thực chất, cần phải đặc biệt coi trọng vấn đề thực thi hiến pháp. Hiến pháp mới nếu thiếu cơ chế thực thi trong thực tiễn thì cũng chỉ là các văn bản đơn thuần, do đó sẽ không thể giải quyết các vấn đề như kỳ vọng.

Lập tòa án hiến pháp độc lập

Khi đánh giá sự thực thi hiến pháp, điều quan trọng là xem xét mức độ hiểu biết của xã hội về các quy định của hiến pháp. Mức độ hiểu biết thể hiện thông qua kiến thức, sự đồng thuận của nhân dân về các thể chế và nguyên tắc hiến pháp. Để hiểu được mức độ hiểu biết của xã hội và tính công khai của hiến pháp, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi như: mọi người có hiểu được các nội dung trong hiến pháp không? Mọi người có viện dẫn và biết cách thức sử dụng hiến pháp để bảo vệ các quyền hiến định của họ không? Xét các tiêu chí trên, rõ ràng xã hội và nhân dân VN có nhận thức rất hạn chế về hiến pháp. Tình trạng này là rất dễ hiểu, bởi vì nhân dân không thấy được lợi ích của các quy định hiến pháp. Họ không thể nhờ cậy hiến pháp để bảo vệ các quyền mà hiến pháp ghi nhận. Do vậy, việc sửa đổi hiến pháp cần phải tập trung tạo cơ hội, quy trình cho nhân dân có thể sử dụng trực tiếp hiến pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích hiến định của mình.

Việc tuyên bố các quyền của người dân trong hiến pháp đặt ra các nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền này khi bị xâm phạm. Để thực hiện được điều đó, cần có một thiết chế tài phán độc lập để phán quyết các hành vi vi phạm hiến pháp của các cơ quan công quyền. Thực chất, hiến pháp nước ta ít có giá trị áp dụng là bởi vì chúng ta không có cơ chế bảo vệ hiến pháp hiệu quả. Sau nhiều nỗ lực và thảo luận ở nhiều cấp, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp đã ra đời trong dự thảo hiến pháp: Hội đồng hiến pháp. Tuy nhiên, Hội đồng hiến pháp lại không phải là một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập, mà hoàn toàn là một cơ quan chính trị: Hội đồng hiến pháp không độc lập do Quốc hội thành lập, giúp Quốc hội thực hiện chức năng bảo hiến; Hội đồng hiến pháp không có quyền tài phán, mà chỉ có quyền kiến nghị Quốc hội và các cơ quan nhà nước xem xét khi phát hiện các vi phạm hiến pháp. Theo lý thuyết và kinh nghiệm thực tế, Hội đồng hiến pháp với tư cách là một cơ quan chính trị sẽ không có vai trò đáng kể nào trong việc bảo vệ hiến pháp. Người dân cũng không thể kiện lên Hội đồng hiến pháp để yêu cầu cơ quan này xem xét bảo vệ các quyền của họ bị xâm phạm.

Thiếu sự trao quyền và khả năng người dân có thể sử dụng hiến pháp để bảo vệ quyền hiến định của họ thông qua một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập là những hạn chế rất lớn và cơ bản để đảm bảo sự thực thi hiến pháp trong tương lai. Việc thành lập một tòa án hiến pháp độc lập, có thẩm quyền rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền khởi kiện trực tiếp là những điều kiện tiên quyết bảo đảm sự thực thi hiến pháp. Nếu chưa thành lập được tòa án hiến pháp thì Hội đồng hiến pháp theo dự thảo cũng cần phải được cải cách theo hướng nâng cao hơn tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của người dân.

TS  ĐẶNG MINH TUẤN(Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên