28/05/2020 14:03 GMT+7

Cần có sự can thiệp tâm lý khẩn cấp cho các nhân viên y tế

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Các nghiên cứu tại Bỉ cho thấy số nhân viên y tế muốn bỏ nghề hiện cao gấp đôi bình thường, còn số người cảm thấy lo lắng khổ sở cao gấp 4 lần.

Cần có sự can thiệp tâm lý khẩn cấp cho các nhân viên y tế - Ảnh 1.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Milan, Italy ngày 15/5/2020. Ảnh: lepoint.fr

Các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại đại dịch COVID-19 tại châu Âu đang đối mặt với rủi ro lớn là dễ bị hậu chấn tâm lý, khi ngày ngày phải tiếp xúc gần với các ca bệnh nặng và các ca tử vong. Giới y tế đang mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để giải quyết rủi ro này.

Cuộc chiến giành mạng sống cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đang đi kèm một hậu quả nghiêm trọng. Các nghiên cứu tại Bỉ cho thấy số nhân viên y tế muốn bỏ nghề hiện cao gấp đôi bình thường, còn số người cảm thấy lo lắng khổ sở cao gấp 4 lần. Một nghiên cứu khác cho thấy những người làm việc trong ngành y uống nhiều rượu, bia hơn những người làm việc trong các ngành khác.

Tại Pháp, một hiệp hội hỗ trợ cho các nhân viên y tế cho biết mỗi ngày họ nhận được tới hơn 70 cuộc gọi liên quan đến những sang chấn tâm lý: Có tới 7/10 cuộc gọi là của các nhân viên y tế nữ, và nhiều cuộc gọi đề cập đến khả năng tự tử, khi sức khỏe của họ, cả thể chất lẫn tinh thần, dần cạn kiệt.

Còn theo Bộ y tế Tây Ban Nha, hơn 50.000 nhân viên y tế nước này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm khoảng 22% tổng số ca bệnh.

Một nghiên cứu tại ĐH Complutense Madrid cho thấy đa số những người được hỏi đều có biểu hiện lo âu, sầu não và các tác giả của nghiên cứu khuyến nghị 'cần có sự can thiệp tâm lý khẩn cấp cho các nhân viên y tế nếu làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai thực sự xảy ra'.

Kết quả nghiên cứu của trường ĐH Công giáo Thánh Tâm tại Milan (Italy) cũng cho thấy 7/10 số nhân viên y tế tại các khu vực tâm dịch của Italy rơi vào tình trạng kiệt sức, 9/10 trong số họ có những triệu chứng như cáu kỉnh, mất ngủ, gặp ác mộng hay suy sụp tinh thần.

Nhà nghiên cứu Serena Barello nhấn mạnh áp lực đối với các nhân viên y tế thời COVID-19 đã trở nên quá sức chịu đựng do khối lượng công việc lớn, điều kiện làm việc khó khăn và gần như không ai biết gì về virus SARS-CoV-2.

Với việc hệ thống y tế ở châu Âu hầu như không có khả năng giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý vì COVID-19 của các nhân viên y tế, thì chiến dịch "Không có khẩu trang cho sức khỏe tâm thần" của Quỹ Laura Hyde tại Anh là một điểm sáng hiếm hoi.

Mục tiêu của chiến dịch này là nâng cao nhận thức về tác động tâm lý của đại dịch COVID-19, và hỗ trợ các nhân viên y tế, những anh hùng trong cuộc chiến chống đại dịch này.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên