06/02/2023 09:29 GMT+7

Cần có quy định cụ thể để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn. Bộ Nội vụ sẽ cố gắng trình Chính phủ trong quý 2-2023.

Cần có quy định cụ thể để cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1.

Cán bộ UBND quận Tân Phú, TP.HCM làm thủ tục hành chính cho người dân ngày đầu năm mới - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết như trên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng giữa sự đổi mới, sáng tạo với làm trái là sợi dây ranh giới rất mong manh. Ông nói:

- Nên sớm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có nghị định của Chính phủ sẽ tạo động lực, sự yên tâm cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Nhất là sau khi xảy ra đại dịch COVID-19, việc xử lý tiêu cực mạnh mẽ là rất tốt nhưng cũng khiến không ít người dù dám làm nhưng thấy tình hình đó đã có tâm lý chững lại, thậm chí lo ngại, tạm dừng.

Phải tạo chỗ dựa cho cán bộ

* Đại diện Bộ Nội vụ thừa nhận nghị định trên sẽ rất phức tạp, rất khó. Theo ông, cái khó ở đây là gì?

- Khó nhất khi xây dựng nghị định này, theo tôi, chính là phải làm rõ, cụ thể ranh giới giữa cái đúng - cái sai, giữa làm vì tập thể, cái chung với tính chất cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí là núp bóng, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân.

Trong kết luận 14 năm 2021 của Bộ Chính trị đã nêu việc khuyến khích, bảo vệ này là với những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vậy phải làm rõ, cụ thể cái chung này là như thế nào, tránh lợi dụng để lồng ghép lợi ích cá nhân vào. Đồng thời cũng tránh cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung nhưng chưa thành công thì bị đem ra kỷ luật, đòi đền bù.

Pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, dẫn đến việc người làm áp dụng theo quy định này đúng nhưng người kiểm tra, giám sát, xử lý lại áp quy định khác, dẫn đến kết luận lại sai. Vì vậy, việc xác định rõ cái đúng - cái sai sẽ giúp cán bộ yên tâm để làm việc.

Đây là nghị định mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, Bộ Nội vụ chắc chắn phải xin ý kiến rộng rãi. Tuy khó nhưng theo tôi phải làm và phải sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

* Theo ông, nghị định này nên được xây dựng như thế nào để thực thi được vào cuộc sống?

- Phải xây dựng nghị định này thật chi tiết trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, trường hợp cán bộ, công chức đúng dám nghĩ, dám làm vì cái chung và thành công thì thế nào, không thành công xử lý ra sao. Cùng với đó phải quy định rõ cái nào vì việc chung, cái nào không vì việc chung.

Cũng cần quy định cụ thể xem trước khi làm các công việc, hành động nào mang tính đột phá, sáng tạo sẽ cần xin ý kiến cấp trên và sau khi xin ý kiến, được đồng ý mà trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề sẽ xử lý ra sao, được bảo vệ đến đâu. Cạnh đó là những việc, hành động nào không cần xin ý kiến cấp trên mà vẫn được khuyến khích, bảo vệ.

Thực tế, ngay cán bộ, lãnh đạo, tổ chức cấp trên khi đồng ý cho cán bộ, công chức cấp dưới làm những công việc thể hiện sự năng động, sáng tạo, đột phá cũng cần phải được xem xét bảo vệ khi việc đó chưa thành công.

Tinh thần là phải tạo bằng được cho người cán bộ, công chức chỗ dựa yên tâm dám nghĩ, dám làm thực sự vì công việc chung. Nếu không chắc chắn họ không dám. Về vật chất, cũng cần quy định rất cụ thể những trường hợp nào được xem xét khen thưởng, kể cả về quy hoạch, đề bạt chức vụ để cổ vũ, động viên cán bộ, công chức khi đạt kết quả tốt.

Kèm với khuyến khích thì cũng cần quy định cơ chế giám sát ra sao để có thể kịp thời nhắc nhở, giúp người cán bộ dám nghĩ, dám làm đó làm đúng, không bị đi chệch.

* Sau nghị định này có nên ban hành một luật cụ thể để thể chế hóa cao hơn việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

- Tôi cho rằng hiện nay chưa nên xây dựng luật mà chờ sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện. Có nhiều người lo ngại về "nghị định không đầu" nhưng hiện nay vấn đề này có sự chi phối của nhiều luật khác như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức… Do vậy cần tập trung để làm nhanh, sớm. Lâu dài, sau khi tổng kết, thấy cần thiết có thể xem xét xây dựng luật sau.

Cần có quy định cụ thể để cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cán bộ có tâm trong sáng sẽ không có gì đáng ngại

* Nhiều cán bộ e ngại, điển hình như ĐBQH đã nêu có cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử. Việc này cần nhìn nhận thế nào khi xây dựng nghị định?

- Đúng là ở không ít nơi đang có cán bộ chỉ tìm cách giữ mình an toàn. Nguyên nhân do những bất cập về mặt quy định của pháp luật chưa đồng bộ, còn vênh nhau. Song nguyên nhân thứ hai chính là ở cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. Nhiều khi họ có gắn với lợi ích cá nhân nên khi chống tham nhũng mạnh thì sợ sai, bị xử lý. Nếu thực hiện nhiệm vụ bằng cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung, không tư lợi cá nhân sẽ không có gì đáng ngại.

Còn quy định pháp luật, dù có ban hành nhiều, chặt chẽ nhưng nếu người cán bộ, công chức không trong sáng, không vì lợi ích chung thì vi phạm vẫn diễn ra. Vì thế, quan trọng nhất chính là con người.

* Bên cạnh việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng cần loại bỏ, thay thế, cho từ chức, miễn nhiệm những cán bộ không đủ năng lực, uy tín?

- Đúng như vậy. Bộ Chính trị đã có kết luận khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Thực tế vừa qua, một số ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ cấp cao hay cán bộ ở một số địa phương, đơn vị bị kỷ luật hay uy tín giảm sút đã được cho từ chức, thôi chức vụ… Việc này trong thời gian tới cần tiếp tục được thực hiện và về lâu dài tạo thành "văn hóa từ chức" trong hệ thống của chúng ta.

Các nội dung chính để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đại diện Bộ Nội vụ cho hay nội dung của nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo chủ yếu tập trung vào năm vấn đề. Thứ nhất, làm rõ phạm vi điều chỉnh, quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình bảo vệ. Thứ hai, làm rõ được nguyên tắc của quy định bảo vệ cán bộ. Thứ ba, làm rõ quy trình thực hiện việc bảo vệ, khuyến khích bảo vệ. Thứ tư, làm rõ điều kiện khuyến khích, điều kiện bảo vệ cán bộ. Thứ năm, làm rõ các hình thức khuyến khích, bảo vệ ra sao.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang thành lập ban, tổ soạn thảo. Bộ sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Ban Tổ chức Trung ương, các đoàn thể trung ương để đảm bảo tính khả thi. Sau đó sẽ trình dự thảo nghị định lên Chính phủ xem xét theo quy định.

Hơn 20.000

Là số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó có 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật và có trường hợp phải xử lý hình sự.

258

Là số sinh viên xuất sắc và nhà khoa học được thu hút vào bộ máy từ năm 2018 đến tháng 6-2022 để tạo nguồn cán bộ. Trong đó, trung ương thu hút được 130, còn lại ở địa phương.

* Ông NGUYỄN TIẾN DĨNH:

Đừng để không ai dám đi tiên phong

Cùng với khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cần sớm thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương, trong đó nêu rõ: tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ và lương phải chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp...

Với những ý tưởng sáng tạo, cán bộ có thể được làm thí điểm, thậm chí trong quá trình triển khai có thể vi phạm ở mức độ nhất định, chưa để lại hậu quả nghiêm trọng thì cán bộ cũng cần được bảo vệ. Nếu không sẽ không ai dám làm, dám đột phá, không ai dám đi tiên phong. Quan trọng là mục đích của cán bộ đó không vì cá nhân mà vì lợi ích chung.

* TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM):

Hạn chế tối đa cơ chế "phê duyệt"

Kết luận 14 của Bộ Chính trị cần có sự cụ thể hóa về pháp luật, mà ở đây, không chỉ bổ sung các quy định mới mà còn phải sửa đổi các quy định hiện hành chưa phù hợp nhằm tạo ra một cơ chế hợp lý, vừa có giá trị khuyến khích, bảo vệ sự chủ động, dám nghĩ, dám làm vừa không bị lợi dụng để bao che, bao biện. Theo đó, tổng thể cơ chế pháp lý này không thể truyền tải chỉ bằng nghị định, mà phải bao gồm cả luật.

Pháp luật cần xây dựng cơ chế phân định thẩm quyền rõ ràng, minh bạch theo chiều dọc và cả chiều ngang, cả bên ngoài và bên trong cơ quan, tổ chức, hạn chế tối đa cơ chế phê chuẩn, chỉ đạo, xin ý kiến… từ cấp trên. Qua đó hình thành một phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, chặt chẽ để mỗi cán bộ, công chức sẽ có phạm vi chủ động, sáng tạo của mình, xác định rõ ranh giới của sự chủ động, sáng tạo với vượt rào, làm trái.

Việc xây dựng, sửa đổi cấu thành vi phạm pháp luật phải chặt chẽ, rõ ràng, tránh những cấu thành tương đối. Những việc đó sẽ là kẽ hở trong việc xử lý hoặc bao che, vừa thiếu thuyết phục trong xử lý cán bộ, công chức vi phạm vừa làm suy yếu nghị lực và động lực của những cán bộ, công chức khác.

Đặc biệt, cần có quy định về cơ chế ghi nhận thích đáng những sáng kiến, chủ trương hợp lý, ích nước, lợi dân nhằm khuyến khích sự dấn thân, cống hiến. Chẳng hạn như bổ sung những hình thức khen thưởng.

* TS Thân Ngọc Anh (Học viện Chính trị khu vực 2):

Quy định rõ đơn vị phụ trách việc bảo vệ cán bộ

Nghị định cần tạo ra cơ chế bảo vệ danh dự nhân phẩm, vị trí việc làm, lợi ích của những cán bộ tham gia đấu tranh chống tiêu cực.

Cần thiết có các quy định rõ về công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ người dám đấu tranh; quy định cụ thể về đơn vị sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ nhóm cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh.

Nghị định nên được xây dựng với các quy định tạo ra trên tinh thần công khai, minh bạch. Nghĩa là không chỉ cán bộ mà tất cả người dân đều có quyền tham gia vào quá trình đấu tranh. Đặc biệt là phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận.

* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Sớm cải cách tiền lương

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng nghị định của Chính phủ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là cần thiết.

Bên cạnh đó phải nâng cao nhận thức, hiểu biết, trình độ, phẩm chất đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cần nâng cao tinh thần, vật chất cho cán bộ, công chức, viên chức. Họ làm trong khu vực nhà nước, sống bằng lương, nếu lương không đủ trang trải cuộc sống thì buộc họ phải làm những việc khác. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương.

CẨM NƯƠNG - THÀNH CHUNG ghi

Vẫn còn 46 tỉnh để xảy ra sách nhiễu, 22 địa phương có cán bộ gợi ý ‘bôi trơn’Vẫn còn 46 tỉnh để xảy ra sách nhiễu, 22 địa phương có cán bộ gợi ý ‘bôi trơn’

Thủ tướng băn khoăn về việc vẫn có 46 tỉnh để xảy ra tình trạng sách nhiễu, 22 địa phương có tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền "bôi trơn"…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên