Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) tiếc nuối trên khu đất từng là di sản khảo cổ quốc gia Lò Gốm Hưng Lợi (quận 8) - Ảnh: D.N.HÀ
Cần có nhiều dự án đô thị đa mục tiêu để có không gian văn hóa, kinh tế và có nhiều hạ tầng phục vụ cộng đồng, có không gian cho đô thị, không gian hoạt động giáo dục truyền thống.
Đó là kiến nghị của đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) với Sở Văn hóa - Thể thao về thực hiện nghị quyết 52 năm 2019 của HĐND TP về kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày 4-10.
Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TP.HCM có nhiều không gian có giá trị di sản, nhiều không gian mang dấu ấn của địa phương, nhiều di tích văn hóa, lịch sử cần kiểm kê, đưa vào danh mục để có cơ sở pháp lý bảo vệ.
Những không gian này có thể gắn với những hoạt động về văn hóa, dịch vụ, du lịch, tạo ra kinh tế để nuôi sống và phát huy giá trị của không gian đô thị đó. Các sở ngành phải liên kết để lập ra những dự án đô thị, kết nối ngành để bảo tồn.
Trước đó, qua giám sát các địa điểm di sản văn hóa, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội đã chứng kiến nhiều thực trạng không đẹp tại các điểm di tích.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ năm 1975 đến nay chưa từng được trùng tu sửa chữa bài bản, không có kho đủ chuẩn lưu trữ hiện vật. Ba mặt đường vỉa hè bên ngoài hàng rào bảo tàng nhếch nhác vì có nhiều hàng rong, người vô gia cư ngủ nghỉ, thậm chí có người hút chích, phóng uế cạnh hành rào bảo tàng.
Hàng rào bảo tàng từng bị cần cẩu của công trình xây dựng gần đó gãy đè hỏng, các tòa nhà chính của bảo tàng cũng bị ảnh hưởng của công trình xây dựng kia làm cho xuống cấp.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đang quá tải, không có phòng họp, hội trường, thiếu chỗ để xe. "Thiết kế công suất 1.000 khách nhưng có ngày bảo tàng này phải đón đến 7.000 khách", ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, thông tin.
Di tích khảo cổ quốc gia Lò Gốm Hưng Lợi thì gần như biến mất. Di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) không được bảo quản tốt nhiều năm... Nhiều di tích chưa có ban quản lý. Quy định hiện hành chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý di tích văn hóa, di sản thuộc đơn vị chức năng nào.
Ông Cao Thanh Bình cũng tự nhận qua tình hình thực tế thì bản thân ông cũng thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý và bảo tồn các di tích văn hóa, di sản trên địa bàn TP.
"Có những vấn đề đáng ra chúng tôi phải biết sớm hơn, phải nghe sớm hơn, phải kiến nghị sớm hơn. Giờ mới biết tuy đã trễ nhưng còn hơn bỏ ngỏ. Hiện tại, các di tích khảo cổ mất đi không tìm lại được, phục dựng chỉ là làm lại chứ không còn nguyên bản. Những di tích nào hiện còn thì phải ra sức giữ gìn", ông Bình chia sẻ.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao sớm tham mưu UBND TP ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
Đoàn giám sát sẽ báo cáo Thường trực HĐND để có văn bản kiến nghị UBND TP về những vấn đề trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận