Trước hết, về nội dung, đề tài, có thể nhận thấy sự phong phú, đa dạng và sát gần, đúng hơn là đi ra từ cuộc sống thường nhật của các tác phẩm. Từ nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội đến những điều gần gũi, bình dị, thậm chí bé nhỏ hằng ngày được đề cập chân thực, riết róng bởi những xúc cảm, niềm khát khao xây dựng, sẻ chia, giải tỏa của người viết.
Người đọc được thấy một làng quê mang truyền thống hiếu học, "triều phục" bao đời bị cơn lốc lấy chồng ngoại quốc làm xói mòn những giá trị đạo đức, phẩm hạnh trong “Trinh tiết xóm Chùa” của Ðoàn Lê (giải ba). Một vùng biên cương với nạn buôn lậu và cuộc sống giang hồ hủy hoại nhân cách, tình người, song vẫn không vùi dập được vẻ đẹp mong manh của tâm hồn người trai nghèo hướng thiện, khát khao tình yêu trong sáng trong “Dòng Ka Long” của Trung Phương (giải nhì).
Ðó còn là cuộc đấu tranh thầm lặng vượt qua những trạng thái xúc cảm rất bản năng, vượt lên chính mình ở người nữ giáo viên vùng cao xa nhà sống cùng phòng với một đồng nghiệp nam được Phạm Duy Nghĩa diễn tả trong “Cơn mưa hoa mận trắng” (giải nhất). Nỗi oan trái và bia miệng người đời làm người cha nghèo đau đớn héo hon bao năm trời trong “Ðau gì như thể...” của Nguyễn Ngọc Tư (giải ba). Người thầy giáo dạy văn tài năng, tâm huyết biết sống đúng với phẩm chất tốt đẹp của mình, không bị cuốn vào dòng chảy chung của sự yếu kém, lười nhác, vô trách nhiệm ở các đồng nghiệp trong “Thầy giáo văn chương” của Ðoàn Ngọc Hà (giải nhì), v.v.
Ðặc biệt, cuộc sống và con người nơi những mảnh đất nghèo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa được đề cập nhiều qua các sáng tác. Dư âm chiến tranh và đề tài lịch sử cũng xuất hiện ở một số truyện ngắn: “Hóa giải” của Phan Quế, “Như gốc cội xù xì” của Hà Thị Cẩm Anh, “Ván bài "tỷ điểm tử" của Bão Vũ, “Sông chảy mãi cuối trời” của Nam Trung Hiếu, “Ấm đường ở hội th” của Phạm Thái Quỳnh...
Mảng đề tài về cuộc sống thành thị và lớp trẻ hôm nay ít thấy trong các tác phẩm được giải. Tuy nhiên, dù viết về cái gì, ở đâu, về hiện tại hay lịch sử, các tác phẩm đều toát lên một cảm hứng chung là nhằm ca ngợi cuộc sống con người, đề cao nhân cách, công lý, lương tri, lẽ phải. Tính nhân bản và ý thức vun đắp, dựng xây của người cầm bút sáng rõ qua từng trang viết.
Một điều không thể phủ nhận, là sự thành công của lối viết truyền thống. Ở những cách dựng truyện quen thuộc theo thời gian tuyến tính, theo dòng chảy tâm lý, theo đối chọi mâu thuẫn, sự kiện... Ở giọng văn mượt mà, kỹ càng, nhẩn nha chậm rãi. Ở những cách chiếu rọi, mổ xẻ vấn đề trên cái nền chung của xúc cảm nhân văn. Có tác giả nghiêng soi vào một nỗi oan sai, một cảnh tình ngang trái; có tác giả tìm tòi chiều sâu tâm tưởng con người qua những thử thách, biến cố có vẻ nhẹ nhàng nhưng không hề giản đơn bằng cách kể tuần tự, bằng giọng văn giàu cảm xúc với lối viết tỉa tót mà không cần đến một thay đổi, phá cách nào. Ðó là cách thể hiện truyền thống - vẻ đẹp đã từng được biết đến, chinh phục được số lượng lớn bạn đọc.
Bộ ba tác phẩm được giải nhất theo dòng chung này. Ván bài "tỷ điểm tử" của Bão Vũ mô tả hai tuỳ tùng của một hoàng triều tàn lụi, sau nửa thế kỷ gặp lại nhau và sự nhếch nhác, lở lói của vương triều cuối cùng hiện dần qua những hồi ức của hai ông già. Thực ra đây là canh bạc đời mà cả hai ông đều thua. Giọng văn Bão Vũ khi mỉa mai, khi cảm khái dẫn dắt truyện một cách biến ảo, lắt léo về một vương triều tàn lụi lồng trong truyện kể về hai ván bài cách nhau 50 năm. Sự từng trải, sâu xa của văn và truyện làm đọng lại trong người đọc cái vị đắng thấm đẫm nỗi đời.
“Cơn mưa hoa mận trắng” của Phạm Duy Nghĩa viết về những giáo viên cắm bản. Cuộc sống hằng ngày của họ không phải chỉ là công việc mà còn là sự đối đầu với lạc hậu, sự buồn chán, cô đơn và hơn nữa là bản năng muốn bứt phá. Tác giả đã đẩy nhân vật đến giới hạn mong manh của cuộc đấu tranh dữ dội giữa bản năng và ý thức. Và sự chiến thắng của ý thức cũng đồng thời là sự ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu trong sáng, thủy chung. Típ truyện không mới, cách viết không mới song người viết biết dồn đẩy cho tiết tấu khá tự nhiên, linh hoạt.
“Như gốc cội xù xì” của Hà Thị Cẩm Anh chân chất mộc mạc, đậm hương vị xứ Mường trong cách cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống, tình yêu. Di họa chiến tranh ảnh hưởng đến cuộc đời và tâm hồn người con gái, song hạnh phúc muộn mằn rồi cũng tới. Một kết thúc tròn đầy, có hậu cũng đồng thời bộc lộ sự vụng về, khiên cưỡng làm thu hẹp không gian nghệ thuật và giảm sức lay động của tác phẩm.
Bên cạnh đó, một số tác phẩm mang những hương vị mới, đậm dấu ấn thời vi tính với văn phong không tỉa tót mà nhằm gợi và tả, bố cục dường như không có, cốt truyện được làm mờ nhòe, kịch tính ít, đối thoại hạn chế, hàm súc... nhưng có sức ám ảnh và khơi gợi những hướng đi nhiều hứa hẹn cho truyện ngắn hiện đại. Cố gắng tìm tòi, bứt phá chính là điều tất yếu trong sự vận động, phát triển của văn học, ở bất cứ thời kỳ nào. Và dẫu thành công, hạn chế hay những tín hiệu của sự khai phá cũng là điều có thể chấp nhận đối với văn chương trong hành trình sáng tạo.
Cũng qua cuộc thi, người đọc được thấy sự xuất hiện đông đảo, tấp nập, đa dạng của các cây bút trong cả nước ở thể loại này. Bên cạnh những tác giả già dặn về tuổi đời, tuổi nghề, nhiều kinh nghiệm, tài năng, có những tác giả trẻ mới mười tám, đôi mươi và bắt đầu cầm bút viết văn như Nguyễn Thị Như Khanh (giải tư), Trần Nhật Linh (giải nhì); hay có tác giả người dân tộc thiểu số, sau nhiều thăng trầm của cuộc sống mới cầm bút như Hà Thị Cẩm Anh.
Tuy nhiên, sự đông đảo của lứa tác giả đã quen tên trên văn đàn cùng sự chiếm ưu thế của các tác phẩm theo lối viết mòn cũ, ít sáng tạo, các mô-típ đề tài quen thuộc, đơn giản cũng đặt ra cho người đọc một kỳ vọng lớn lao vào sự xuất hiện của những cây bút có nhiều khám phá mới mẻ trong công cuộc đổi mới của đất nước, để truyện ngắn bứt lên khỏi mặt bằng chung đều đều hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận