Ông Nguyễn Đăng Hùng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho rằng hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập và thách thức.
“Chẳng hạn, đầu tư xe điện ở Hà Nội hoặc TP.HCM chưa có tiêu chuẩn về thẻ vé thống nhất, thiếu sự liên thông. Người dân phải mua nhiều thẻ vé, và mua bằng tiền mặt. Từ đó, không khuyến khích người dân mua vé thẻ giao thông công cộng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hệ thống thẻ vé giao thông dùng riêng và có thể liên thông với nhau”, ông Hùng nhận xét.
Ứng dụng công nghệ thanh toán mới vào giao thông công cộng
Theo ông Hùng, nhiều nước trên thế giới còn dùng cả thẻ ngân hàng như thẻ vé trên các phương tiện giao thông công cộng, bằng cách ứng dụng công nghệ không tiếp xúc, hoặc quét mã QR trên điện thoại thông minh…
“Từ thực tế các nước trên thế giới, chúng tôi nhìn thấy một mô hình thẻ vé thông minh mà Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng trong đời sống”, ông Hùng cho biết.
Theo đề xuất của Napas, thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng hệ thống thẻ vé điện tử tập trung cấp quốc gia, hoặc tối thiểu ở mức thành phố lớn, cho phép liên thông tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, metro…
Thứ hai, cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé theo tiêu chuẩn mở, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hiện hữu của Việt Nam.
Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông cho hơn 50 triệu chủ thẻ hiện hữu.
Thứ tư, các công nghệ mới nên được nghiên cứu và áp dụng khi xây dựng các hệ thống thẻ vé tập trung của quốc gia, thành phố.
Về việc triển khai thực tế ứng dụng công nghệ không tiếp xúc tại Việt Nam, ông Hùng cho biết Napas đã đưa vào thử nghiệm với xe buýt điện Vinbus vào tháng 12-2021. Mô hình này cho phép khách hàng lần đầu sử dụng thẻ ngân hàng Napas để thanh toán cho chuyến đi bằng cách chạm thẻ vào thiết bị trên xe buýt…
Thanh toán không dùng tiền mặt thay đổi thói quen của người tiêu dùng
Ông Lê Trường Sơn - phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cho biết trong 5 năm qua, đơn vị dùng nguồn lực đáng kể để số hóa, chuyển đổi số, trong đó phối hợp với các đối tác đưa tất cả những phương thức thanh toán không tiền mặt vào hệ thống bán lẻ của mình.
Hiện nay, hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op và đang thay đổi đáng kể tập quán, thói quen của người tiêu dùng, khách mua hàng.
Dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng theo ông Lê Trường Sơn, vẫn còn nhiều thách thức khi các chỉ số đánh giá của quốc tế cho thấy tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá cao trong đời sống.
Rõ ràng chúng ta cần nhiều giải pháp ở các cấp độ Chính phủ, địa phương, sở ngành cho đến doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần được tạo điều kiện để mua sắm không tiền mặt nhiều hơn.
Trong đó, để thay đổi tập quán tiêu dùng, thanh toán cần có quá trình thông qua giáo dục, tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cơ quan chính quyền cũng nghiên cứu có những quy định nghiêm khắc hơn để người dân không chỉ tình nguyện mà còn thấy trách nhiệm trong thanh toán không tiền mặt,.
"Riêng với Saigon Co.op, thanh toán không tiền mặt là phương thức để có vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đầu tư các nguồn lực, áp dụng giải pháp mới đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. Trong tương lai chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số phương thức thanh toán mới, nếu có sự hỗ trợ của chính quyền thì doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh hơn", ông Lê Trường Sơn nói.
Nhiều rủi ro an ninh mạng
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng VinCSS, Tập đoàn Vingroup, nhận định rủi ro an ninh mạng đối với Việt Nam đang gia tăng. Lý do là Việt Nam đang tăng mạnh các hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt.
Việt Nam vẫn được xem là "vùng trũng" nếu so sánh về mặt ứng dụng công nghệ so với nhiều nước khác trên thế giới. "Điều này cũng giống như chúng ta là ngôi nhà có tài sản đang tăng nhưng khả năng bảo vệ vẫn còn rất thấp", ông Trác đánh giá.
Để nâng cao khả năng bảo vệ các giao dịch qua mạng nói riêng, thanh toán không tiền mặt nói chung, ông Trác cho rằng: "Việc nâng cao nhận thức cần phải làm và làm thường xuyên, nhưng không thể trông cậy hoàn toàn vào biện pháp này".
Từ đó, ông đề xuất hai xu hướng công nghệ Việt Nam có thể nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao khả năng đảm bảo an toàn trong giao dịch qua mạng.
Thứ nhất, nhiều nước trên thế giới bỏ cách xác thực bằng tin nhắn đến số điện thoại di động (mã xác thực OTP), chuyển sang dùng xác thực sinh trắc học (chẳng hạn bằng app trên smartphone). Thứ hai là ứng dụng công nghệ AI để xác thực giao dịch trên các thiết bị kết nối mạng.
"Có những xu hướng công nghệ đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta nên tiếp thu và có ứng dụng kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho thông tin cũng như các giao dịch của người dân", ông Trác khuyến nghị.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết Sở Công Thương TP.HCM đã có nhiều giải pháp để khuyến khích các tiểu thương bằng chuyển đổi hệ thống thanh toán, xây dựng hệ thống thanh toán. Nhờ các tiện ích trong thanh toán mà hiện nay tại các chợ, việc thanh toán không dùng tiền mặt khá phổ biến. Người bán và mua đều thấy thuận lợi hơn khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số: Lấy hành trình của khách hàng là trọng tâm
Ông Phạm Quang Thắng, phó tổng giám đốc Techcombank, cho hay: "Trong chiến lược 2021-2025, Techcombank tập trung đầu tư mạnh mẽ cho ba trụ cột Số hóa - Dữ liệu - Nhân tài để hiện thực hóa tầm nhìn "Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống".
Techcombank sẽ tiếp tục chuyển đổi số, cải tiến quy trình dịch vụ để mang đến hành trình trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng".
Đến nay, Techcombank nằm trong số ít ngân hàng xây dựng được bộ máy riêng về quản lý dữ liệu. Techcombank có khối dữ liệu riêng với 220 nhân sự, trong đó có hơn 10 chuyên gia là người nước ngoài. 50% cán bộ là chuyên gia người Việt Nam nhưng từng có thời gian làm việc tại nước ngoài.
Trên nền tảng con người và công nghệ như vậy, Techcombank luôn trong chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm.
Việc thu thập dữ liệu và số hóa, Techcombank luôn xác định lấy hành trình của khách hàng là trọng tâm để xác định từng hành trình của khách hàng đâu là điểm chạm, và với điểm chạm như vậy đâu là những trải nghiệm của khách hàng đã trải qua và cần thu thập, phân tích, sử dụng data như thế nào để có thể giải quyết được trải nghiệm của khách hàng một cách hiệu quả nhất, cũng như quản trị rủi ro một cách tốt nhất.
Việc đầu tư nhân sự và hệ thống của Techcombank đã diễn ra cách đây 10 năm. Trước đây ngân hàng chỉ thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu rồi cất đi như một loại chứng từ, thì nay đã chủ động xử lý dữ liệu một cách hiệu quả và chủ động xây dựng và giới thiệu cho khách hàng sản phẩm trên cơ sở thu thập dữ liệu và phân tích hành vi của khách hàng.
Đến nay, hơn 90% các giao dịch của khách hàng Techcombank được thực hiện qua kênh số.
Số lượng khách hàng mới đến với kênh số của Techcombank năm 2022 tăng trưởng tới 40% so với năm 2021, với tỉ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%.
Bằng việc thu thập, phân tích dữ liệu, Techcombank đánh giá được thói quen sử dụng của khách hàng trên app mobile banking, để phân bổ nguồn tài chính của họ qua những đâu để xây dựng kế hoạch tài chính cho mình.
Hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức diễn ra chiều ngày 16-6 tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận