Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Nguyễn Hoàng Điệp lẽ ra đã xong Đập cánh giữa không trung lâu rồi nếu như không phải vì sau khi đóng máy, mẹ ốm khiến cô ngưng hết công việc trong ba tháng: cô mong muốn biết đâu mẹ có thể nhìn thấy lại dù chỉ mờ mờ bộ phim dài đầu tiên của cô! Bùi Kim Quy với phim Người truyền giống cũng vừa quay xong, chưa biết khi nào sẽ có tiền để làm hậu kỳ.
Trong khi nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa đánh dấu tuổi 64 của mình bằng một phim truyện trong vai trò đạo diễn
- Gương trời...
* Việc làm phim của phụ nữ có những điểm khác cơ bản nào (nội dung và hình thức) với đàn ông làm phim?
Nguyễn Hoàng Điệp (NHĐ): Tôi hay nghĩ về những cá tính - phong cách của đạo diễn và thường thì chuyện này khá độc lập với vấn đề giới tính. Nếu buộc phải tìm ra cái khác cơ bản..., tôi nghĩ chắc là... số lượng!
Bùi Kim Quy (BKQ): Nếu truy tìm những điểm khác biệt cơ bản về nội dung và hình thức thì tôi nghĩ bất cứ ai làm nghệ thuật cũng đều khác nhau, hoặc có những điểm khác biệt không thể tương đồng với một cá nhân khác. Phụ nữ hay đàn ông khi đã làm nghệ thuật, đứng trên cùng mặt bằng thế giới và con người, chúng ta có những tâm trạng khác nhau, và hẳn nhiên sẽ làm ra những tác phẩm khác nhau thôi.
* Là đạo diễn nữ, việc xử lý diễn viên nữ, nhân vật nữ trong phim của mình có gì khác không với giới tính đối ngược?
NHĐ: Thật ra tôi thấy đàn ông làm phim rất giỏi về tâm lý phụ nữ. Bậc thầy khai thác tâm lý nữ với tôi là Woody Allen, phim của ông lúc nào cũng làm mình có cảm giác thật an toàn và dễ chịu, cũng có đôi khi là ngượng ngùng vì điều riêng tư gì đó rất giống với mình đang bị bóc tách dần ở trên phim.
Tôi không chắc do giới tính quy định nhưng tôi thì hết sức khổ sở khi phải viết, xử lý và làm việc với các nhân vật nam. Còn với phụ nữ thì... tôi thoải mái và hứng thú hơn rất nhiều. Nhưng tôi cũng không khoái lắm cái kiểu nhìn và nghĩ về phụ nữ của tôi. Nó hơi cá nhân quá, hơi sến quá và hơi cực đoan quá. Dù vậy tôi vẫn tin rằng nếu tôi là đàn ông, cuộc đời tôi và việc làm phim của tôi sẽ rất tuyệt.
BKQ: Xử lý duy nhất của tôi trong vai trò đạo diễn, đối với diễn viên nam hay diễn viên nữ đó là khi cần là phụ nữ thì sẽ là phụ nữ, khi cần là đàn ông thì sẽ là đàn ông, tôi cố gắng hòa hợp với họ trên hiện trường thôi.
* Phụ nữ làm phim thường quan tâm đến điều gì nhất? Ít ra là trong bộ phim đầu tay ấy thì sẽ nói về... mình hay là kẻ thù của mình sau lần thất tình đầu tiên, chẳng hạn?
NHĐ: Tôi không biết phụ nữ làm phim thì quan tâm điều gì nhất nhưng những phụ nữ quanh tôi thì họ luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi người đàn ông của họ đã ở đâu vào lúc họ thật sự đơn côi nhất. Và quả là trong phim đầu tay tôi cũng nói về chuyện một cô gái cứ loay hoay với đời mình khi mà những người đàn ông cô yêu luôn biến mất vào đúng lúc cô cần đến họ. Để lại cô một mình, dằn vặt bản thân xem họ đã biến đi bằng cách nào và tại sao?
Câu hỏi đáng chán nhất trên đời và xem ra rất khó chấp nhận bất cứ một phương án trả lời nào!
BKQ: Trả lời cho một số đông là điều tôi không thể, vì tôi chẳng biết những phụ nữ khác sẽ quan tâm đến điều gì nhất. Với tôi thì điều gì thúc đẩy nội tâm tôi, tôi làm. Tôi trung thực với nội tâm mình, đó là vũ khí giúp tôi đi sâu hơn vào hiểu biết thế giới và con người. Những hiểu biết đó sẽ ngày càng giải phóng thêm cho bản thân tôi.
Tôi không bao giờ đặt mục đích mình phải nói về kẻ thù hay người tình đầu tiên... Cứ để tự nhiên, và tự nhiên sẽ có cách móc nối tuyệt vời nhất với nội tâm ta.
Đạo diễn Bùi Kim Quy |
* Điểm dừng, có hay không với phụ nữ chọn nghề làm phim? Vì con cái, vì... chồng không muốn thế? Hoặc đơn giản hơn cái tuổi nó đuổi phim đi?
NHĐ: Gần đây thì tôi thấy có. Nhưng cách này hay cách khác tôi đều thấy mình thỏa thuận - dàn xếp - tự thuyết phục... được khá tốt. Ít nhất là dù có vật vã thì vẫn cứ làm phim và làm xong phim. Nhưng gót chân Achilles nó nằm ở chỗ khác.
Như hiện nay, với tôi điểm dừng là mẹ. Mẹ tôi ốm nặng và tôi thấy mọi chuyện đang chao đảo, tôi không đủ bình tĩnh cũng như đủ sức khỏe để tỏ ra mạnh mẽ thêm được nữa. Mà sức mạnh (dù là mình có thật hay tỏ ra có ấy) lại rất quan trọng khi mình làm một đạo diễn.
BKQ: Có thể sẽ có điểm dừng, nhưng dừng như thế nào lại là việc của mỗi cá nhân. Còn cái tuổi nó đuổi phim đi, chắc chỉ đúng với “Mùa lạc” thôi, vì tôi làm phim không để chạy theo phong trào, tuổi tác mà nội tâm thúc đẩy, nội tâm mách bảo tôi đến lúc rồi, tôi làm thôi, bất luận đó là khi nào.
* Và những gì không thể thiếu trong túi xách của một người phụ nữ làm phim?
NHĐ: Với tôi, cá nhân thôi, thứ được gọi là không thể thiếu nó cũng thay đổi tùy khi. Hồi sinh viên thì máy ảnh, nhật ký (nhật ký này hay lắm vì nó viết về mình và cả những chuyện mình thấy hay mỗi ngày, nó rất hữu ích để mình lôi ra làm kịch bản khi cần), sáp nẻ môi. Khi đi làm rồi thì dvd phim, kịch bản viết dở kèm theo bút màu hoặc cũng đôi khi là kịch bản hoàn chỉnh của thứ mình đang tuyệt vọng vì không thể đủ tiền làm nó thành phim, son dưỡng có màu thật nhạt.
Và một vật thiêng: lúc này nó thường là bùa của mẹ cho hoặc cái cỏ bốn lá vô tình sưu tập được. Khi tôi có con thì nó là phiếu bé ngoan của con, tôi luôn kẹp trong ví. Tổng kết lại, với tôi hành trang không đổi sẽ là kịch bản, cái gì đó để bôi môi và... vật thiêng tùy theo thời điểm. Phải không ạ?
BKQ: Trước khi tôi bấm máy phim Người truyền giống có nhiều người khuyên tôi không nên làm phim, đừng làm phim..., chưa kể thêm một số lời dọa nạt kiểu rất “nhi đồng”. Nên trong trường hợp của tôi, tự tin là quan trọng nhất. Tự tin về hiểu biết của mình, tự tin về điều mình sẽ làm.
* Thế nếu được chọn lại, bạn có chọn làm phim nữa không? Biết sợ, biết ngại chưa?
NHĐ: Tôi vẫn chọn, có thể vì tôi cũng chẳng làm nổi chuyện gì nữa ngoài chuyện làm phim. Phim cho tôi một lý do hoàn hảo để trốn tránh, để ẩn náu, để tận hưởng. Và cũng tại vì cuối cùng thì tôi cũng phải có cách nào đó để sống thật với mình một cách... có nghệ thuật chứ. Suốt 32 năm sống, kể từ khi tôi biết nhận thức về mọi thứ xung quanh, lúc nào tôi cũng thấy sầu muộn.
Và tôi đã luôn chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy ra để chấm dứt trạng thái ấy. Cho đến ngày tôi đọc được trong thơ Lưu Quang Vũ rằng “...Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”, tôi mới biết hóa ra sống ở trên đời mình cần phải có một đám mây trắng cho riêng mình và tôi đã đinh ninh đám mây trắng ấy chỉ có thể là phim. Nhưng thật ra, có một đám mây trắng đã theo tôi suốt cả cuộc đời là mẹ mà chỉ khi mây ốm mình mới hay là mây đã trắng hết cả sức lực vì mình.
* Và những tháng ngày này, nếu không có phim, tôi không hiểu sẽ vượt qua bằng cách gì. Suy ra thì... phim vẫn là mây trắng của đời tôi chăng?
BKQ: Cho tôi chọn lại, tôi cũng không hơi đâu quay lại quá khứ mà chọn. Cuộc đời mình đã đến vậy, cứ thế mà đi thôi.
Tất cả xuất phát từ câu chuyện mình kể
Phóng to |
Đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát (bìa phải) -: Ảnh: nhân vật cung cấp |
Trở thành đạo diễn ở tuổi 64 với Gương trời, một phim sắp ra rạp tháng 3-2014 và hiện giữ kỷ lục kinh phí thấp nhất (450 triệu đồng). Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhiệt thành chia sẻ với TTCT:
- Việc làm phim của phụ nữ khác đàn ông chứ. Đạo diễn nam mạnh mẽ hơn, hẳn rồi. Sức khỏe tốt hơn. Nhiều cái có ưu thế hơn lắm. Ví dụ các em diễn viên nữ trẻ đẹp sẽ thích đạo diễn nam hơn, các anh ấy sẽ được các em chăm sóc chu đáo hơn chẳng hạn... Nhiều khi nảy nở tình yêu giữa họ lại làm phim có thêm thi vị để hay hơn cũng đã từng có rồi.
Đạo diễn nữ xưa nay vốn ít, trong điện ảnh (lĩnh vực phim nhựa) mới có bác Bạch Diệp, Việt Linh, Nhuệ Giang... Nhưng các đạo diễn này được ví là chả khác gì đàn ông. Sự “chả khác” ấy là ở chỗ suy nghĩ và sự dũng cảm dám lao vào những đề tài khá hóc búa (chiến tranh, cuộc sống đương đại, lịch sử...) nhưng vẫn có nét dịu dàng, nữ tính ở trong đó.
Phụ nữ làm phim thường thì quan tâm đến gì ư? Đã thất tình chán như con gián thì có gì để nói, kẻ thù của mình càng không phí thời gian và ngôn ngữ để nói về họ. Cái đẹp của cuộc sống còn không đủ thì giờ, sức lực để quan tâm kìa. Nói vui vậy thôi. Tất cả phải xuất phát từ câu chuyện mình kể. Kể chuyện gì và kể như thế nào cho hay, cho hấp dẫn và hợp lý... Đơn giản vậy thôi.
Nếu có điểm dừng, có lẽ là do cái tuổi nó đuổi xuân đi thì đúng hơn. Chồng hay người yêu cấm cũng chả được, một khi đã mê làm phim. Con cái nếu còn bé thì cũng phải tính... Như bác Bạch Diệp ấy, những năm cuối đời sức khỏe đã yếu mà vẫn muốn được ai đó mời đi làm phim. Bác ấy bảo “được đi làm phim là khỏe ngay!”. Như đạo diễn Việt Linh, mê làm phim thế mà sau một trận ốm cũng phải dừng vì lo sức khỏe, vì thương chồng thương con lo lắng cho mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận