Tuyến xa lộ Hà Nội, Metro chạy xuyên suốt ba quận 2, 9 và Thủ Đức là mội lợi thế phát triển khi thành lập TP. Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 31-10, Đoàn khảo sát về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP.HCM để góp ý đề án trên.
Trước buổi góp ý, lãnh đạo UBND TP cùng đoàn khảo sát đã đi thực tế cùng để khảo sát về điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực ba quận dự kiến sẽ là địa bàn thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Tăng thẩm quyền cho chính quyền TP Thủ Đức
Tại cuộc họp, đa số đại diện của các bộ, ngành trung ương tỏ ý kiến tán đồng với hai đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và đề án thành lập TP Thủ Đức của TP.HCM.
Ông Ngô Minh Dương, phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương đảng góp ý đề án - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Ngô Minh Dương, phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương đảng, cho rằng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM, trong đó thành lập TP Thủ Đức chưa làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền thành phố mới.
Theo ông Dương, chính quyền thành phố mới phải có thẩm quyền, trách nhiệm cao hơn đơn vị hành chính cấp huyện bình thường, có như vậy mới tạo được sự đột phá để phát triển.
Phó vụ trưởng lưu ý TP. HCM nên có nghiên cứu thêm về vấn đề này, sớm đưa vào đề án những quy định chi tiết, cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm cho chính quyền thành phố mới.
Đại diện Bộ Tư pháp góp ý đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị TP.HCM cần đưa ra các nhóm giải pháp để thành phố mới có điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách.
"Để có một thành phố Thủ Đức như mong muốn thì bên cạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cần có hàng loạt cơ chế chính sách để TP có một bệ phóng nhằm phát triển nhanh hơn so với hiện nay.
TP.HCM cần đi trước một nước, có những phương án về cơ chế chính sách để các cơ quan trung ương thấy được bức tranh tổng quát. Từ đó, các bộ, ngành sẽ có những cơ chế pháp lý hỗ trợ TP.HCM thực hiện", đại diện Bộ Tư pháp góp ý.
Thủ Đức phải lấy "đức làm đầu"
Đưa ý kiến tại hội nghị, ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng Bộ Nội Vụ - đề nghị TP.HCM làm rõ việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức sau khi sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức.
"Đề án cũng chưa đưa các giải pháp căn cơ về đào tạo nguồn nhân lực cho TP Thủ Đức tương lai, để xứng tầm là một đô thị vệ tinh của TP.HCM", ông Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị TP.HCM nên rút ngắn thời gian giải quyết, sắp xếp cán bộ dôi dư tại các địa phương trên địa bàn TP Thủ Đức mới đến hết năm 2021.
Trong quá trình sắp xếp, chính quyền phải tính đến việc ổn định tâm lý cho những người thuộc diện sắp xếp, tạo điều kiện cho họ được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để có thể tìm được việc làm mới ở khu vực tư nhân, như vậy sẽ vừa tiết kiệm được nguồn ngân sách, vừa thể hiện sâu hiệu quả của công tác sắp xếp.
Về tên của TP mới, ông Trần Anh Tuấn cho rằng việc lấy tên TP mới đã được chính quyền TP.HCM làm theo các quy trình thủ tục. Đa số các ý kiến của tri đều thống nhất lấy tên TP Thủ Đức.
Theo ông Tuấn, TP.HCM là địa phương duy nhất mang tên Bác Hồ, cán bộ TP phải lấy đức làm gốc. TP Thủ Đức là thành phố thuộc TP.HCM, việc lựa chọn cán bộ phải lấy đức làm đầu.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng khi thành lập, bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức phải tinh gọn mà hiệu quả. TP.HCM cần chú ý đến các chơ chế hoạt động của TP mới trong quản lý, điều hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận