09/05/2023 09:08 GMT+7

Cần cơ chế riêng cho dự án cao tốc

Đầu tư cho cao nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ khó có đủ kinh phí. Chỉ có gọi vốn từ xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực thật sự mới có thể phát triển đường bộ cao tốc. Muốn vậy phải có cơ chế riêng cho các dự án cao tốc.

Công nhân thi công nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với quốc lộ 28 tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Công nhân thi công nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với quốc lộ 28 tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

1. Có hành lang pháp lý riêng, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn các thủ tục mặt bằng. Nhân rộng cách làm đã cho thấy hiệu quả như các dự án được hưởng cơ chế đặc thù cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội...

2. Giải phóng mặt bằng xem là mấu chốt và làm trước một bước. Hóa giải khó khăn khâu này không gì khác là phải đặt lợi ích người dân bị giải tỏa lên hàng đầu, công bằng giữa những người bị thu hồi đất.

Chỉ áp dụng một giá bồi thường theo cơ chế thị trường, xác định giá đất theo thị trường qua sàn giao dịch, minh bạch các khoản chi phí, thanh toán qua ngân hàng. Các chi phí này so với sự chậm giải phóng mặt bằng, đội vốn dự án vẫn có lợi hơn nhiều.

Ưu tiên tái định cư tại chỗ, linh hoạt cho người dân lựa chọn, hoán đổi đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác để đổi lấy đất ở. Được vậy càng thuận lợi giải phóng mặt bằng, hạn chế khiếu kiện, giảm gánh nặng ngân sách.

Chính quyền dễ dàng tận dụng đất công hoặc quy hoạch lại để giải bài toán kinh tế cho dự án giao thông khai thác quỹ đất hai bên đường. Nên chăng lồng ghép, bổ sung thành pháp lý nhân dịp đang sửa đổi Luật Đất đai 2013.

3. Cơ quan chức năng nên lập kế hoạch cụ thể, trình thông qua chủ trương đầu tư, công khai các thông tin chi tiết về dự án cao tốc trên mạng đấu thầu quốc gia từ bước hợp tác xúc tiến đầu tư đến khâu lập dự án, phương án hoàn vốn để kêu gọi đầu tư.

4. Áp dụng mức thu phí thống nhất chỉ một giá trên các tuyến cao tốc, bù chéo cho những dự án sụt giảm doanh thu. Đoạn nào hoàn vốn vẫn tiếp tục gia hạn thu phí trả nợ cho các đoạn khác cùng kết nối vừa tránh sự so bì, phương tiện né trạm, đảm bảo có kinh phí duy tu an toàn giao thông và có thêm nguồn lực tái đầu tư các dự án cao tốc khác.

5. Chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích với các dự án cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng có thể chuyển nhượng cho tư nhân khai thác sẽ giúp thu về khoản tiền khá lớn vừa thanh lọc ngân sách tài chính, giảm dần nợ công.

Ngoài ra, có thể nhượng quyền, đấu thầu ủy thác cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác quỹ đất dọc cao tốc. Nhà nước giữ vai trò hiện đại hóa mạng lưới cao tốc, định hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm và có lợi nhuận cho các thành phần tham gia thông qua chính sách thuế phí.

6. Thu hút xã hội hóa. Cần tạo điều kiện thuận lợi, giảm gánh nặng cho nhà đầu tư như đã làm với vành đai 4 (Hà Nội) có sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 41.860 tỉ đồng. Còn lại vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỉ đồng.

Ngoài ra, xem xét hỗ trợ nhà đầu tư huy động vốn bằng nhiều hình thức, phát hành trái phiếu dự án. Được vậy sẽ khuyến khích xã hội hóa.

Nếu có thêm giải pháp hạn chế rủi ro càng đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên bố trí ngân sách đóng góp trước hoặc cùng lúc huy động vốn cho dự án, hài hòa lợi ích, tăng bảo lãnh doanh thu để nhà đầu tư yên tâm rót vốn.

Hầu hết các nước phát triển trên thế giới nhờ đột phá cơ chế, trưng mua theo giá thị trường và cưỡng chế hành chính thông qua pháp luật thu hồi đất làm dự án cao tốc, xã hội hóa thu hút đầu tư để nhanh chóng có hệ thống cao tốc hoàn thiện.

Có thể gọi đó là những đại lộ huyền thoại, biểu tượng cho phát triển và hành trình cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những cách làm hiệu quả, thành công ở các nước đi trước có thể cho nước ta tham khảo.

Tiếp tục đề nghị Đồng Nai gia hạn mỏ đất đắp cho cao tốcTiếp tục đề nghị Đồng Nai gia hạn mỏ đất đắp cho cao tốc

Theo Bộ Giao thông vận tải, khối lượng các hạng mục cần đất đắp của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn lại khá lớn nên đề nghị tỉnh Đồng Nai tiếp tục gia hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên