Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng để tiến độ di dời nhà ven, trên kênh rạch đạt bước tiến vẫn cần có những cơ chế đặc thù, đột phá...
Hàng chục năm kế hoạch di dời nhà trên, ven kênh
Thành ủy và UBND TP.HCM đặc biệt quan tâm, xem việc di dời nhà trên và ven kênh rạch là một trong những vấn đề quan trọng. Từ năm 1993, TP.HCM đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Chương trình thực hiện đạt kết quả thành công vào giai đoạn đầu nhưng tiến độ chậm lại vào giai đoạn sau khi chủ trương chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang nguồn vốn ngoài ngân sách.
Giai đoạn 1993 - 2020, TP di dời được 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời. Trung bình mỗi năm TP di dời được hơn 1.400 nhà. Tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc di dời nằm trong các nội dung quan trọng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, một trong bảy chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đến Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2025, TP tiếp tục xác định di dời nhà ven, trên kênh rạch được xác định là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM.
Tuy nhiên, tốc độ di dời càng ngày càng giảm và tiến độ chậm dần. Để đẩy nhanh việc di dời, TP.HCM đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030, trong đó có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên kênh và nhà ven kênh với mục tiêu cụ thể từ năm 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn.
Dù vậy, giai đoạn 2016 - 2020, TP chỉ di dời được gần 2.500 căn (trung bình mỗi năm chỉ di dời 625 căn), chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu. Dự báo kết quả di dời giai đoạn 2021 - 2025, TP cũng chỉ di dời được tầm 3.000 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.
Vận dụng chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ
Nguyên nhân việc di dời chậm được nhận định do thiếu vốn và cơ chế. Việc khó khăn về nguồn vốn đầu tư khiến tiến độ di dời nhà chậm. TP.HCM đã áp dụng một số phương thức thu hút vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, các dự án di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch còn gặp phải các khó khăn về pháp lý, thẩm định giá, giải tỏa, đền bù, tái định cư, bảo đảm sinh kế cho người dân bị giải tỏa...
Báo cáo mới nhất của UBND quận 8 cho biết quận này có gần 12.500 căn nhà lụp xụp, khu đất trên và ven kênh rạch, trên diện tích 955.103m2, trải đều tất cả 16 phường với hơn 52.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Trong đó có khoảng 6.400 căn nhà trên đất, gần 4.000 căn một phần trên đất, một phần trên kênh rạch và khoảng 2.000 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch.
Qua thực tế công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, UBND quận 8 nhận thấy giá trị bồi thường, hỗ trợ cho nhà đất bị ảnh hưởng rất thấp, không đủ điều kiện cho hộ dân mua lại căn hộ để tái định cư, ổn định cuộc sống dẫn đến việc vận động, di dời các hộ dân rất khó khăn.
Do đó, quận này đã xây dựng phương án chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các trường hợp nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8.
Mục tiêu làm sao cho cuộc sống người dân sau giải tỏa, di dời phải bằng hoặc cao hơn nơi ở hiện tại, nội dung chính sách đặc thù gồm chính sách hỗ trợ đối với trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất; chính sách về tái định cư và chính sách về hỗ trợ kinh doanh, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM từng tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn việc di dời nhà trên và ven kênh rạch. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng TP.HCM cần có giải pháp tập trung vào huy động nguồn lực tài chính và quỹ đất (bao gồm quỹ nhà ở tái định cư và các khu đất) đối với các dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch.
Với thực tế kinh phí hạn hẹp, TP có thể chia nhỏ các dự án ra và làm hoàn chỉnh, đẹp một phần hoặc một đoạn kênh rạch. Khi đó có thể thu hút nhiều người quan tâm đầu tư, người dân nhìn nhận ra cái đẹp cũng sẽ có thay đổi tích cực, dẫn đến sự kích hoạt các khu vực còn lại theo hướng tốt hơn. Thêm vào đó, có thể mở rộng kêu gọi bằng vốn xã hội hóa.
Xem xét cho cải tạo nhà bị cháy
Chiều 2-4, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng vụ cháy nhà ven kênh ở quận 8. Tại đây, ông Hải cũng đề nghị chính quyền quận 8 có các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.
Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa không để cháy, nổ xảy ra. Cùng ngày, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
Trước đó tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Tú - phó chủ tịch UBND quận 8 - thông tin khu vực cháy nằm trong hẻm và ở ven sông nên gặp khó khăn trong công tác chữa cháy, phải đề nghị lực lượng chữa cháy trên sông của PC07 Công an TP.HCM chi viện. Ngay trong đêm, địa phương đã bố trí chỗ nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng sinh hoạt cá nhân, thực phẩm... cho các hộ dân.
Về nguyên nhân ban đầu, vụ cháy được cho xuất phát từ bãi chứa vật liệu gỗ cũ phía sau nhà không số, kế nhà số 206/1/20 đường Phạm Thế Hiển.
Cũng theo ông Tú, khu vực xảy ra cháy có các hộ dân nằm trong diện di dời thuộc dự án cải tạo, chỉnh trang bờ nam kênh Đôi. UBND TP.HCM đã lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ, đang trong giai đoạn nghiên cứu các hướng khả thi thực hiện dự án. Dự kiến có hơn 5.000 căn nhà được di dời.
Với các trường hợp có nhà bị cháy, sau khi rà soát pháp lý nhà đất xong, các hộ dân sẽ được sửa chữa, cải tạo nhà lại theo quy mô cũ trong thời gian chờ dự án di dời nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận