TTCT - Cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân cả nước vừa diễn ra ở Hải Dương cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với những người tạo ra nông sản, đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu những năm gần đây. Nhưng làm sao để phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, đầu ra ổn định... góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vẫn đang là câu hỏi chưa lời đáp. Thu mua bưởi xuất khẩu tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CHÍ QUỐC Làm gì khi mọi thứ đã “đụng trần”? Hiện có những điều đã đi tới giới hạn của nó: bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nông dân ở ĐBSCL là 0,7ha/hộ gia đình, nếu chia mỗi gia đình có 4 người thì mỗi người có chưa tới 2.000m2 đất sản xuất. Năng suất lúa đã đạt mức 7-8 tấn/ha và vòng quay của đất cũng hết mức khi có nơi sản xuất tới 7 vụ lúa/2 năm. Khi diện tích không thể tăng, năng suất đã đụng trần và vòng quay của đất cũng không thể hơn nữa, muốn tăng thu nhập cho nông dân thì phải làm sao? Câu trả lời đã có là phải tăng chất lượng sản phẩm, chuyển sang trồng cây và nuôi con khác. Điểm nghẽn lớn nhất khi mỗi lần có chuyện “được mùa mất giá” là đổ lỗi cho nông dân trồng theo phong trào, không nắm bắt thị trường và mới đây có thêm “lỗi” do nông dân không biết áp dụng khoa học công nghệ! Nông dân biết hết những thứ này thì họ không còn là nông dân nữa. Để thu nhập của nông dân được nâng lên, cái gốc của vấn đề mà Bộ NN&PTNT cần làm là phải xác định, định hướng nền nông nghiệp phục vụ ai, đi về đâu? Nó phải là nền nông nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa và phục vụ chính dân tộc VN trước tiên; xuất khẩu chỉ là khâu cuối cùng. Ở đây, xuất khẩu nên hiểu rằng chỉ là một thủ thuật để tăng thu nhập theo nhu cầu thị trường do bên ngoài trả giá cao hơn. Hiện người VN cũng sẵn sàng trả giá cao cho gạo chất lượng cao, an toàn để ăn. Từ đó mới biết được chúng ta phải đào tạo con người thế nào, áp dụng gì, phương pháp sản xuất ra sao... Lâu nay mình cứ chạy theo tín hiệu thị trường xuất khẩu vốn không phải của người dân VN rồi sản xuất giống lúa theo thị hiếu đó, nhưng khi thị hiếu của họ thay đổi thì mình trở tay không kịp, cứ mãi theo đuôi. Vì vậy chúng ta phải có định hướng rõ ràng và sau đó là xem điều kiện tự nhiên (đất, nước) có phù hợp để chuyển đổi cây, con chưa? Người dân có sẵn sàng chưa? Hạ tầng phục vụ cho việc chuyển đổi đó thế nào? Thị trường có chưa, có lớn không, kéo dài trong bao lâu?... Những cái này không thể thay đổi trong một vài năm mà cần thời gian dài hơn. Quy hoạch “thuận thiên” Lâu nay hạt gạo được gắn vào chữ “an ninh lương thực” (food security), chính điều này dẫn đến việc cả xã hội đi theo hướng cải tạo, đầu tư hạ tầng bằng mọi giá vì cây lúa. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo là 2,4 tỉ USD, trong khi thủy sản là gần 9 tỉ USD, nhưng bao nhiêu năm nay, đầu tư hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản có được bài bản như cho lúa gạo? Lĩnh vực này đâu có chính sách tạm trữ, khoanh nợ, giãn nợ một cách liên tục đâu, nhưng nó đã “qua mặt” hạt lúa. Cái nhập nhằng hiện nay là Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai, còn người nông dân được cho quyền sử dụng đất đai. Trong khi Nhà nước muốn xem cây lúa gắn liền với tài sản đất đai để bảo đảm an ninh lương thực, nhìn ở góc độ phải đảm bảo an ninh lương thực trước, thì người dân nắm quyền sử dụng đất đai và họ đương nhiên nhìn theo hướng làm sao có thu nhập nhiều trước cái đã, nên xã hội bị giằng xé. Nếu một doanh nghiệp muốn nhảy vào đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, họ cần đất mà không sở hữu được, chỉ có quyền sử dụng thôi thì không phải là mục tiêu của doanh nghiệp. Họ sở hữu mới làm cho tài sản đó nở nồi, đây là điều bất cập lớn nhất trong chính sách của mình. Vì vậy, trước hết cần gỡ chữ “an ninh lương thực” ra khỏi hạt gạo. Gỡ được rồi sẽ thấy hàng loạt chính sách đi theo không còn cần thiết nữa, và việc bắt buộc các địa phương phải giữ bao nhiêu diện tích sản xuất lúa, làm ra bao nhiêu tấn lúa cũng không cần thiết. Chính vì hiểu như vậy nên đẩy ĐBSCL theo hướng lệch là phải trồng lúa bằng mọi giá. Nên bây giờ bên cạnh việc sửa đổi bất cập trong chính sách đất đai, Chính phủ cũng phải điều chỉnh phát triển theo hướng “thuận thiên”, tức nơi nào mặn thì mặn, phèn thì phèn, không biến vùng mặn thành ngọt để trồng lúa. Bản thân người dân muốn trồng cây gì, nuôi con gì là nhắm tới thị trường. Như vậy, cái cần thay đổi lớn nhất là thay đổi trong chính sách - một chính sách nhìn cây lúa ngang bằng tất cả hàng hóa khác như dừa, mía, đậu... để đừng có chính sách hỗ trợ, cam kết nông dân phải có 30% lợi nhuận và cũng không bắt hạt gạo gánh vấn đề an ninh lương thực. Chỉ cần làm được những việc này thì ta trả hạt gạo lại thị trường bình thường, khi đó người dân sẽ hướng vào thị trường và lúc đó vai trò kiến tạo, dẫn dắt là của Nhà nước. Nhà nước phải xây dựng chính sách để “phân luồng”. Ví dụ, nếu anh làm hữu cơ thì tôi định hướng 20 năm nữa là sản xuất xanh, làm hữu cơ, theo đó sẽ có chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp xuất khẩu, phân phối, khi Nhà nước có những ưu tiên thì tự động thị trường sẽ hướng vào đó và dẫn dắt. ■ (*) Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ. CHÍ QUỐC (ghi) Tags: Đồng bằng sông Cửu LongĐất nông nghiệpNăng suất nông nghiệpĐụng trần
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.