Khám chữa bệnh hiện đại ở Pháp - Ảnh: AFP
Trong khoảng năm 2002 - 2008, số lượng phụ nữ nhập viện do nhồi máu cơ tim tại Pháp đã tăng 18%. Phụ nữ cũng dễ mắc các bệnh như Alzheimer, chán ăn hay các bệnh tự miễn dịch,… nhiều hơn nam giới.
Những năm gần đây, các nhà dịch tễ học quan sát thấy tỉ lệ rối loạn chức năng tăng cao ở nữ, đặc biệt về tim mạch, mặc dù từ trước đến nay đây được xem là những "bệnh đàn ông". Thế cho nên, những đặc điểm sinh học khác nhau giữa hai giới tính luôn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mỗi chúng ta, song nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn rất khiêm tốn.
"Con người sinh ra là nữ, chứ không trở thành nữ"
Các chuyên gia sinh học thống nhất quan điểm rằng mỗi cá thể con người được xác định đầu tiên bằng giới tính.
Theo bác sĩ Claudine Junien chuyên về di truyền học tại Đại học Paris Descartes (Pháp), "nói chính xác nhất thì giới tính của mỗi chúng ta được xác định đầu tiên và duy nhất từ khác biệt sinh học. Ngay sau khi thụ thai, các nhiễm sắc thể XX sẽ xác định giới tính nữ và XY qui định đứa bé là nam. Sau đó thì chỉ dấu giới tính của trẻ mới xuất hiện qua việc hình thành buồn trứng và tinh hoàn, cuối cùng thì cơ thể mới tiết ra nội tiết tố sinh dục. Nói cách khác, chúng ta sinh ra là nữ chứ không trở thành nữ như cách diễn đạt đầy văn chương của nữ văn sĩ Simone de Beauvoir".
Tỉ lệ khác biệt di truyền 1,5%
Về phân tích di truyền, hai cơ thể nam và nữ giống nhau 98,5%, trong khi hai cơ thể cùng giới tính giống nhau đến 99,9%. Tỉ lệ khác biệt nhỏ này là do các nhiễm sắc thể giới tính có trong mỗi một tế bào của chúng ta quy định.
Và do đó, có 23.000 gen của chúng ta hoạt động khác nhau trong gan, thận và não… Trung bình có khoảng 30 - 40% số lượng gen hiện hữu trong 60.000 tỉ tế bào hoạt động hoàn toàn khác nhau tùy theo giới tính, vì thế chúng ta không thể loại bỏ nội tiết tố để xóa đi khác biệt giới tính, và ngược lại cũng không thể bổ sung thêm nội tiết tố để tạo thêm khác biệt giới tính.
Người ta vẫn nghĩ rằng phái mạnh "mạnh hơn" nên ít bệnh tật hơn - Ảnh: AFP
Quả tim của phụ nữ quá nhỏ nên khó lắp tim nhân tạo
Từ những khác biệt về di truyền cho đến khác biệt về nội tiết tố và qua những cơ chế khác nhau trong hoạt động đa dạng của gen (gọi là di truyền ngoài gen hay ngoại di truyền - epigenetics) và của tế bào, dẫn đến khác nhau về giải phẫu học.
Ví dụ: quả tim của phụ nữ luôn nhỏ hơn của nam giới, các mạch máu cũng mảnh hơn, nên quả tim nhân tạo mang tên Carmat thông dụng hiện nay lại được xem là quá to và không thể đưa được vào lồng ngực của những bệnh nhân nữ có vóc dáng và cân nặng trung bình.
Vài căn bệnh "thích" phụ nữ hơn
Hiện nay, y học biết được rằng khác biệt giới tính dẫn đến nhiều khác biệt trong cơ chế chuyển hóa, trong hành vi, trong bệnh tật và trong mức độ đáp ứng thuốc điều trị.
Theo Viện hàm lâm Y học Pháp, "về mặt thống kê, có một vài căn bệnh chủ yếu chỉ tấn công phái nữ, như bệnh Alzheimer, chứng chán ăn, trầm cảm, loãng xương, các bệnh tự miễn dịch như các bệnh về tuyến giáp, đa xơ cứng (multiple sclerosis), ban đỏ (lupus) hay ung thư tuyến giáp. Nhưng cơ thể phụ nữ có khả năng tránh được một vài ung thư nhờ có gien ức chế phát triển khối u với hai bản sao trên nhiễm sắc thể X".
Ngược lại, "nam giới thường có khuynh hướng mắc các chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển tâm lý, u não và tụy, tai biến mạch máu não. Nam giới cũng dễ sa vào các lối sống có hại như nghiện chất cồn và chất kích thích, họ dễ rơi vào nghiện ngập và có thái độ bạo lực hơn. Nhưng nam giới lại ít bị các bệnh tự miễn dịch do họ có nhiễm sắc thể Y".
Cuối cùng, cơ thể chúng ta có khoảng 10.000 tỉ vi khuẩn được phân chia theo nhiều họ khác nhau với số lượng nhiều ít tùy theo giới tính và chúng hoạt động cũng khác nhau trên cơ thể nam và nữ.
Trên thực tế có những bệnh "thích" phụ nữ hơn và những bệnh gắn với nam giới nhiều hơn - Ảnh: AFP
Không loại trừ yếu tố môi trường và kinh tế xã hội
Một điều nữa là cần đánh giá lại những tác động từ môi trường, từ yếu tố kinh tế xã hội và cả về văn hóa lên hoạt động sinh học của cơ thể con người.
Cách đây hai năm, Viện hàm lâm Y học Pháp đã khuyến cáo nên nhanh chóng "xem xét lại tổng thể những nguyên tắc nghiên cứu cơ bản và lâm sàng" sau khi cân nhắc kỹ "những khác biệt sinh học tùy theo giới tính và những ràng buộc xã hội về trong sinh hoạt giới".
Chuyển từ y học đồng nhất sang y học biệt hóa
Cũng phải "tiến hành nghiên cứu trên động vật đồng thời với thử nghiệm lâm sàng trên người theo hai hướng nhắm đến hai đối tượng khác giới tính", có nghĩa là phải có những thí nghiệm tách biệt trên những cá thể riêng lẻ thuộc hai giới tính khác nhau.
Và hẳn nhiên vấn đề còn lại là "đưa vào chương trình đào tạo bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế nói chung những bài giảng về khác biệt giới tính trong nghiên cứu và thực hành y khoa", làm sao để chúng ta có thể "chuyển từ một nền y học đồng nhất sang một nền y học biệt hóa" nhưng không được làm phát sinh thái độ phân biệt nam - nữ trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận