Ngày 11-10, tại TP Phú Quốc, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024.
Cần có hướng dẫn quy trình thực hiện thuận lợi điện áp mái nhà
Thảo luận tại hội nghị, ông Phạm Văn Trọng - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho hay theo quy hoạch, Tiền Giang có 7 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp, với diện tích 3.150ha. Trong đó địa phương hiện có 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 188 dự án thứ cấp (87 dự án FDI) tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.
Ông Trọng cho biết thêm Tiền Giang có chiều dài bờ biển 32km, có tiềm năng điện gió. Địa phương cũng đã làm quy hoạch và triển khai được hai dự án điện gió rất thành công và mời gọi đầu tư tiếp.
"Một số doanh nghiệp kiến nghị có quy trình, quy định hướng dẫn việc đầu tư điện áp mái. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương giúp sao cho địa phương thực hiện thuận tiện hơn vấn đề này", ông Trọng nói.
Trong khi đó ông Phạm Trung Chánh - giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh - nêu Tây Ninh nắng nóng, điện áp mái là rất cần thiết. Địa phương cũng rất mong bộ ngành liên quan hướng dẫn hỗ trợ để địa phương thực hiện thuận lợi.
Trao đổi xung quanh các thắc mắc của các tỉnh, ông Bùi Quốc Hùng - phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho hay các dự án điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo còn vướng mắc thì bộ, ngành liên quan cũng rất quan tâm để tìm ra những giải pháp tháo gỡ… Hiện đang trình Chính phủ ban hành hướng dẫn về điện mặt trời, điện mái nhà cho các địa phương.
Cần chú trọng công tác phòng vệ thương mại
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ, nhưng một số địa phương còn tăng chậm, không đồng đều. Các sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu. Sức cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp còn khó khăn tiếp cận vốn, chi phí nguyên vật liệu tăng.
Hạ tầng phục vụ xuất khẩu chưa được đầu tư đồng bộ. Tiến độ đầu tư, thu hút đầu tư mới vào cụm công nghiệp ở địa phương còn khó khăn.
Vì vậy các tỉnh, thành phố cần bám sát biến động của kinh tế thế giới, để linh hoạt trong điều hành và rà soát bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ tiếp nhận triển khai các dự án đầu tư.
Thực hiện hiệu quả linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng, Nhà nước quản lý, theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm thị trường, không để đứt gãy nguồn cung trong nước.
"Trong công tác xuất nhập khẩu đưa hàng ra nước ngoài, các địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo vị trí trên thị trường trong và ngoài nước thì sản phẩm bán vượt trội hơn giá trị đang thực hiện.
Địa phương cần chú trọng hơn công tác phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nâng cao giá trị sản phẩm", bà Thắng nhấn mạnh.
Trước đó vào tối 10-10 tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Phú Quốc, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang khai mạc "Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024", với sự góp mặt của 350 gian hàng bán đầy đủ các sản phẩm OCOP địa phương.
Bộ Công Thương cho biết 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng và có 6/20 tỉnh tăng trưởng cao hơn bình quân khu vực (tăng 10,73%) gồm: Trà Vinh, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre.
Có 186 cụm công nghiệp có quyết định thành lập với tổng diện tích 8.498ha. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, vốn đăng ký đầu tư khoảng 73.809 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam ước đạt 108,4 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận