Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh thương hàn. Ảnh: livestrong.com
Vào mùa nắng nóng, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt hàng ngày của người dân thuận lợi cho bệnh thương hàn phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy bệnh thương hàn khá nguy hiểm nhưng có thể phòng, chống được bằng những biện pháp đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch, được lây truyền qua đường tiêu hóa do trực khuẩn Salmonella typhi gây nên. Vi khuẩn theo bàn tay, qua thức ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh gây ra bệnh thương hàn.
Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao, chúng có thể sống hàng tháng trời ở ngoài môi trường; ở nhiệt độ 550C trong vòng 30 phút, vi khuẩn có thể bị giết chết, cồn và các loại thuốc sát khuẩn khác cũng có thể diệt được vi khuẩn trong thời gian từ 3 - 5 phút. Khả năng tồn tại của vi khuẩn trong nước từ 1 - 5 tháng, trong phân 1-2 tháng, trong nước đá hay thực phẩm đông lạnh từ 2 - 3 tháng.
Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém như: Uống nước chưa đun sôi hoặc uống nước bị nhiễm mầm bệnh; ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, nhất là ăn loại trai, hàu, nghêu, sò, ốc, hến,... Đồng thời, việc sử dụng các loại rau được bón bằng phân tươi, khi ăn sống không được rửa sạch, kỹ. Ngoài ra, việc bảo quản thức ăn không đảm bảo, để ruồi nhặng bâu, ôi thiu,... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Đặc biệt, bệnh thường gặp nhiều vào mùa nắng nóng, bởi thức ăn mùa này nhanh ôi thiu hơn, con người có nhu cầu uống nhiều nước hơn mà không chú ý điều kiện vệ sinh. Người bệnh cũng chính là nguồn lây bệnh trong cộng đồng và nếu bệnh được phát hiện muộn, điều trị không đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
Khi mắc bệnh, thường có biểu hiện như: Sốt tăng dần, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, bụng trướng và có dấu hiệu sôi ruột bên hố chậu phải; táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi đi tiêu ra máu; phát ban dạng sởi ở vùng quanh thắt lưng. Trường hợp nhẹ thường có triệu chứng giống như viêm dạ dày, viêm ruột gây nên tiêu chảy thông thường, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ khỏi.
Trường hợp nặng, vi khuẩn thương hàn tiết ra độc tố, tác động vào các mảng bạch huyết ở họng và ruột gây ra loét họng, loét ruột gây chảy máu ruột. Độc tố cũng gây nhiễm độc cơ tim, làm viêm cơ tim, trụy tim mạch hoặc biến chứng viêm não,... có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Để phòng ngừa lây nhiễm căn bệnh này cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và rửa trước khi ăn, uống; trước khi nấu ăn; sau khi đi tiểu tiện, lao động, tiếp xúc với đồ vật bẩn.
- Thực hiện ăn chín uống sôi; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo tốt nguồn nước sinh hoạt, chế biến. Thức ăn phải bảo quản lạnh hoặc dùng lồng bàn đậy kỹ tránh ruồi nhặng làm nhiễm bẩn. Tích cực diệt ruồi nhặng, gián,... Đặc biệt những nơi chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm; những bếp ăn tập thể của trường học và công ty, xí nghiệp phải tuân thủ đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xử lý nước thải và rác thải đúng quy định, không làm ô nhiễm môi trường.
- Cách ly người bệnh với mọi người xung quanh. Người bệnh không được phép làm việc ở các cơ sở dịch vụ ăn, uống.
- Phòng bệnh thương hàn bằng vắc xin uống hoặc tiêm. Những người chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người đi du lịch thường xuyên cần tiêm phòng căn bệnh này. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả phòng bệnh cần kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận