08/02/2025 09:38 GMT+7

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường

Số doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường tăng mạnh trong tháng 1-2025 cho thấy khu vực doanh nghiệp dân doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều khó khăn. Phân tích số liệu này còn cho thấy có nhiều nguyên nhân khách quan, thời vụ.

Hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tuy vậy, trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ thị trường, phục hồi sản xuất, trong đó quan trọng nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

52.800 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong tháng 1

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2025 cả nước có gần 10.700 DN thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng trước và giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó có gần 22.800 DN quay trở lại hoạt động, gấp 2,6 lần so với tháng 12-2024 và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1 lên hơn 33.400 DN, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 1 có 52.800 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra có gần 3.500 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 2.021 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Số DN rút lui khỏi thị trường là 58.300 DN, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi về bức tranh này, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết thông thường trong những năm khó khăn thì những tháng trước Tết âm lịch DN giải thể rất nhiều vì họ mong muốn một sự khởi đầu trong năm mới.

Hiện tượng này có tính thời điểm và thường diễn ra với các DN kinh doanh dịch vụ, nhà hàng ăn uống. Còn các DN sản xuất thường không tạm ngừng kinh doanh, chỉ khi bế tắc về đơn hàng, đầu ra họ mới tạm dừng kinh doanh.

Cũng theo ông Lâm, con số hơn 52.800 DN tạm dừng kinh doanh, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân thời gian qua giảm. Đa số người dân còn khó khăn, họ cắt giảm chi tiêu, phản ánh rất rõ trong hoạt động mua sắm dịp Tết Nguyên đán khi hoạt động ăn uống, mua sắm hoa, cây cảnh chơi Tết cũng giảm nhiều.

"Tuy nhiên cần thấy rằng số lượng DN rời bỏ thị trường tăng vọt trong tháng 1 cho thấy cộng đồng DN còn nhiều khó khăn. Điều này thể hiện qua chỉ số PMI (chỉ số kinh tế đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế) tháng 12-2024 là 49,8 điểm, đến tháng 1-2025 giảm xuống 48,9 điểm.

Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy cả DN sản xuất, chế biến, chế tạo cũng gặp khó do thiếu đầu ra sản phẩm. Chỉ số PMI của nền kinh tế ở mức 50 điểm cho thấy hoạt động của DN ở mức bình thường, nếu tăng lên ngưỡng 54 - 55 điểm thì hoạt động DN khởi sắc, còn dưới 50 điểm thì hoạt động DN còn khó khăn. Với những nền kinh tế tăng trưởng cao thì chỉ số PMI của họ đạt đến 60 điểm", ông Lâm nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường - Ảnh 2.

Công nhân làm việc trong một công ty dệt tại tỉnh Hải Dương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước

Theo TS Nguyễn Minh Thảo - trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương), nếu bỏ qua yếu tố mùa vụ thì con số DN rời bỏ thị trường trong tháng 1-2025 cũng cho thấy sự bất thường.

Thứ nhất số DN rút lui quá lớn so với số DN gia nhập thị trường, điều này cho thấy không đơn thuần là quy luật đào thải tự nhiên mà còn các yếu tố khác liên quan cơ hội, rủi ro kinh doanh và yếu tố bất định khác.

Một điểm quan trọng khác là chúng ta nói nhiều đến thúc đẩy phát triển DN, tạo động lực kinh doanh cho DN nhưng những cải cách còn thiếu vắng. "Môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho các DN trong nước", bà Thảo chia sẻ.

Cũng theo bà Thảo, những năm gần đây Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài nhưng bản thân DN trong nước lại đang đối mặt với nhiều bất lợi, rào cản. Ngoài xu hướng rút lui khỏi thị trường, một số DN trong nước đang phải thu hẹp sản xuất, đây là vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ để DN trong nước vươn lên.

Bà Thảo cũng nhấn mạnh khu vực DN tư nhân trong nước đang đóng góp khoảng 50% GDP và tạo ra phần lớn việc làm trong nền kinh tế, nếu DN trong nước không phục hồi được sản xuất thì không thể có tăng trưởng kinh tế.

Hiện năng lực nội tại của DN trong nước kém DN nước ngoài nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt tạo thuận lợi cho họ trong kinh doanh thì DN trong nước khó có thể bứt lên được khi dư địa ngày càng thu hẹp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường - Ảnh 3.

Cần rà soát các chính sách hỗ trợ

Còn theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), tình trạng nhiều DN trong nước "ốm yếu", khó khăn trong tiếp cận đất đai, vay vốn, tìm kiếm thị trường không mới. Có tới 98% DN nội địa là DN nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực.

Chỉ có số ít DN lớn tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn. Vì vậy cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần DN, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có cơ hội bám trụ với thị trường.

Theo ông Tuấn, thời gian tới Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để các DN trong nước, đặc biệt khu vực DN nhỏ và vừa, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Chẳng hạn, trong chính sách giảm thuế VAT 2%, chúng ta đang thực hiện theo kiểu đồng lần, chắp vá sáu tháng một lần. Điều này không phát huy tối đa hiệu quả.

Tính từ sau dịch COVID-19 đến nay chúng ta đã thực hiện 4 kỳ giảm 6 tháng, nếu có tầm nhìn tốt chúng ta thực hiện giảm 1 kỳ trong 2 năm thì hiệu quả sẽ rất khác. 

Đối với chính sách hỗ trợ thuế VAT thì mức giảm là một phần, điều quan trọng là phải tạo ra kỳ vọng, yếu tố này rất quan trọng.

Vẫn miễn giảm 2% thuế VAT nhưng thực hiện giảm 1 kỳ trong 2 năm liên tiếp hiệu quả sẽ rất khác, tác động sẽ sâu rộng hơn, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khẳng định tình trạng DN rời bỏ thị trường tăng mạnh là một tín hiệu cho thấy những trục trặc của môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều chính sách chưa thực sự hiệu quả, đôi khi hỗ trợ của Nhà nước chưa tới được các DN vì thế cần rà soát lại để khắc phục.

Và chính sách hỗ trợ quan trọng nhất đối với số đông DN trong nước lúc này là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhiều DN đang vướng về pháp lý đất đai nên họ không vốn hóa được đất đai thuộc quyền sử dụng của họ, không có điều kiện góp vốn kinh doanh.

Nếu Nhà nước gỡ vướng về pháp lý đất đai cho DN thì cũng tạo ra nguồn lực lớn cho DN, không còn tình trạng găm tiền vào dự án nhưng thế chấp ngân hàng không nhận, bán không ai mua nên gặp khó, phải tạm dừng kinh doanh.

Thị trường trong nước chưa phục hồi như mong muốn

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - viện phó phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), số liệu DN rút lui một tháng chưa phản ánh được xu thế chính xác vì có nhiều nguyên nhân và yếu tố khách quan ảnh hưởng.

Ông Việt nói nhìn trong cả năm 2024 thì kinh tế vĩ mô tăng trưởng khá nhưng tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong cả năm 2024 số lượng DN rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn, khoảng 197.900 DN. Điểm tích cực là cuối năm 2024 số DN quay trở lại thị trường tăng mạnh, cả năm có 233.400 DN thành lập mới và quay trở lại thị trường.

Nhưng điều này cũng không khẳng định chắc chắn các DN đã khôi phục trở lại khi DN nội địa phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước, dù thị trường trong nước đã phục hồi hơn so với năm 2023 nhưng chưa đạt được sự hồi phục như mong muốn.

Điều này cho thấy khu vực DN trong nước còn nhiều khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ trong năm nay.

Ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI):

Doanh nghiệp nhỏ cần được hỗ trợ mặt bằng, vốn

Trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế, các DN nhỏ và vừa phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy có DN rút khỏi thị trường một cách tự nhiên nhưng cũng có những DN chủ động sắp xếp, rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó thị trường quốc tế đang có nhiều khó khăn, các DN vừa và nhỏ trong nước có năng lực cạnh tranh thấp và họ không thể giữ nguyên mô hình kinh doanh cũ.

Trước mắt cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để duy trì được đà kinh doanh đang có, duy trì được số lao động làm việc trong DN, đây là thách thức với nhiều DN hiện nay.

Số DN rời bỏ thị trường trong tháng 1 tăng mạnh chưa thực sự đáng ngại. Nó là chỉ dấu để các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh chuyển đổi số.

Để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa bám trụ với thị trường, thời gian tới các địa phương cần hỗ trợ đầu tư những khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho DN nhỏ và vừa, giúp họ dễ dàng tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Mặt khác phải nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Thời gian qua có DN tiếp cận được quỹ hỗ trợ này nhưng phần lớn chưa tiếp cận được quỹ. Đa số DN nhỏ và vừa vốn mỏng, có sức chống chịu yếu, có DN thành lập sau vài tháng đã phải cơ cấu lại. Vì vậy rất cần phát huy hiệu quả của quỹ này để hỗ trợ họ bám trụ lại thị trường.

Tổng cục Thống kê nói gì?

Hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường - Ảnh 4.

Người dân đến làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM đầu năm 2025 - Ảnh: T.T.D.

Tổng cục Thống kê nhận định gì về số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1-2025? Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã phân tích những điểm đáng lưu ý.

Theo bà Hương, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1 đạt hơn 33.400 DN, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 77,5% so với tháng trước.

Trong đó số DN đăng ký thành lập mới trong tháng đạt gần 10.700 DN, với tổng số vốn đăng ký gần 94.100 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 81.500 người, giảm 30,3% về số DN, giảm 39,3% về vốn đăng ký và giảm 22,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Về quy mô, số vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động trong tháng 1 tăng mạnh, đạt hơn 367.200 tỉ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2024.

Điều này phản ánh kỳ vọng tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế và niềm tin của DN đang hoạt động trên thị trường vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, chủ động của Chính phủ. Trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phần lớn DN thành lập mới có quy mô nhỏ dưới 10 tỉ đồng, chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với gần 8.000 DN, chiếm 75,1% tổng số DN thành lập mới, 23,9% (2.500 DN) ở nhóm công nghiệp và xây dựng, 1% ở nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (113 DN).

Các DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1 thì chủ yếu có quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỉ đồng và phần lớn có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm.

Về nguyên nhân, bà Hương nói cùng với những nguyên nhân khách quan về bối cảnh kinh tế thế giới và năng lực nội tại của DN nhỏ và vừa trong nước, nguyên nhân chính dẫn đến số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm, trong khi số DN rút lui tăng cao có tính mùa vụ, do tháng 1-2025 trùng với Tết Ất Tỵ. Kỳ tháng 1 các năm trước cũng có hiện tượng tương tự.

Nhiều DN không chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó nhiều DN lựa chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác.

Mặt khác, bên cạnh các DN thành lập mới, luôn có một tỉ lệ DN giải thể, phá sản nhất định do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu trong thị trường. Tình trạng rút lui này cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của DN, nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để đáp ứng tốt hơn, phù hợp hơn với các yêu cầu mới của thị trường.

Đây cũng là cơ hội để DN phát triển những ý tưởng kinh doanh mới chất lượng hơn, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Môi trường kinh doanh hiện nay còn nhiều thách thức. Đó là những rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh của DN.

Với số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1 thể hiện sự vận động bình thường theo xu hướng chung của nền kinh tế nhưng đây cũng là tín hiệu cảnh báo cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển DN nhanh, bền vững, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hương

Hỗ trợ doanh nghiệp nội bám trụ thị trường - Ảnh 5.Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gấp 3 lần thành lập mới, vì sao?

Trong tháng 1-2024, cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi có tới 43.900 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn và khoảng 2.100 doanh nghiệp giải thể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên