Cha ông người Việt có câu: "Có thực mới vực được đạo". Vận vào bối cảnh phòng chống tham nhũng trong thời bình - ai cũng có quyền mưu cầu thu nhập đàng hoàng - thì thu nhập thực tế của công chức cần bảo đảm cuộc sống tương xứng với công lao động, tài năng và cả đức hạnh của họ.
Hẳn nhiên là phòng tham nhũng cần các biện pháp đồng bộ và rộng hơn, nhưng việc đảm bảo thu nhập đàng hoàng thu hút nhân tài là điều cần tiên quyết.
Singapore đã đạt được điều này qua việc nâng cao thu nhập để công chức không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng. Bởi vậy, nâng thu nhập cho tất cả công chức từng được kỳ vọng góp phần giảm tham nhũng theo logic này.
Nhưng kỳ vọng này chưa diễn ra trong thực tế bởi rất nhiều lý do, trong đó có lý do "giá ơi, chờ lương với!". Nếu chỉ tăng lương danh nghĩa, không tăng thu nhập tính theo sức mua.
Bài bản hơn một chút, tăng lương đi kèm các giải pháp kiềm chế lạm phát, thay vì chỉ tăng lương danh nghĩa. Lúc này, thu nhập bình quân cho nhóm cán bộ, công chức phải được hoạch định dựa trên GDP đầu người, thay vì những con số danh nghĩa.
Cách làm này, tới đây, lại gặp bài toán khó thứ hai: tỉ lệ phần trăm GDP dành cho khối cán bộ, công chức còn nhiều. Vì vậy, tăng lương cần tiến hành đồng bộ, đồng tốc, đồng quy với cắt giảm biên chế công chức.
Nếu giải quyết thành công hai bài toán trên, nâng thu nhập thực tế của cán bộ, công chức lên mức lý tưởng thì bài toán thứ ba xuất hiện: ai cũng muốn làm công chức và đây đó xuất hiện hiện tượng "con cháu các cụ cả".
Đây là bài toán khó nhất, loay hoay suốt thời gian qua trong bối cảnh chúng ta vẫn nặng về lý lịch trong quy hoạch, bổ nhiệm và nhất là trong bối cảnh mà nghị quyết Đảng ghi nhận: còn một bộ phận không nhỏ tham nhũng.
Đối với người dân và doanh nghiệp, họ chỉ quan tâm tổng số thuế chi trả và chất lượng dịch vụ công nhận về; số lượng biên chế không phải là mối bận tâm của người nộp thuế, hay nói cách khác, đó là câu chuyện nội bộ của bên cung cấp hàng hóa công cộng đặc biệt, của Nhà nước.
Từ góc nhìn của người dân, chúng ta thử đổi cách làm, liệu có làm cho chính sách dưỡng liêm khả thi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay? Tôi mạo muội đề xuất cách tiếp cận mới như sau:
Thứ nhất, ngân sách phân bổ dựa trên khối lượng dịch vụ công hoàn thành. Trừ khu vực hải đảo, biên giới, miền núi xa xôi, việc phân bổ ngân sách dành cho quỹ lương cán bộ công chức không nên dựa vào cấp, đơn vị hành chính, mà được phân bổ theo bộ ba tiêu chí: (i) số lượng hồ sơ được giải quyết thành công ở kỳ liền trước; (ii) số lượng cư dân, doanh nghiệp thực tế sinh sống trên địa bàn, chứ không phải là trên sổ sách đăng ký thường trú; (iii) tính chất phức tạp, đặc thù của dịch vụ công ở địa bàn tương ứng, ví dụ địa bàn lắm buôn lậu, tệ nạn xã hội... thì sẽ có chỉ số phức tạp trên đầu người cao hơn.
Thứ hai là KPI. Dựa trên trần/sàn phân bổ nêu trên, HĐND cấp tỉnh được quyền ban hành hệ thống các bảng KPI để tính thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tương ứng với mỗi đơn vị, mỗi vị trí việc làm của địa phương.
Thứ ba là cuốn chiếu. Thay vì chờ đợi, cào bằng, đơn vị nào, vị trí nào đăng ký và xây dựng xong bảng KPI thì cán bộ, công chức ở đơn vị đó được hưởng thu nhập theo cơ chế mới, cao hơn cơ chế cũ...
Bài toán nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức là một con đường dài. Nếu không sớm cải cách theo hướng vị trí công việc, đặc thù ngành nghề thì việc tăng lương sẽ chỉ giải quyết vấn đề trước mắt chứ chưa phải căn cơ.
Trong đó, khi công chức phải "tham nhũng vặt" mới đủ sống, và đã "tham nhũng vặt" thì không còn dám tố cáo, từ đó các "con hổ" trong các đại án tham nhũng vẫn có thể tiếp tục xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận