Khách du lịch nước ngoài tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sáng 2-3-2017 - Ảnh: Tự Trung |
Nói một cách ví von, đây là lần đầu tiên lãnh đạo TP.HCM trực tiếp mổ xẻ những trì trệ của bảo tàng để tìm hướng thúc đẩy mảng hoạt động quan trọng này.
Chấm hết câu chuyện giá vé = ly trà đá
Khác với câu chuyện của khối kinh tế, lãnh đạo TP.HCM trong cuộc làm việc “kín lịch” suốt ngày với khối bảo tàng đã nghe một thực tế ngược hẳn tình hình vật giá đang leo thang: đó là giá vé tham quan tại các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM lâu nay vẫn giữ ở mức 2.000 đồng/người.
Trong số 7 bảo tàng (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) chỉ có 2 bảo tàng áp dụng mức giá riêng cho khách nước ngoài là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 15.000 đồng/vé và Bảo tàng Mỹ thuật TP: 10.000 đồng/vé. Thật ra, mức giá 10.000-15.000 đồng như vậy vẫn là rất “bèo” so với thời giá hiện tại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Ảnh: TỰ TRUNG |
Trong khi đó, hầu hết bảo tàng đều đang đối diện hàng loạt khó khăn. Ông Nguyễn Thành Phong đã hết sức bất ngờ khi nghe giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM báo cáo lần tu sửa đảo ngói, chống dột của bảo tàng này gần nhất là vào năm 1984.
Nghĩa là trong 33 năm qua, công trình tòa nhà nổi tiếng, là bảo tàng đầu tiên của Nam kỳ ra đời từ năm 1929 không hề được duy tu sửa chữa nóc mái.
Vậy mà tòa nhà này đang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chật vật hơn, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết trong 7 năm qua, dự án cải tạo mở rộng bảo tàng bị dừng do vướng quy hoạch khu 930ha trung tâm TP.HCM.
Trong lần gặp gỡ này, sau khi lắng nghe các khó khăn, ông Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp chỉ đạo ông Nguyễn Hữu Việt, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, bắt tay lập ngay đề án về cải thiện mức thu phí cho khối bảo tàng.
Cơ sở pháp lý cho vấn đề này đã có từ năm 2014 với thông tư 02 của Bộ Tài chính, cho phép HĐND các tỉnh thành được quyết mức thu phí tham quan đến 40.000 đồng/người. Nhưng TP.HCM lâu nay vẫn không áp dụng, “việc này cần phải làm ngay” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
TP.HCM hiện đang mất cân đối giữa đầu tư cho kinh tế và đầu tư cho văn hóa |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong |
Nâng dần khả năng tự chủ
Trong số 7 bảo tàng trên địa bàn TP.HCM hiện nay, chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đơn vị đã thành công trong việc tự chủ về tài chính. Còn lại, tất cả đều trông chờ vào ngân sách.
Tuy nhiên, câu chuyện bảo tàng sẽ vẫn luôn thuộc về bảo tàng. Chứng kiến không gian triển lãm chuyên đề phẩm phục triều Nguyễn “Vàng son nhung gấm” với hàng loạt áo vua, quan, đồ phục sức của hoàng hậu, cung phi... được trưng bày với mật độ dày trong không gian hẹp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP - cho rằng đây là một điều đáng tiếc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
“Bảo tàng thu hút công chúng bằng những câu chuyện và nghệ thuật dẫn dắt công chúng đến với hiện vật. Ở đây ta trưng bày tập trung dày các hiện vật quý, mà không có không gian để tổ chức kể các câu chuyện về hiện vật nhằm thu hút công chúng” - ông Vũ nêu ý kiến.
Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có đến 11 trong tổng số 12 bảo vật quốc gia hiện có ở TP.HCM. Nhưng ngoài một phòng trưng bày được các chuyên gia người Pháp giúp thiết kế và hỗ trợ trưng bày theo phong cách hiện đại, bảo tàng vẫn chưa có những “đường dẫn” độc đáo để kéo công chúng đến các bảo vật vô giá này.
Việc hiện đại hóa công tác trưng bày lại là một câu chuyện khác. Hầu hết bảo tàng đều có xây dựng đề án hiện đại hóa trưng bày, nhưng đến nay phần lớn vẫn chưa được duyệt.
Thậm chí Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết hiện tại nơi đây chưa có một màn hình trình chiếu hiện đại để chiếu phim tài liệu phục vụ công chúng, là bảo tàng phụ nữ nhưng nơi đây cũng chưa có phòng trưng bày riêng về các mẹ Việt Nam anh hùng.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, điều này cần khắc phục ngay, trước mắt phải có phòng trưng bày về mẹ Việt Nam anh hùng của TP.HCM, rồi của cả Nam bộ.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thu nên lưu ý về nội dung đào tạo cán bộ khối bảo tàng. Vào cuộc quyết liệt như vậy, ông Phong tin tưởng những bảo tàng có tiềm năng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nên có đề án để nâng dần khả năng tự chủ tài chính, vì điều này hoàn toàn khả thi.
* Lượt khách tham quan các bảo tàng năm 2016: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: 300.000 lượt; Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: 365.669 lượt, trong đó khách nước ngoài: 97.723 lượt; Bảo tàng TP.HCM: 729.285 lượt, trong đó khách nước ngoài: 58.693 lượt; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 1.110.821 lượt, trong đó khách quốc tế: 888.328 lượt. * Hiện tại, các bảo tàng có một số dự án còn tồn đọng như dự án cải tạo mở rộng của Bảo tàng Tôn Đức Thắng, hai dự án của Bảo tàng Lịch sử TP, dự án xây thêm một tòa nhà của Bảo tàng TP.HCM, dự án khối nhà 3 tầng lầu của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, dự án xây dựng kho và khu làm việc của Bảo tàng Mỹ Thuật TP... Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Văn phòng ủy ban xếp lịch, để tuần tới ông có một buổi làm việc cụ thể với đại diện các sở ngành của TP.HCM giải quyết rốt ráo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận