17/11/2021 14:39 GMT+7

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Hàng trăm hộ dân tại khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định đang huy động toàn lực nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy đã bị đất đá từ trên đỉnh núi tràn vào nhà cửa sau 2 đợt sạt lở kinh hoàng.

Hiện trường vụ sạt lở núi Cấm gần khu vực dân cư sinh sống - Video: LÂM THIÊN

Có mặt tại thôn Chánh Thắng sáng 17-11, PV Tuổi Trẻ Online ghi nhận đa số bà con nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước trận lở núi lịch sử này.

Đá khổng lồ rơi xuống từ đỉnh núi

Tại hiện trường, hàng ngàn tấn bùn đất, đá sỏi, cây cối... từ trên đỉnh núi đổ tràn xuống khu vực dân cư phủ lấp đường sá, nhà cửa, sông suối, vườn tược nhà dân... khiến mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân ở đây ngưng trệ hoàn toàn.

Từ đầu đường thôn Chánh Thắng cho tới khu vực chân núi Cấm, bùn đất lầy lội, nhão nhoẹt che lấp mọi lối đi.

Nước suối đục ngầu liên tục đổ tràn khắp nơi khiến công tác khắc phục của hàng trăm hộ dân nơi đây càng thêm khó nhọc.

"Ở trên núi có 3 tảng đá lớn nhưng không có chân, ông bà hay gọi là đá mục. Những năm gần đây cây cối ít dần, mưa lớn xảy ra, chân đá bắt đầu xói lở khiến đá hổng chân và lăn xuống. Đêm 14-11, nằm trong nhà tôi nghe một tiếng ầm rất to khiến nhà cửa rung lắc.

Mấy đứa con lật đật đỡ tôi chạy ra ngoài thì thấy đá từ trên núi lăn xuống ào ào, hòn nào hòn nấy to tướng, tia lửa bắn ra như pháo", bà Mai Thị Dư kể.

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 2.

Các tảng đá lăn xuống chân núi tạo thành vệt sạt dài khổng lồ - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 3.

Người dân huy động máy bơm để hút nước ra khỏi nhà - Ảnh: LÂM THIÊN

Thóc lúa, gà vịt... tất cả bị chôn vùi

Đi sâu vào phía chân núi nơi các tảng đá rơi từ trên đỉnh núi xuống, có hai tảng đá lớn gần bằng ngôi nhà nằm chắn giữa một khoảng rừng. Trên đường đá lăn, một vệt lở lớn dài hàng trăm mét in hằn sâu và rộng kéo dài từ đỉnh núi xuống phía dưới tạo thành rãnh sạt khổng lồ.

Khắp làng trên xóm dưới, nếu không được người dân chỉ đường, hướng dẫn, người lạ đặt chân đến đây không thể nào phân định đâu là đường đi, đâu là mương, suối, vườn tược. Tất cả mọi thứ đều bị bùn đất, sỏi đá phủ lấp, nhấn chìm từ 0,5m đến gần 2m.

Người dân vất vả dọn dẹp bùn đất - Video: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 5.

Hàng rào và khoảng sân trước nhà chị Thắm bị bùn đất san phẳng - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 6.

Từ làng trên cho đến xóm dưới, đâu đâu cũng ngập bùn đất - Ảnh: LÂM THIÊN

Suốt 2 ngày nay, ông Đinh Diệu (63 tuổi, sống ở bên dưới chân núi Cấm) không thể nào chợp mắt vì nhà cửa, tài sản trong nhà đã bị đất đá vùi lấp. Ông cho biết sạt lở bắt đầu, ông và người nhà nhanh chóng rời đi để bảo toàn tính mạng. Lúc trở về, mọi thứ đều tan hoang.

"Từ trước ra sau nhà phủ đầy đất đá. Lúa thóc, gà vịt đều bị chôn vùi. Cả gia đình phải nhờ bà con hàng xóm tới phụ giúp dọn dẹp, cào đất, hốt bùn đổ. Nhưng với sức người thế này, không biết dọn đến khi nào mới xong", ông Diệu ngao ngán nói.

Bà Võ Thị Thu (57 tuổi, thôn Chánh Thắng) cũng cho biết ngay từ lúc sạt lở, vợ chồng bà đã tức tốc bỏ chạy.

"Tôi nghe bà con hô hoán nên nhắm mắt chạy theo. Trời tối, cửa ngõ lại bị bùn đất chắn lại, tôi vội quá nhảy qua hàng rào nên bị té ngã. Hai ngày nay, cứ ngừng mưa là cả nhà lại cào bùn, hốt đất đổ. Làm suốt nhưng bùn đất quá nhiều, cứ dọn chỗ này thì chỗ khác lại chảy tới. Cực chưa từng thấy", bà Thu chia sẻ.

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 7.

Người dân lấy toàn bộ đồ đạc có thể để ngăn cản bùn đất trôi vào nhà - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 8.

Bà Võ Thị Thu vất vả dọn dẹp bùn lầy trong sân nhà - Ảnh: LÂM THIÊN

Hiểm nguy vẫn còn

Nằm cách chân núi khoảng 70m, ngôi nhà chị Mai Thị Thắm có lẽ là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất sau trận sạt lở. Chị cho biết sau khi sạt lở, tường rào, cửa ngõ xung quanh nhà chị đã bị đất đá thổi bay, tràn ngập khắp nơi.

Phía trước nhà chị là con suối rộng khoảng 3m, sâu 1,5m giờ đã bị đất đá tràn ngập, phủ lên hơn một nửa hàng rào nhà chị, biến nơi này thành con đường đi bất đắc dĩ. Toàn bộ vật nuôi trong nhà đều bị đất đá vùi lấp sạch sẽ.

"Bây giờ từ nhà bước chân xuống sân đã bị bùn ngập qua đầu gối, tôi chỉ có một mình, không biết dọn tới khi nào mới xong", chị Thắm buồn bã nói.

Tuy nhiên, lúc này nỗi lo lớn nhất của người dân chính là trên đỉnh núi vẫn còn một tảng đá rất lớn nhưng cũng hổng chân.

"Cứ mưa thế này, không biết đá còn lăn xuống đây khi nào. Nó mà lăn xuống là cả làng này coi như tiêu tan hết. Tôi rất mong chính quyền địa phương tìm cách xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân", chị Thắm lo lắng nói thêm.

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 9.

Đất đá, sình lầy ngập hơn 1m khiến đường sá trở nên vô cùng lầy lội - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 10.

Người dân tỏ ra mệt mỏi vì lượng đất đá tràn xuống quá nhiều - Ảnh: LÂM THIÊN

Mong có phương tiện cơ giới giúp dân

Người dân tại thôn Chánh Thắng cho biết đang mong chính quyền địa phương điều xe cơ giới giúp bà con cào bớt bùn đất, giải phóng đường sá để tiện lợi cho việc dọn dẹp, sau đó tìm cách xử lý tảng đá còn lại trên đỉnh núi để mọi người an tâm sinh sống.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết hiện huyện đã huy động các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường giúp bà con dọn dẹp và cảnh báo người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.

"Sau khi hết mưa, các phương tiện cơ giới sẽ vào hiện trường để khắc phục sạt lở và huyện sẽ sớm tìm cách xử lý các tảng đá còn lại trên đỉnh núi để đảm bảo an toàn cho người dân", ông Kiên cho biết thêm.

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 11.

Tài sản của người dân bị đất đá che lấp hoàn toàn - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 12.

Người dân tranh thủ đưa lúa đến nơi khô ráo vì nước ngập quá sâu - Ảnh: LÂM THIÊN

Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Cấm - Ảnh 13.

Một con đường bị che lấp hoàn toàn - Ảnh: LÂM THIÊN

Trước đó, tối 14, rạng sáng 15 và sáng 16-11, tại khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở núi khiến hàng ngàn tấn đất đá rơi xuống chân núi và tràn vào khu vực dân cư.

Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã nhanh chóng sơ tán hơn 100 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Mưa lớn làm sạt lở núi, ngập nặng ở Quy Nhơn Mưa lớn làm sạt lở núi, ngập nặng ở Quy Nhơn

TTO - Sáng 14-11, một lượng đất đá trên đồi tại khu vực phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã rơi xuống quốc lộ 1D khiến xe cộ qua đây gặp nhiều khó khăn.


LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên