27/12/2016 12:04 GMT+7

Cần cân nhắc việc sáp nhập quận

MAI HƯƠNG - D.N.HÀ ghi
MAI HƯƠNG - D.N.HÀ ghi

TTO - Đề xuất về việc chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính ở TP.HCM đang được bàn luận với nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ gây xáo trộn, làm khó cho người dân.

Nhiều người dân Q.4 mong muốn giữ nguyên địa giới hành chính như bây giờ, vì cho rằng sáp nhập Q.4 vào với quận khác sẽ có nhiều xáo trộn và bất tiện. Trong ảnh: người dân đánh cờ giải trí trên đường Lê Văn Linh, P.13, Q.4, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

PGS.TS Đặng Văn Phan (chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM):

Không nên gây xáo trộn

Dưới góc độ của một người nghiên cứu về địa lý, tôi cho rằng không nên gây xáo trộn về địa giới hành chính. Ranh giới như thế nào thì nên giữ nguyên như thế chứ không phải mỗi thời kỳ lại mỗi thay đổi.

Ý tưởng sáp nhập các quận huyện, phường xã có cái hay là hướng tới mục tiêu tinh giản biên chế, cải cách hành chính nhưng cũng khiến tôi băn khoăn vì như vậy sẽ làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Đơn cử như hệ thống tên đường ở TP hiện đã rất lộn xộn, bây giờ còn thay đổi quận huyện, phường xã thì sẽ thêm phần rắc rối.

Chỉ một thay đổi nhỏ như đổi tên một con đường là người đi xa về, người tìm đường, tìm nhà đã khốn khổ rồi, huống chi là sắp xếp lại cả một thành phố.

Đó là sự xáo trộn không cần thiết. Do vậy phải hết sức cân nhắc.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Sẽ là gánh nặng cho người dân

Bỏ bớt một quận để giảm biên chế là một cách nhìn nặng về quản lý vĩ mô và mang tính cơ học. Không nên chỉ xét khía cạnh diện tích và dân số mà phải căn cứ vào nhiều giá trị khác để cân nhắc việc sáp nhập quận hay không.

TP.HCM hiện có 24 quận, huyện. Nếu giảm đi một quận thì chỉ bớt 1/24 số cán bộ hành chính, điều này không có ý nghĩa lắm về mặt quân số. Nhưng đối với người dân, việc thay đổi địa danh hành chính sẽ đem lại những hệ lụy lâu dài về sau.

Trước hết, đó là những thay đổi trên sổ sách, giấy tờ hành chính như giấy tờ nhà, đất, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, bằng lái... Về lâu dài, những người có liên quan đến hai quận phải đi xác nhận hai địa chỉ là một.

Đó là chưa kể những quan hệ ngoài hành chính như bạn bè, bà con thân hữu, khách hàng..., người dân phải giải thích, chứng minh, phân bua nếu phải sáp nhập sang quận khác.

Về phía chính quyền địa phương thì việc thay đổi địa danh hành chính sẽ kéo theo đó một lượng công việc khổng lồ phải làm cho dân, sẽ rất vất vả.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp (nguyên trưởng khoa hành chính, ĐH Luật TP.HCM):

Đừng vì lý do tinh giản biên chế

Trong quản lý hành chính, chuyện nhập - tách địa giới là chuyện bình thường nếu như việc nhập hoặc tách đó phù hợp, nhằm quản lý tốt hơn, phục vụ người dân sâu sát hơn. Người dân được hưởng các chính sách giáo dục, y tế, văn hóa tốt hơn...

Tuy nhiên, không nên đơn thuần chỉ nhìn từ khía cạnh do một đơn vị hành chính có diện tích nhỏ, quá ít dân hoặc nhập vào một đơn vị khác nhằm giảm biên chế. Muốn nhập địa giới hành chính của các đơn vị thì phải xem xét nhiều khía cạnh từ kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, chính trị...

Vì sao phải nhập, nếu để ổn định như hiện tại thì có khó khăn gì cho Nhà nước trong quản lý hay không, có cản trở người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hay không, có làm hạn chế quận đó phát huy tiềm năng, thế mạnh hay không?...

Lý do tinh giản biên chế chỉ là một lý do nhỏ, thậm chí có thể không nên kể đến khi tính toán nhập một quận vào quận khác.

Bà Lê Thị Tuyết Nga (chủ tịch Hội Luật gia quận 6, TP.HCM):

Sắp xếp khoa học để quản lý bài bản

Tôi cho rằng ý tưởng sắp xếp, sáp nhập một số phường xã, quận huyện trên địa bàn TP trên cơ sở tính toán khảo sát kỹ lưỡng là một đề xuất hợp lý.

Khi TP đặt mục tiêu phát triển thành đô thị hiện đại, xây dựng TP thông minh thì cần thiết phải tính toán lại mật độ dân cư trên các quận huyện cho cân đối, phù hợp, thuận lợi cho quản lý.

Ví dụ như ngay tại quận 6, có những phường rất đông dân nhưng cũng có phường ít dân; trong địa bàn khu vực quận 6 lại có xen vào phường 16, quận 8 - nơi này lọt thỏm như một ốc đảo.

Cách bố trí như thế gây nhiều khó khăn trong quản lý địa bàn, khiến tình hình trật tự, an toàn xã hội ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ mang tới một số phiền phức trong thời gian đầu. Do đó, khi TP quyết tâm triển khai thì phải khảo sát, tính toán thật kỹ, đảm bảo tính khoa học, lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để có được phương án hoàn thiện nhất.

Nếu chính quyền làm thật kỹ, người dân chấp nhận “chịu cực” một thời gian thì chúng ta sẽ có cách sắp xếp khoa học, quản lý bài bản, là tiền đề xây dựng TP trở thành đô thị hiện đại, bền vững.

Người dân mong sự ổn định

Mấy mươi năm qua, người dân TP.HCM đã rất mệt mỏi vì mất rất nhiều công sức, tiền của cho việc nhập - tách, nâng cấp, thay tên đổi họ địa giới hành chính. Và người dân tốn một thì ngân sách tốn gấp hai trở lên, mà ngân sách cũng từ tiền thuế người dân đóng góp.

Còn nhớ lần tách huyện Thủ Đức làm ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, tách quận Tân Bình làm hai quận Tân Bình và Tân Phú, tách huyện Bình Chánh thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, đi kèm sự thay đổi đó là sự thay đổi về bộ máy hành chính và giấy tờ pháp lý.

Người dân và doanh nghiệp phải khốn khổ và tốn kém vì những giấy tờ quan trọng như sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, hộ khẩu... phải điều chỉnh, còn những giấy tờ đơn giản như... tiêu đề trên bao thư, danh thiếp... đã trót in sẵn đành phải bỏ đi.

Người dân thành phố hiện nay đang có những nhận định tích cực về chủ trương, chính sách của các cấp lãnh đạo hiện tại, nên tôi cho rằng những dự kiến thay đổi đang được đưa ra thăm dò trong người dân là cần thiết.

Cá nhân tôi và nhiều người mong muốn chủ trương hay quyết sách nào cũng phải đúng đắn và có tầm nhìn ổn định, lâu dài. Từ đó, người dân và doanh nghiệp không bị tốn kém tiền của, công sức cho những vòng xoáy tách - nhập, thành lập - giải thể...

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

MAI HƯƠNG - D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên