Người dân và doanh nghiệp làm các thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện nay mức giảm trừ gia cảnh được quy định giống nhau ở tất cả các địa phương, vùng miền trong cả nước.
Quy định này có bất cập khi mức giá cả sinh hoạt, tiêu dùng có sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền khác nhau.
Hiện nay chúng ta có lương tối thiểu vùng với quy định mức lương thấp nhất người sử dụng lao động phải trả cho người lao động ở các vùng khác nhau là khác nhau. Do đó cách tính mức giảm trừ gia cảnh cũng cần có sự phân chia tương tự, phù hợp với giá cả sinh hoạt ở các địa phương, khu vực.
Sau hai năm dịch bệnh khó khăn, đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn này nhưng dường như người làm công ăn lương thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn bị "bỏ quên".
Với mức sống và chi tiêu hiện nay, quan niệm người đóng thuế thu nhập cá nhân là người có thu nhập cao không hoàn toàn chính xác. Một bộ phận lớn người đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn phải co kéo mới đủ sống.
Bởi vậy cần có sự ưu đãi với nhóm đối tượng này, ví dụ như giảm một phần thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022 bằng cách tăng mức giảm trừ gia cảnh như một cách "khoan sức dân" sau thời kỳ dài khó khăn vì dịch bệnh và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức.
Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa khiến mức đóng thuế thu nhập cá nhân của mỗi người làm công ăn lương sẽ giảm, ảnh hưởng tới số thuế thu vào ngân sách. Chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp cho khoản hụt thu này bằng cách tăng cường thu thuế những khu vực trước nay còn bị bỏ sót rất nhiều.
Thay vì "bóp nghẹt" đời sống người đóng thuế thu nhập cá nhân thì nên "tận thu" những nguồn thu đang bị bỏ ngỏ. Đó cũng là cách hỗ trợ hữu hiệu cho người lao động trong thời buổi khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận