22/12/2022 11:33 GMT+7

Cần các giải pháp đồng bộ để bảo vệ kênh rạch

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

Hiện nay, cơ quan chức năng đang lập dự án "hồi sinh" cho nhiều kênh rạch đang bị ô nhiễm nặng mà phần lớn do con người gây ra.

Cần các giải pháp đồng bộ để bảo vệ kênh rạch - Ảnh 1.

Công nhân xử lý rác tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Thật sự không ngân sách nào đủ khả năng và người dân cũng khó chấp nhận lấy tiền đóng thuế xử lý hậu quả, khắc phục ô nhiễm bởi tổ chức hay cá nhân cố tình gây ra.

1.001 lý do gây ô nhiễm dòng chảy

TP.HCM có dân số hơn chục triệu người, mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn rác thải nhưng khâu xử lý hiện nay phần lớn là chôn lấp, lâu ngày hẳn sẽ tác hại đến môi trường. Có thể nói xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen xấu của nhiều người.

Đủ các loại rác thải ra môi trường ở nội thành lẫn ngoại thành, như vứt rác, xà bần và những đồ gia dụng bị hư hỏng không còn dùng như chăn màn, giường tủ, bàn ghế. Đêm khuya đổ trộm phế thải xây dựng, phế liệu xuống sông, kênh, rạch, ao, hồ.

Thậm chí, còn thải ra môi trường nước các loại rác thải điện tử như máy in, máy vi tính, điện thoại, nhựa...

Bên cạnh rác sinh hoạt thì vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải trái phép chưa qua xử lý hoặc có hệ thống xử lý nhưng chỉ để đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Chừng nào mức xử phạt còn thấp hơn chi phí bỏ ra xử lý chất thải thì vẫn còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm, vi phạm bảo vệ môi trường.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để cải thiện vấn đề môi trường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đầu tư các công trình xử lý rác, nước đạt chuẩn phải song song với xây dựng các chế tài đủ mạnh, làm quyết liệt.

Bất cứ khu vực nội ngoại thành, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đều phải ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác. Quy ước đặt ra đi kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ.

Hình thức chế tài phải mang tính răn đe cao, áp dụng mức phạt gấp nhiều lần và thậm chí lên đến hàng chục lần chi phí xử lý nước thải.

Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra, đồng thời nộp lại số lợi do vi phạm. Bổ sung các trường hợp tái phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động, xử lý hình sự đối với đối tượng vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ở ngoại thành tùy khoảng cách và điều kiện phù hợp có thể xây bể chứa rác trên cánh đồng và nơi nhiều người qua lại như nút giao, ngã ba, ngã tư, khu sinh hoạt cộng đồng.

Những ai có đồ gia dụng hư hỏng không còn sử dụng, rác thải cần vứt đi thì mang đến bỏ vào bể chứa rác để đơn vị thu gom xử lý theo quy trình, không vứt ra môi trường tự nhiên. Đã đến lúc sử dụng công nghệ hiện đại xử lý rác bằng cách tái chế, tiêu hủy nhanh lượng rác lớn đến hàng chục ngàn tấn.

Về nhân lực, phường, xã nào cũng nên lập những nhóm thanh niên tình nguyện thu gom rác điện tử, rác nhựa tại nhà dân, vừa tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng vừa tuyên truyền ý thức tự giác phân loại rác tại nhà, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.

Tại địa phương, trên đường phố, khu vực công cộng đều có thể huy động công an khu vực, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ tham gia. Ở các chung cư có thể sử dụng nhân sự ban quản lý, bảo vệ, đại diện cư dân tham gia công tác đảm bảo vệ sinh chung.

Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa, xử lý xả rác, bảo vệ môi trường. Nhất thiết hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải càng sớm càng tốt.

Ví dụ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải kịp đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải. Đây là vấn đề quan trọng giúp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước, cá chết dưới kênh.

Bảo vệ môi trường nếu chỉ tuyên truyền suông chưa đủ, khó thuyết phục những thói quen cố hữu. Cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần thiết kế hệ thống kiểm soát theo cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi.

Cải thiện môi trường các dòng kênh: Bắt đầu từ sạch rác thải nhựa Cải thiện môi trường các dòng kênh: Bắt đầu từ sạch rác thải nhựa

Có dịp dạo quanh các dòng kênh ô nhiễm, chúng ta sẽ nhìn thấy lượng rác thải nhựa nhiều nhất là bao ni lông, thùng xốp, hộp sữa, chai nước, túi giấy, vỏ hộp cơm... gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên