23/11/2011 19:07 GMT+7

"Cần bông lúa chất lượng hơn báo cáo khoa học"

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO- “Tôi đã yêu cầu các viện nghiên cứu đừng đem báo cáo khoa học lên nộp, mà hãy đem lên những bông lúa, trái cây được cải tiến và có hàm lượng khoa học cao hơn, chất lượng hơn”.

Đó là trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát về việc “hoạt động của viện nghiên cứu còn xa nông dân”, chiều 23-11.

K2fg3tKF.jpgPhóng to
Thu hoạch lúa vụ ba trong cánh đồng đê bao vẫn còn lấp xấp nước ở phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Ảnh: Tuổi Trẻ

Nghiên cứu chưa theo kịp yêu cầu của nông dân

Theo ông Cao Đức Phát, mặc dù các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp đã có những đóng góp tích cực, hầu hết giống lúa hiện nay do nhà khoa học Việt Nam làm ra, năng suất cà phê Việt Nam cao hàng đầu thế giới... nhưng so với yêu cầu của bà con nông dân vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Cũng trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Cao Đức Phát cho rằng bảo vệ đất lúa là vấn đề rất lớn, để bảo vệ được diện tích đất lúa cho đất nước lâu dài cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hạn chế đến mức tối thiểu tác động tiêu cực của biến động khí hậu, hạn chế lấy đất lúa cho các mục tiêu phi nông nghiệp. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ các địa phương cũng như người dân chuyên trồng lúa, để có cuộc sống không thua kém với các địa phương và những hộ sản xuất các ngành nghề khác.

Làm vụ 3 phải có bờ bao vững chắc

Xung quanh vấn đề trồng lúa vụ 3, ông Cao Đức Phát nói: “Trước đây có thời gian xem vụ 3 chỉ là vụ làm thêm, thu hoạch được thì tốt nếu không thì thôi, thậm chí có thời gian chúng ta ngăn cản vụ 3. Tuy nhiên gần đây khi rà soát lại về tình hình nguồn nước và đặc biệt nhìn tới tác động của biến đổi khí hậu, đã có chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ ở đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác trong cả nước.

Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy vào lúc đồng bằng đang có nhiều nước, thu hoạch vào cuối mùa mưa đầu mùa khô, như vậy lúa có chất lượng tốt hơn. Đây là một chủ trương có tính chất lâu dài chứ không phải ngẫu hứng. Tuy nhiên, tôi hiểu rất rõ rằng nếu làm vụ 3 mà không có bờ bao thì rủi ro rất cao, nên chúng tôi nói với các địa phương rằng chỉ làm vụ 3 khi có bờ bao vững chắc”.

DN nước ngoài thuê đất trồng rừng: Không cho thuê mới!

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, ông Cao Đức Phát nói: “Chủ trương giải quyết vấn đề này là dừng không cho thuê mới. Đồng thời rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận, nơi nào trồng lấn lên địa bàn nhạy cảm về an ninh, quốc phòng thì loại bỏ khỏi các dự án đó và không cho thuê nữa. Nơi nào đã cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn về trồng rừng, không ở vùng đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì được tiếp tục.

Qua hệ thống của ngành NN&PTNT, chúng tôi được biết tất cả các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chủ trương này, đang rà soát lại các dự án đã cấp giấy chứng nhận và cho thuê trước đây. Hiện con số cấp giấy chứng nhận vẫn dừng lại như cuối năm 2010, thực tế đã cho thuê là 18.571ha, các công ty nước ngoài đã trồng 13.657ha”.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) liên quan đến việc khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, ông Cao Đức Phát cho biết: “Hiện nay trên diện tích có 10,1 triệu ha, chúng ta có 13,5 triệu hộ nông dân canh tác, như vậy có hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ. Trong điều kiện đó, chúng ta lại muốn vươn lên nền nông nghiệp sản suất hàng hóa quy mô lớn. Đây là bài toán khó, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm được.

Trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã làm được như việc hình thành các vùng sản xuất cao su, cà phê, lúa gạo quy mô lớn, đang từng bước hình thành những vùng sản xuất về thủy sản, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Hiện nay ở Nam bộ đang có phong trào cánh đồng mẫu lớn, còn ở miền Bắc thì cách tổ chức cùng trà khác chủ, cùng nhau sản xuất cùng thời điểm, cùng giống lúa... cũng là cách để sản xuất được khối lượng hàng hóa lớn hơn. Bên cạnh đó, còn con đường khác là phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp”.

Cũng theo ông Cao Đức Phát, việc hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn không phải tự phát, mà trong nhiều năm qua đã có sự tác động của Nhà nước, trước hết bằng công tác quy hoạch. Ngành NN&PTNT phối hợp với các địa phương liên tục rà soát và hướng dẫn nông dân hình thành các vùng cao su, cà phê, mía đường, chè, lúa gạo chất lượng cao... Sau khi có quy hoạch đã có cơ chế, chính sách để hỗ trợ như đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trồng cao su, cà phê, chè...

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên