Đại diện Agribank Đắk Lắk trả lời HĐXX - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngày xét xử thứ hai đối với vụ án này cho thấy nhiều sai sót trong việc cho vay, kiểm tra tài sản thế chấp… tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Krông Bông - một trong hàng chục đơn vị thuộc quyền quản lý của Agribank Đắk Lắk.
Tại tòa, đại diện Agribank Đắk Lắk cho biết theo quy định của đơn vị, mỗi lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tại các chi nhánh, phòng giao dịch được cấp một thẻ để thực hiện nhiệm vụ quản lý theo thẩm quyền.
Theo đó, thẻ ETOKEN của mỗi người có quyền hạn, chức năng khác nhau theo phân cấp, nhiệm vụ và ai cũng có tên tài khoản, mật khẩu riêng để bảo mật.
"Thẻ ETOKEN và tài khoản, mật khẩu như những barie canh gác, chốt chặn quá trình cho vay, tiếp nhận tài sản đảm bảo của khách hàng gửi. Tuy nhiên, từ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tại Agribank Krông Bông đều làm trái quy định, thiếu trách nhiệm dẫn đến việc Chu Ngọc Hải có thể chiếm đoạt số tiền hơn 114 tỉ đồng", đại diện Agribank Đắk Lắk nói.
Theo đó, ông Ngô Quốc Vinh, nguyên giám đốc Agribank Krông Bông được cấp quyền kiểm soát cao nhất nhưng giao thẻ, tài khoản và mật khẩu cho nhân viên giữ để… sử dụng như giám đốc.
Tương tự, nhiều cán bộ, tín dụng, kế toán, giao dịch viên cũng được cấp thẻ ETOKEN, tài khoản riêng nhưng đều đưa ra… sử dụng chung.
Tại tòa, các cán bộ, nhân viên khai do "giám đốc chỉ đạo phải công khai tài khoản, mật khẩu của thẻ này mỗi thành viên trong đơn vị để dùng chung, giúp công việc trôi chảy".
Đây là kẽ hở khiến Chu Ngọc Hải dễ bề sử dụng các thẻ này để "vượt tường lửa" mọi khâu kiểm soát, hậu kiểm và cho "bốc hơi" hơn 114 tỉ đồng trong 2 năm mới bị phát hiện, xử lý.
Chu Ngọc Hải (phải) tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN
Không chỉ "công khai tài khoản, mật khẩu thẻ ETOKEN" mọi thành viên, ông Ngô Quốc Vinh còn chỉ đạo nhân viên phải "ký hợp thức hóa" các hồ sơ giấy khi tài khoản đó đã "duyệt trên hệ thống điện tử" (hệ thống IPCAS).
Nghiêm trọng hơn, nhiều cán bộ tín dụng cũng được cấp thẻ ETOKEN, tài khoản, mật khẩu nhưng không sử dụng mà "bàn giao cho lãnh đạo, phòng kế toán" để "tạo thuận lợi trong công việc".
Sau khi một nhân viên nào đó (không phải chủ thẻ) thực hiện thao tác trên hệ thống IPCAS thì người đứng tên trên thẻ đã duyệt sẽ ký khống trên hồ sơ giấy để hợp thức hóa hồ sơ. Tất cả nhân viên khai ‘nhắm mắt ký bừa vì tin lời lãnh đạo’.
Tại phiên tòa, khi HHĐXX hỏi "quy trình kỳ lạ" tại chi nhánh Krông Bông tại sao chậm phát hiện, xử lý thì đại diện Agribank Đắk Lắk cho biết hàng ngày đơn vị kiểm tra mọi món vay trên hệ thống điện tử IPCAS và đều rất khớp nên không phát hiện sai sót.
Theo vị này, nhiều năm liền Agribank đều là đơn vị thực hiện tốt, trong khi toàn tỉnh có 35 chi nhánh như vậy nên không thể kiểm tra thường xuyên, chỉ có thể ‘xoay tua’ 5 năm 1 lần.
Theo đó, vào năm 2016, Agribank Đắk Lắk có bốc ngẫu nhiên 200/9.000 bộ hồ sơ tại chi nhánh Krông Bông để kiểm tra nhưng không hề phát hiện hồ sơ giả nào.
"Tất cả hồ sơ kiểm tra đều là hồ sơ thật, đều có con số, chữ ký rất khớp nên không phát hiện sai phạm", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận