19/07/2013 03:19 GMT+7

Cán bộ thuế liêm chính

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Ngày 18-7, TAND TP.HCM xét xử đội trưởng đội kiểm tra thuế số 8 Chi cục Thuế quận 1 về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua một số sai phạm về thuế của doanh nghiệp. Lần giở lại quá khứ, tháng 11-2012 Tổng cục Thuế ban hành Tuyên ngôn ngành thuế, trong đó nhấn mạnh những giá trị: minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính và đổi mới.

Tuyên ngôn này được treo công khai ở vị trí dễ thấy nhất tại các cơ quan thuế để làm tôn chỉ hành động của ngành. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, bắt tay với doanh nghiệp (DN) để xử nhẹ hoặc bỏ qua sai phạm nếu DN chịu chung chi vẫn râm ran trong dư luận. Còn như lời ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thời gian qua vẫn có những trường hợp không chấp hành và bị xử lý.

Xin ghi lại tâm sự của một cán bộ thuế đã nghỉ hưu, mà theo ông, thanh tra là hai từ ám ảnh nhất với DN. Với pháp luật thuế hiện nay, đã thanh tra hay kiểm tra là lòi ra sai phạm.

Khi đó DN thường phải xuống nước thương lượng, nếu không, chẳng những bị truy thu mà còn có nguy cơ bị phạt.

Vì vậy, theo vị cán bộ thuế nghỉ hưu này, nhiều đoàn thanh tra hạch sách DN, đặt vấn đề phải thế này, thế kia. Chuyện này cấp trên không biết được vì quyền lực của thanh tra thuế lớn quá. Nếu DN chịu chi, thanh tra chỉ làm điểm a, b, c, còn điểm d, e, f để lại.

Mà điểm để lại thường có vấn đề để ngay sau đó sẽ diễn ra quy trình dùng sai phạm để moi tiền, ép DN chung chi. Vậy mới có chuyện thi công chức thuế ai cũng muốn vào đội thanh tra, kiểm tra, ít ai muốn vào bộ phận hành chính. Ở vị trí thanh tra, cán bộ thuế nắm quyền sinh sát trong tay.

Bởi khi cán bộ thuế đã quyết, ức mấy DN cũng phải chịu để yên ổn làm ăn. Biết được điểm yếu này, không ít cán bộ thuế ra sức nhũng nhiễu. Việc tố giác cán bộ thuế dẫn đến phiên xử ngày 18-7 là tức nước vỡ bờ, hãn hữu mới có.

DN sợ cán bộ thuế, vậy mà trong các hội nghị đối thoại, khi DN đề cập đến nhũng nhiễu thì lãnh đạo cơ quan thuế luôn đòi phải có chứng cứ. Đòi hỏi nghe có lý nhưng quả là đánh đố nhau bởi đã làm ăn thì phải liên quan đến thuế, tránh sao được sai sót. Đã sai mà còn tố thì không khéo chuyện nhỏ thành ra to. Thôi thì chịu tốn kém là tốt nhất.

Nhưng có rất nhiều cái sai do văn bản quy định không rõ ràng, nhiều cách hiểu nên nói theo kiểu nào DN cũng “chết”. Biết trước cửa “tử”, ai dám tố cáo. Mỗi tháng Cục Thuế TP.HCM phát hành hàng ngàn văn bản để giải thích chính sách. Tương tự, ở Tổng cục Thuế cũng đến vài trăm.

Tại sao cơ quan thuế phải bỏ ra quá nhiều công sức để giải thích chính sách đã ban hành nhưng lại không thể soạn thảo những văn bản rõ ràng. Một luật sư có lần đặt câu hỏi này với người có trách nhiệm trong ngành thuế, đã nhận được câu trả lời nửa đùa nửa thật rằng “nếu văn bản ban hành rõ quá thì làm sao cán bộ sống được”.

Có một số người khi vào ngành thuế chưa thật sự là công bộc của dân, phục vụ dân, DN mà mong muốn sử dụng quyền lực để trục lợi cá nhân. Những kẻ cơ hội đó được dung dưỡng bởi sự buông lỏng quản lý hoặc nhắm mắt làm ngơ từ cấp trên. Sửa chuyện này không khó. Ngành thuế đã đưa ra tuyên ngôn.

Vậy thì hãy bắt tay để xóa đi những râm ran trong dư luận, từ việc “tư vấn” để DN né thuế và cưa đôi số thuế né được - nhất là trong các kỳ quyết toán thuế, đến nhũng nhiễu, làm tiền DN. Muốn thế, như nhiều DN mong ước, ngành thuế có cơ chế để họ tố cáo nạn nhũng nhiễu mà không bị làm khó. Không có cơ chế này, ngành thuế khó mà thấy được những tồn tại để thực hiện tốt tuyên ngôn: là đối tác tin cậy, cán bộ thuế liêm chính...

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên