22/04/2019 11:33 GMT+7

Cần bộ quy tắc để giữ gìn đạo đức công vụ

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ký công điện cấm cán bộ kiểm toán uống rượu bia và đi hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán để giữ gìn giá trị cốt lõi của kiểm toán viên nhà nước là công minh, chính trực.

Cần bộ quy tắc để giữ gìn đạo đức công vụ - Ảnh 1.

Người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với công chức tại UBND Q.4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhân đây, một số người nước ngoài chia sẻ những nguyên tắc để giữ gìn đạo đức công vụ.

* Ông Sam Kaskeli (người Canada, làm việc cho một tổ chức liên chính phủ quốc tế):

Không nhận quà, lời mời ăn uống

Tôi đã làm việc cho các tổ chức quốc tế được 15 năm nay. Công việc của tôi là cố vấn kỹ thuật và quản lý dự án. Tính chất công việc của tôi là quản lý các dự án môi trường, thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân để phát triển môi trường, kinh doanh và kinh tế bền vững.

Tại nơi tôi làm việc, nhìn chung chúng tôi luôn tránh xung đột lợi ích. Ví dụ, một trong những quy định của tổ chức chúng tôi là không được phép nhận quà từ đối tác, hay nhận lời mời ăn tối, ăn trưa, đi uống, vì chuyện đó có thể gây ra xung đột lợi ích với tổ chức. 

Nếu đối tác mời chúng tôi, chúng tôi cần phải cho họ biết các quy tắc, quy định của tổ chức và lịch sự từ chối những lời mời, lời đề nghị của họ.

Theo tôi, để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm, các đơn vị, tổ chức cần có một bộ quy tắc và quy định rõ ràng liên quan đến việc đó, cũng như cần phải có Quy trình điều hành chuẩn (SOP) để điều hành hoạt động của tổ chức. 

Các quy tắc nên phác thảo rõ ràng đâu là xung đột lợi ích và đâu là không phải. Ngoài ra cũng nên có các chiến dịch nội bộ và các hoạt động nâng cao nhận thức cho nhân viên về những quy tắc và quy định của các tổ chức mình.

Theo tôi, nhân viên chính phủ phải có trách nhiệm với công chúng bởi họ nhận được tiền lương từ tiền thuế của dân. Để đảm bảo trách nhiệm của nhân viên chính phủ, cần có một văn phòng điều trần công khai để tiếp nhận khiếu nại những nhân viên không làm nhiệm vụ của họ đúng theo các quy tắc và quy định. 

Ngoài ra, truyền thông cũng nên được tự do và công bằng, các sự cố nên được phản ánh trên các phương tiện truyền thông để gây áp lực lên chính phủ nhằm có động thái chống lại những người như vậy.

* Anh Wayne Parris (doanh nhân người Mỹ):

Tôi chọn đấu tranh để đẩy lùi tiêu cực

Ở Mỹ, nếu bị bắt gặp có hành vi hối lộ hoặc tham nhũng, cái giá phải trả là vô cùng đắt: bị kiện cáo, bị tẩy chay, bị điều tra, bị tù... Vì vậy nhiều người sẽ cảm thấy cái lợi của việc nhũng nhiễu hay hạch sách không đáng để họ mạo hiểm cả sự nghiệp.

Việc làm giấy tờ, thủ tục ở Mỹ cũng thường rất nhanh. Nếu có thủ tục nào mất thời gian đó là vì nó thực sự cần thời gian nhiều hơn để xử lý. Về cơ bản, ở Mỹ không ai muốn làm khó bạn cả, mọi người thường hết sức giúp đỡ. Đây là một tâm lý chung phổ biến dù ở cửa hàng hay ở cơ quan hành chính.

Tôi biết có một số nước, tình hình sẽ khác. Viên chức chính phủ có thể chọn cái lợi trước mắt và do đó nhũng nhiễu, hạch sách người dân. Nếu điều này quá phổ biến và pháp luật không mạnh tay, người dân có thể coi đó là một điều bình thường và có xu hướng im lặng hoặc thỏa hiệp. Riêng tôi, tôi chọn đấu tranh và lên tiếng để đẩy lùi tiêu cực.

Chẳng hạn, khi sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ ghé lại lần hai đối với cửa hàng nào "chặt chém", nâng giá bán gấp đôi, gấp ba đối với người nước ngoài. Tôi có một công ty riêng ở Việt Nam, quá trình xin giấy phép hết một năm là khá lâu nhưng tôi không hề lót tay ai để có giấy phép. Việc quyết toán thuế cũng thế. 

Tôi chọn sống và làm việc theo pháp luật vì lợi ích của mình và hi vọng có thể góp phần tạo ra một chuẩn mực rõ ràng trong lĩnh vực hành chính.

Theo tôi, chúng ta không nên dung túng những điều sai trái mà cần đấu tranh. Nếu tất cả mọi người không làm ngơ hoặc thỏa hiệp với những điều chưa đúng trong mọi vấn đề của đời sống, đặc biệt là hành chính công, chúng ta sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn làm việc và phục vụ chất lượng cao, đẩy lùi tiêu cực.

Từng lâm vào tình huống khó ở Việt Nam

Một lần vào dịp tết ở Việt Nam, một trong những đối tác dự án gửi cho tôi một giỏ quà trong đó có bánh, rượu... thông qua dịch vụ. Lúc nhận được quà, tôi gọi cho giám sát viên văn phòng của tôi và hỏi phải làm gì.

Người này nói rằng đó là văn hóa Việt Nam, nếu gửi quà trả lại là không lịch sự, đặc biệt là trong dịp tết. Trong trường hợp này, tôi có thể mang đến văn phòng dự án chia cho mọi người.

Giám sát viên của tôi đề nghị tôi cảm ơn người đã gửi món quà và nói rõ rằng chúng tôi không được nhận những món quà như vậy nữa, để người đó không mong đợi bất cứ điều gì từ chuyện quà cáp này. Đôi khi thật khó để cân bằng giữa văn hóa của nước sở tại và các quy tắc của tổ chức.

SAM KASKELI

* Anh Andrew Hill (người Mỹ):

Cần cơ quan giám sát nghiêm khắc

Anh Andrew Hill

Anh Andrew Hill (người Mỹ)

Do nước tôi không có văn hóa ăn nhậu như ở Việt Nam nên chẳng có quy định nào tương tự như quy định cấm cán bộ kiểm toán đi uống rượu bia với đơn vị được kiểm toán của các bạn.

Tuy nhiên, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn vấn đề tương tự để đảm bảo sự chính trực, công minh và đạo đức những người làm công vụ.

Cụ thể, vấn đề chúng tôi đối mặt không phải là việc các cán bộ, chuyên viên công vụ ở cấp độ địa phương ăn hối lộ, thiếu đạo đức, hay không được niềm nở, mà vấn đề chúng tôi gặp thường là những phi vụ lớn liên quan đến những người cấp cao.

Đây cũng có thể là phần nào do cơ cấu hành chính của Mỹ được thiết kế để các cơ quan và bộ phận ở cấp địa phương giám sát lẫn nhau, tránh xảy ra những chuyện tiêu cực và hành vi không phù hợp.

Chính vì vậy, mặc dù ở Mỹ lương của cán bộ công nhân viên cấp địa phương không thật sự cao, thậm chí là chỉ trên mức lương tối thiểu một ít, việc ăn hối lộ hay hoa hồng hầu như chẳng bao giờ nghe đến.

Ngoài ra, còn một lý do khác giúp bộ máy cấp địa phương nước tôi ít có chuyện tiêu cực là những người làm việc ở các cơ quan này thật sự tin vào công việc của họ. Chính vì vậy mà người làm nghề sẽ thường có tính liêm khiết.

Để Việt Nam có được một bộ máy công quyền công minh và chính trực hơn, tôi cho rằng việc tuyển dụng và thay thế các vị trí trực tiếp làm việc với người dân không quan trọng bằng việc đầu tư cho các cơ quan giám sát. Khi cơ quan giám sát và cấp trên nghiêm khắc, những vấn đề tiêu cực trong bất cứ ngành nghề nào sẽ không còn chỗ đứng.

* Anh Phattra Phattraprasit (chuyên gia của văn phòng thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan):

Thái Lan có Bộ luật đạo đức công vụ

Anh Phattra Phattraprasit

Anh Phattra Phattraprasit (chuyên gia của văn phòng thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan)

Là chuyên gia kinh tế thuế, tôi có trách nhiệm nghiên cứu chính sách thuế và tư vấn cho chính quyền.

Chính sách thuế là một chính sách công có tác động đến toàn xã hội nên đây là lĩnh vực mà người ta có thể dễ lạm dụng chức quyền của mình để đưa ra chính sách thiên vị.

Người Thái có tập tục mang quà bánh theo tặng khi họ đến thăm ai đó, đặc biệt là dịp đầu năm, nên khi có dịp, các công ty cũng thường mang bánh trái đến, thỉnh thoảng mời đi ăn tối để nói chuyện và giải thích về những hạn chế hay lợi thế của công ty họ.

Hầu hết các công ty lớn đều có phòng ban chuyên trách làm việc với công chức nhà nước. Luật Thái Lan quy định giá trị cao nhất của các món quà là 3.000 baht (khoảng 2,1 triệu đồng). Tuy nhiên, gần đây chúng tôi đã có chính sách mới là cán bộ, công chức không được nhận quà.

Chúng tôi cũng có Bộ luật đạo đức công vụ được áp dụng như khung quy tắc để công chức tránh các hành vi sai trái, như là một biện pháp phòng ngừa. (Trong đó có điều khoản quy định công chức không được yêu cầu, nhận và chấp nhận quà cho bản thân hay cho người thân, dù là trước hay sau khi làm nhiệm vụ... - PV).

Lãnh đạo của cơ quan tôi cũng đưa ra một tuyên bố về tính trung thực trong quản trị như một lời đảm bảo rằng cơ quan chúng tôi sẽ hoạt động một cách trung thực.

Có một vài cơ quan chuyên trách xử lý những vi phạm liên quan đến vấn đề này, trong đó có Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) và Văn phòng Ủy ban chống tham nhũng khu vực công (PACC).

HÀ MY - H.VÂN ghi

Đang kiểm toán mà rượu bia, karaoke, liệu có khách quan?

TTO - Việc Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký công điện cấm cán bộ kiểm toán uống rượu, bia và đi hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán khiến nhiều người chú ý.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên