Thành viên tổ xử lý gia súc thả rông theo dõi một đàn bò vào thành phố - Ảnh: Thiện Trí |
Chiều 10-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND P.Lạc Đạo, TP Phan Thiết cho biết đã trả lại số bò thả rông bị “giam lỏng” tại một nhà kho trên địa bàn cho chủ bò, sau khi chủ bò chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính.
Trước đó, UBND TP Phan Thiết cũng đã lập một tổ chuyên xử lý các trường hợp bò thả rông trên đường, một trong các vấn đề nhức nhối mà TP này đang giải quyết.
Ngăn chặn “đàn bò vào thành phố”
Trưa 5-10, PV Tuổi Trẻ đã theo chân một thành viên của tổ xử lý gia súc thả rông khi vị này được báo có một đàn bò xuất hiện trên địa bàn P.Lạc Đạo.
Lực lượng chức năng địa phương đã lùa đàn bò vắng chủ gồm chín con vào một nhà kho trên đường Hàn Thuyên (P.Lạc Đạo), chờ chủ bò đến để xử lý. Một chiếc xe tải được điều khiển chạy vào chặn cổng nhà kho để “giam lỏng” không cho đàn bò này ra ngoài.
Chiều cùng ngày, UBND P.Lạc Đạo đã ra quyết định xử phạt hành chính với chủ đàn bò trên khi người chủ xuất hiện nhận bò, đồng thời yêu cầu chủ bò cam kết không thả bò rông nữa.
Được biết trước đó, chủ đàn bò này đánh bò đi chăn từ xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) rồi cho bò tiến dần vào trung tâm TP, đến P.Lạc Đạo thì đàn bò bị “giam lỏng” khi vắng mặt chủ.
Theo bà Trần Thị Thu Phương (phó Phòng quản lý đô thị UBND TP Phan Thiết, tổ trưởng tổ xử lý gia súc thả rông), khi phát hiện bò thả rông người dân có thể phản ảnh với UBND xã, phường hoặc Phòng quản lý đô thị để lực lượng chức năng đến xử lý.
Một thành viên của tổ xử lý gia súc thả rông dí dỏm cho hay “đàn bò vào TP” tưởng chỉ có trong nhạc Trịnh Công Sơn ngày xưa, nào ngờ ngày nay bò vào TP cản trở giao thông, phóng uế, gặm cây cảnh nhà dân, công viên!
Không chỉ trong nội thị TP Phan Thiết, thời gian qua người dân ở các tuyến đường huyện lân cận với TP Phan Thiết cũng ngao ngán với nạn thả bò rông gây nhiều phiền phức và cả tai nạn giao thông.
Gần đây nhất, khoảng 6g sáng 1-10, khi chị Trần Phan Quỳnh Hương chạy xe máy trên quốc lộ 28 (đoạn qua xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc), bất ngờ một con bò băng qua đường khiến xe máy của chị va chạm và lọt xuống gầm xe khách dập nát hoàn toàn. Chị Quỳnh Hương may mắn thoát chết.
Tuy nhiên, việc bắt bò thả rông và xử lý chủ bò cũng không phải chuyện đơn giản.
Ông Lê Văn Cang, nguyên trưởng Phòng quản lý đô thị UBND TP Phan Thiết và là người từng tham gia xử lý bò rông trên địa bàn, cho biết từng có nhân công được thuê để bắt bò đưa lên xe chở về đã bị đứt ngón tay trong lúc cầm dây thừng kéo bò vì con bò vùng vẫy mạnh.
“Những người tham gia bắt bò cũng rất sợ bị chủ bò trả thù nên phải mất nhiều công sức mới thuyết phục được họ tham gia” - ông Cang cho biết.
Chuyện bò thả rông từng lên bàn hội nghị
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước tình trạng chăn, thả gia súc (trâu, bò, dê... mà đặc biệt là bò) trên đường phố, các khu dân cư và khu vực công cộng, ngay từ năm 2011, TP Phan Thiết phải tổ chức hẳn một hội nghị nhằm xử lý vấn đề này.
Cụ thể, ngày 31-10-2011 UBND TP Phan Thiết tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp xử lý gia súc thả rông trên địa bàn, với thành phần gồm thường trực Thành ủy, HĐND TP; lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP và lãnh đạo UBND 18 phường, xã của TP Phan Thiết.
Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp đã ký quyết định ban hành quy định xử lý gia súc thả rông trên đường phố, trong các khu dân cư và khu vực công cộng trên địa bàn, áp dụng với các loại gia súc thả rông có người chăn dắt hoặc không có người chăn dắt trên đường phố, trong các khu dân cư và khu vực công cộng.
Theo đó, khi phát hiện gia súc thả rông, UBND các phường, xã thông báo ngay cho tổ xử lý gia súc thả rông, đồng thời chỉ đạo tổ quản lý trật tự đô thị của phường, xã lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp tại hiện trường không có chủ gia súc, tổ sẽ lập biên bản xác định số lượng, đặc điểm nhận dạng và chủng loại gia súc cần bắt giữ.
Về phía tổ xử lý gia súc thả rông (do thành viên của Phòng quản lý đô thị UBND TP Phan Thiết làm tổ trưởng) khi nhận được thông báo của UBND các phường, xã phải bố trí lực lượng đến hiện trường để bắt và vận chuyển gia súc về nhốt tại khu tập trung. Gia súc bị bắt phải được đánh dấu để tránh nhầm lẫn.
Bà Trần Thị Thu Phương cho biết sau khi chính quyền vào cuộc xử lý nghiêm khắc, đã bắt nhốt 27 con bò, 10 con bò khác được chủ bò cam kết không thả rông sau khi bị phạt hành chính, tình trạng thả rông bò đã tạm lắng. Tuy nhiên từ giữa năm 2015, việc bò thả rông vào TP lại rộ lên.
Trong tháng 9-2015, tổ đã bắt giữ tám con bò thả rông ở P.Phú Hài và một con ở P.Phú Tài đưa về trại nhốt và bàn giao bò cho nhân viên của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Phan Thiết đảm nhiệm chăm sóc bò, chờ đến ngày chủ bò đến chuộc về.
Ngoài việc bị phạt hành chính, chủ bò còn phải trả các chi phí bắt bò, cho bò ăn trong thời gian bị nhốt, vận chuyển bò về trại nhốt mới được trả bò về.
Khó xử lý bò và... chủ bò Anh L. - từng làm nghề nuôi bò và là một trong những người tham gia bắt bò thả rông - cho biết với những con bò có dây dắt sẵn ở mũi, có vòng đeo cổ, cán bộ địa phương dễ dàng bắt được. Tuy nhiên đối với những con bò thả rông chưa có dây, có vòng thì phải nhờ người bắt bò chuyên nghiệp mới xử lý được. “Bắt một con bò phải cần nhiều người. Tôi rất ngại làm việc này, ngại nhất là với chủ bò, nhưng các anh chị trong tổ xử lý nói với tôi là làm việc nhà nước nên tôi tham gia làm” - anh L. nói. Theo Phòng quản lý đô thị UBND TP Phan Thiết, có trường hợp sau khi bò bị bắt, chủ bò đến cơ quan này làm dữ với lý do... tại sao bắt bò của họ?! Nhân viên của phòng phải mất nhiều thời gian giải thích những ảnh hưởng của việc thả rông bò đến đời sống người dân, đến giao thông công cộng... và cả quy định cấm thả rông bò vào TP, chủ bò mới chịu chấp hành việc xử lý vi phạm và trả chi phí chăm sóc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận