08/09/2014 07:39 GMT+7

​Cán bộ lâm trường thâu tóm đất rừng

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Nhiều lãnh đạo, cán bộ quản lý đất rừng U Minh Hạ (Cà Mau) đang nắm trong tay rất nhiều đất rừng.

Trang trại thanh long của ông Nguyễn Hữu Phước (phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ). Ông Phước là một trong những người có nhiều đất ở rừng U Minh Hạ - Ảnh: Tấn Thái
Trang trại thanh long của ông Nguyễn Hữu Phước (phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ). Ông Phước là một trong những người có nhiều đất ở rừng U Minh Hạ - Ảnh: Tấn Thái

Mọi chuyện tưởng chừng đã đi vào quên lãng, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa làm “sống lại” vụ việc qua đơn tố giác của người dân.

Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận về việc hàng loạt cán bộ làm công tác bảo vệ và phát triển rừng U Minh Hạ đã lợi dụng chức vụ để chia chác đất rừng rồi đem bán hoặc thuê để hưởng lợi bất hợp pháp.

“Vua đất”

Đầu tháng 9-2014, tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh), nhiều người dân biết rất rõ những “khu đất quan” thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (gọi tắt Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ).

Chỉ tay về trang trại thanh long nằm giữa cánh rừng xanh bạt ngàn U Minh Hạ, ông Nguyễn Văn Quang (ngụ ấp 19, xã Khánh Thuận) nói: “Đây là đất “vàng” của ông Tư Phước (Nguyễn Hữu Phước, phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ).

Ông Phước là một trong những người nổi tiếng có nhiều đất ở vùng rừng tràm U Minh Hạ”. Khu đất này thuộc thửa số 162, khoảnh 12 của tiểu khu 002, diện tích 5,5ha. Sở dĩ được gọi là khu đất “vàng” vì nó giáp với hai mặt tiền, toàn bộ diện tích đất được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, không như những khu đất khác bị giới hạn 30% sản xuất nông nghiệp, 70% trồng rừng.

Cũng tại tiểu khu 002, ông Phước còn có một phần đất diện tích 11ha. Phần đất này, ông Phước nhận giao khoán của Lâm ngư trường Sông Trẹm trước đây.

Liền kề với thửa đất trên, “bóng dáng” ông Phước cũng xuất hiện trong phần đất thuộc thửa số 138, khoảnh 5 (diện tích 11,7ha, do em ruột của ông Phước đứng tên). Đó là chưa kể việc ông Phước để vợ đứng tên thửa đất số 95, khoảnh 10 tiểu khu 007 (diện tích 4ha).

Ông Phước thừa nhận bốn thửa đất trên là của mình, nhưng nói rằng 3/4 lô đất là do mình sang lại. Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Cà Mau thì ông Phước có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Phước nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng đất rừng không được sự chấp thuận của Lâm ngư trường Sông Trẹm, tự làm hợp đồng giao khoán cho em ruột là Nguyễn Chí Thành, đưa cho ông Phạm Thành Văn ký với chức danh phó giám đốc trên hợp đồng vào năm 1995 nhưng trên thực tế năm 1998 ông Văn mới được bổ nhiệm làm phó giám đốc Lâm ngư trường Sông Trẹm, để hợp thức hóa 11,7ha đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Chí Thành sử dụng.

Thanh tra tỉnh Cà Mau cũng kết luận ông Phước có nhiều tài sản thuộc diện phải kê khai theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng nhưng cố tình che giấu những phần đất mình đang sử dụng.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên giám đốc Lâm ngư trường Sông Trẹm, hiện nay là phó Ban dân vận Huyện ủy Thới Bình) được ưu tiên giao khoán đến hai phần đất với diện tích 22,5ha. Sau khi nhận khoán, ông Tuấn chuyển nhượng bằng cách xác lập hợp đồng mới cho người khác.

Bán đất xong, ba người con ông Tuấn lại được giao khoán tiếp 27,3ha đất. Tổng cộng, ông Tuấn và các con có năm thửa đất với tổng diện tích gần 50ha. Theo Thanh tra tỉnh Cà Mau, ông Tuấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vụ lợi cho cá nhân và gia đình.

Tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, hiện có không ít cán bộ cũng thuộc vào loại “vua đất” như ông Trần Minh Cảnh (cán bộ Phân trường Sông Trẹm) và gia đình có trong tay tới trên 68ha đất, ông Lê Việt Triều (trưởng Phân trường Sông Trẹm) có hai thửa đất trên 19ha...

Ông Nguyễn Văn Thanh (người dân sống tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ) - người nhiều năm tố cáo ban giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ phá “Vườn cây nhớ ơn Bác” lấy đất cấp cho cán bộ - Ảnh: T.Thái
Ông Nguyễn Văn Thanh (người dân sống tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ) - người nhiều năm tố cáo ban giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ phá “Vườn cây nhớ ơn Bác” lấy đất cấp cho cán bộ - Ảnh: T.Thái

Đem đất cho thuê, bán

Tại vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), ông Lê Thanh Toàn (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) bức xúc: “Nhiều dân ở đây không có đất, trong khi đó cán bộ của vườn, cán bộ tỉnh nhận đất lại không sản xuất mà đem sang bán hoặc cho thuê kiểu phát canh thu tô”.

Theo một báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, chỉ riêng tại vùng đệm VQG U Minh Hạ hiện đã giao khoán 863ha, trong đó hợp đồng giao khoán cho cán bộ 75ha và có đến 32 hộ là cán bộ nhận đất chuyển nhượng cho các hộ khác.

Ở VQG U Minh Hạ, đất kinh doanh (thuộc phân khu dịch vụ hành chính) cũng được cấp cho nhiều cán bộ. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Cà Mau, khi được Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Cà Mau “bật đèn xanh” thì lô đất kinh doanh bị “xẻ thịt”, đem cấp cho các ông Tạ Vĩnh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau), Nguyễn Văn Thế (nguyên giám đốc VQG U Minh Hạ, hiện đã chuyển công tác về Cục Kiểm lâm), Nguyễn Quang Của (nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nghỉ hưu)... Phần lớn cán bộ lãnh đạo này đều không trực tiếp sản xuất, mà đem đất cho thuê hoặc sang bán cho người khác.

Cho đến nay, người dân vẫn còn bức xúc về việc VQG U Minh Hạ phá “Vườn cây nhớ ơn Bác”.

Ông Nguyễn Văn Thanh (người dân sống tại vùng đệm VQG U Minh Hạ) ngậm ngùi kể: “Trước đây (1987), vào ngày sinh nhật Bác, lãnh đạo ban quản lý rừng ngày trước vận động dân đào đất, đắp bờ trồng tràm, bạch đàn.

Ngày ra quân treo cờ, căng bảng hiệu làm rất khí thế. Sau đó, “Vườn cây nhớ ơn Bác” bị phá và lấy đất cấp cho cán bộ”.

Giải thích về chuyện này, ông Lê Thanh Dũng - phó giám đốc VQG U Minh Hạ - nói: “Do bị ảnh hưởng bão, cây đổ ngã, không khắc phục được, nên năm 2003 lãnh đạo lúc bấy giờ cho khai thác trắng”.

Theo ông Dũng, trong các văn bản hiện còn lưu giữ không có tên gọi “Vườn cây nhớ ơn Bác”, cái tên này chỉ do người dân gọi xuất phát từ việc trồng cây nhân sinh nhật Bác.

Thế nhưng khác với lý giải của ông Dũng, kết luận của Thanh tra tỉnh Cà Mau lại cho rằng sau khi khai thác xong “Vườn cây nhớ ơn Bác” thì lãnh đạo VQG U Minh Hạ không chỉ đạo trồng lại rừng mà lại lấy phần đất trên để giao khoán cho cán bộ.

Lãnh đạo VQG U Minh Hạ từng bị khởi tố

Không chỉ chiếm đất rừng cho thuê, sang bán hưởng lợi mà lãnh đạo VQG này còn có sai phạm khác.

Cụ thể, vào tháng 6-2013, ông Tạ Vũ Linh (phó giám đốc VQG U Minh Hạ) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời khởi tố về tội “tham ô tài sản”.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Linh lợi dụng chức vụ tự ý bán cá ở các kênh mương VQG U Minh Hạ để thu lợi bất chính. Ông Linh cũng là lãnh đạo VQG U Minh Hạ được cấp đất hai lần.

Vào giữa tháng 8-2014, TAND huyện Trần Văn Thời đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

(còn nữa)

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên