Ông Lê Văn Tấn, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 7, xuất hiện bàn việc "binh" hồ sơ sai phép cho khách - Ảnh: Hoàng Lộc |
Theo ông Tấn, nếu khách hàng thỏa thuận và chấp nhận giá 100 triệu thì ông được 50 triệu, còn chia cho nhiều người chứ không hưởng một mình ().
Tuổi Trẻ (12-11-2015) cũng từng phản ánh một trường hợp tương tự khi xin giấy phép xây dựng tại Q.Bình Tân.
Vụ này liên quan đến một nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Bình Tân (nay là chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân) với mức gợi ý chung chi từ 120 triệu đồng được nâng lên 5.000 USD và 50 triệu đồng để người này “cảm ơn người ta”...
Không thể nghĩ rằng đây chỉ là sai phạm cụ thể của hai cá nhân do xui xẻo nên bị vạch mặt. Thực tế, bất kỳ hồ sơ nhà đất nào cũng phải qua nhiều khâu xem xét, thẩm định.
Vậy những “người còn lại” được hai trường hợp bị phát hiện nêu ra để thuyết phục khách hàng chấp nhận chung chi giá cao chỉ là bịa đặt hay là có thực?
Thừa nhận của ông Tấn từng hợp tác “binh” nhiều hồ sơ sai phạm khác đã đặt ra câu hỏi: phải chăng những cá nhân bị lộ chỉ là một mắt xích trong đường dây nào đó ở cơ quan nhà đất để “chạy” hồ sơ, “hô biến” vi phạm thành hợp pháp?
Và liệu rằng những cán bộ giải cứu nhà sai phép chỉ dừng lại ở đó, hay còn nghĩ, vẽ vời ra nhiều kiểu, chiêu trò để làm khó người dân khi làm thủ tục nhà đất...?
Đó là những câu hỏi mà các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm trả lời chứ không chỉ dừng lại xử lý cá nhân bị vạch mặt chỉ tên.
Việc làm này là rất cần thiết, bởi có thế mới đảm bảo rằng mọi người được công bằng trước pháp luật, rằng tiền không thể xé toạc được pháp luật, không thể dùng tiền để biến cái sai thành cái đúng.
Chính quyền đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Nhưng có đi làm hồ sơ nhà đất mới thấy trần ai vô cùng.
Sự phức tạp không chỉ vì mỗi nhà mỗi kiểu mà còn do các quy định về nhà đất có quá nhiều lại hay thay đổi nên người dân không biết đường lần.
Trong sự rối rắm ấy, không ít cán bộ tranh thủ làm ăn bằng cách hướng dẫn hồ sơ qua loa hoặc đòi hỏi nhiều giấy tờ ngoài quy định để người dân mệt mỏi, lo lắng mà phải cậy đến “cò”.
Và một cán bộ sai không được chấn chỉnh kịp thời sẽ có cán bộ khác bước vào cùng tham gia, vậy là từ chỗ phải có phận sự, trách nhiệm giải quyết đúng quy định, đúng hạn hồ sơ của dân thì những cán bộ như ông Tấn hay trường hợp ở Q.Bình Tân lại trở thành “cò” để kết hợp nhau “móc túi” người dân.
Và những người này trở thành kẻ phá bĩnh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính.
Những sai phạm của ông Tấn và đường dây (nếu có) phải được xử lý. Vậy vẫn chưa đủ. Việc cần làm quan trọng hơn là phải bịt các kẽ hở mà một số cán bộ đã tận dụng để làm “cò” và làm sao để tất cả cán bộ nhà đất không dám, không thể và không muốn làm “cò”.
Làm được vậy thì người dân mới không phải lội qua đoạn đường gian khổ khi làm thủ tục nhà đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận