Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Sóng thần âm nhạc kéo lùi chất lượng sống?
Bạn đọc Sơn Nguyễn mô tả tính chất "sóng thần" của karaoke ở khu phố bạn: Tôi đang ở phường 11, quận P., trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua cả xóm đã sống trong "sóng thần karaoke". Lúc đầu họ hát trong nhà với công suất cực lớn, sau đó thì ra giữa đường, mặc kệ xung quanh và thời gian kéo dài từ 3 đến 5 tiếng. Tôi đã thấy quý báo đưa ra vấn đề này nhiều lần nhưng sao các cấp chính quyền không đả động hoặc có một hình thức răn đe. Chúng ta đang tiến tới xây dựng thành phố nơi đáng sống và nếu tệ nạn này không dẹp được thì việc quản lý xã hội của ta đang thụt lùi".
Trong khi đó, bạn đọc Jessica Nguyễn chưa kịp mừng người hàng xóm mới dọn về thì: "Cũng hi vọng có hàng xóm tốt để giao du. Ai dè được 1-2 ngày thấy mở nhạc la rống thế là bỏ ngay ý định chào hỏi luôn. Khi nào có luật cấm ca hát tại gia kiểu tra tấn tui cúng lớn luôn".
Thêm một "nạn nhân" khác, chuyển nhà 3 lần - bạn đọc tên Hoa "rên xiết": "Đã từng phải chuyển nhà 3 lần vì ở gần những nhà đam mê karaoke. Không chuyển nhà chắc có ngày mình gây án. Bức xúc kinh khủng. Chưa lần nào chính quyền can thiệp".
Cán bộ khu phố cũng hát thâu đêm?
Bạn đọc Trương Minh Nhật kể câu chuyện cười ra nước mắt: "Vào đêm 30 mươi vừa qua, sát nhà tôi, tổ trưởng dân phố lại là người cầm đầu cho việc tra tấn hàng xóm từ 18h hôm trước cho tới 4h sáng mùng 1 hôm sau. Chịu hết nổi tôi phải sang nhắc nhở kiên quyết họ mới để cho được nghỉ ngơi lúc đó là hơn 4h sáng. Hậu quả karaoke thực sự còn hơn đại dịch".
Chỗ bạn đọc Huỳnh Khương cũng chuyện tương tự: "Xóm tôi cũng hát suốt, báo lên phường có anh công an và vài anh bảo vệ dân phố xuống, tới đó gặp người quen đang nhậu, anh công an về còn mấy anh bảo vệ dân phố ở lại nhậu và... hát tiếp, coi như xong!".
Nhiều ý kiến khác đều 'trăn trở" về việc các cán bộ chức năng tại địa phương không thể không nghe không thấy mỗi lần các đại hung thần karaoke loa dập âm thanh vào xóm làng nhưng đều hiền lành đi ngang qua... rồi thôi.
Ai sẽ ra tay dẹp loạn "hung thần karaoke"?
Người dân khẩn thiết kêu cứu các cơ quan chức năng hãy nhận định đúng mức về tình trạng khu dân cư bị karaoke gia đình bạo hành, hãy mạnh tay hơn nữa.
Mỗi địa phương đều có một đội phản ứng nhanh để lập biên bản xử lý được không? - bạn đọc Trần Văn Lâm đề nghị.
Cùng ý tưởng, bạn đọc Anh Lê ý kiến rất chi tiết: "Mùa COVID mình làm được cái app bluezone đó, thì giờ mình cũng làm cái app đo cường độ âm thanh đi. Để người dân có cơ sở báo công an. Lập thêm đội phản ứng nhanh nữa, dân phản ánh cái là tới xử lý liền.
Mình có quy định đối với cường độ âm thanh trong khu dân cư thì chỉ nên cho phép hộ gia đình mua loa trong công suất quy định. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo cách âm. Rồi mấy công trình xây dựng, nhà máy sản xuất gây tiếng ồn nữa. Tìm mọi cách xử lý là làm dẹp thôi, đừng viện lý do nữa. Ngồi đó than khó thì tới bao giờ mới dẹp được cái nạn này?".
Bạn đọc tên Nguyên góp ý: "Để dân gọi điện yêu cầu xử lý mà cán bộ phường không kiểm tra, giải quyết và có câu trả lời cho dân thì phải xử lý trách nhiệm cán bộ phường từ ủy ban cho đến công an bằng việc cách chức được không?".
"Nếu cấp phường quá ngại va chạm, bó tay, vậy cấp quận và các tỉnh thành phố tính sao? Luật có rồi, phần mềm đo độ ồn cũng có luôn, vậy sao để tệ nạn kéo dài"? - bạn đọc HXCanh chất vấn.
Nếu không đảm bảo cách âm cấm hát được không?
Cấm hát tại gia đình nếu không bảo đảm cách âm theo quy định, nhiều bạn đọc đề nghị nên mạnh mẽ: "Tôi cũng mong pháp luật mạnh tay với vấn nạn này, ra quy định nhà nào muốn hát thì phải có phòng cách âm, còn không thì khỏi hát. Chứ giờ đâu đâu cũng hát, từ quán nhậu đến xóm làng. Hát đến tận khuya sao chịu nổi" - bạn đọc Kenly đề nghị.
Bạn đọc Minh Tường nêu thảm cảnh: "Gia đình tôi 5 năm dọn nhà 5 lần, giờ cũng tạm ổn nhưng thỉnh thoảng vẫn bị hàng xóm và quán nhậu tra tấn karaoke cả ngày lẫn đêm. Đề nghị thành phố quy hoạch các quán nhậu ở các cụm riêng, cấm mở trong các khu dân cư hoặc yêu cầu đảm bảo cách ly tiếng ồn tương tự hệ thống PCCC".
Bạn đọc tên Duy đề nghị: "Nên phổ cập đến dân luật về mức độ tiếng ồn để mỗi hộ dân biết giới hạn tiếng ồn mình được phép tạo ra, và có mức xử phạt. Ai cũng có quyền hát karaoke, nhưng cứ xây dựng những phòng hát chuẩn, hạn chế tốt việc phát thải ô nhiễm tiếng ồn thì chẳng ai phiền. Riêng tôi chẳng ác cảm gì nhưng cứ tầm sau 9h, lũ trẻ nằm đến 11h khi các vị gác mic thì mới ngủ được thì thực sự khó chịu".
Nâng cao ý thức bản công dân cũng là lời nhắc nhở từ nhiều bạn đọc, mình than phiền người khác mà luôn muốn khoe "giọng hát lỗi lạc" của mình thì đúng là... bó tay.
Bạn đọc Tuan Nguyen đề cập: "Chỉ mong chính quyền các cấp nghiên cứu tuyên truyền, vận động bà con nhân dân giữ ý thức chung cho cộng đồng. Đồng thời, phạt vi phạm hành chính thật nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về ô nhiễm tiếng ồn. Có vậy mới cải thiện được, chứ một bộ phận người dân nhận thức, ý thức kém quá".
"Thứ nhất, gia đình mình có đám tiệc thì tuyệt đối không tổ chức hoặc thuê hát karaoke. Thứ hai, đi dự tiệc nếu gia chủ có tổ chức karaoke thì không tham gia và ra về ngay... Ai cũng tự ý thức và cùng nhau hành động thì karaoke tra tấn xóm làng không còn đất sống! Khi gọi chính quyền đến giải quyết chính là đi cấp cứu" - bạn đọc Nguyễn Tấn Nghĩa góp ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận