Như Tuổi Trẻ đưa tin, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM rà soát công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.
Trong các yêu cầu chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
"Tức là phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần" - Thủ tướng lưu ý.
Ông nhấn mạnh đề nghị TP xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết. Xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích.
"TP phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý, tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệt liệt hoan nghênh những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng đây cũng chính là vấn đề cần mổ xẻ và là việc ưu tiên cấp bách của TP.HCM trong thời buổi hiện nay.
"Thủ tướng như là bác sĩ đã tìm thấy bệnh. Còn việc chữa bệnh như thế nào còn gian nan lắm. Phải xóa tư tưởng muốn giữ ghế nên dĩ hòa vi quý; không dám làm, không muốn làm vì sợ đụng chạm, phe cánh cục bộ bảo vệ lẫn nhau, tư tưởng ta không đụng đến người thì người không đụng đến ta..." - bạn đọc Xuân Khánh góp ý.
Cũng theo bạn đọc này: "Chữa căn bệnh trầm kha này không phải ngày một ngày hai mà làm được, mà phải biến nó trở thành một cuộc thay đổi thực sự".
Nhìn nhận đây là thực tế làm hạn chế sự phát triển chung, bạn đọc Tịnh HTXH bổ sung: "Thủ tướng nói rất đúng ạ. Cơ quan tôi, theo cảm nhận mà tôi thấy được từ người có chức vụ (thường được gọi là chủ chốt của đơn vị) đến ban giám đốc trung tâm 70% lo giữ ghế của mình là chính thôi".
Theo một số bạn đọc, làm việc mà không phân biệt rõ đúng sai, xử lý không công bằng, mang tính cá nhân và có dấu hiệu bè phái, lợi ích nhóm hoặc sợ sai mà không dám làm sẽ làm thui chột ý chí phấn đấu của những người dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ở thời buổi kinh tế thị trường, Nhà nước cũng như một doanh nghiệp thôi, bạn đọc Minh Quang viết: "Người lao động không có năng lực làm việc thì nên cho nghỉ việc, có như vậy doanh nghiệp mới phát triển khỏe mạnh được".
Cụ thể hơn, bạn đọc Mai Toan viết: "Không có mợ chợ vẫn đông. TP.HCM nên tổ chức một đợt thanh lọc và tuyển mới những người trẻ có đức có tài bất kể họ là ai. Hãy quản lý con người bằng luật, lúc đó sẽ không còn những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm".
Góp ý thẳng, bạn đọc Vũ Nguyên Trần đề nghị: "Đối với những cán bộ công chức như vậy nên cho suy nghĩ một tuần để quyết định. Nếu không thì làm đơn xin nghỉ việc và cấp trên ký quyết định cho nghỉ việc luôn. Chứ chuyển qua chỗ khác cũng vậy mà thôi".
Cho rằng việc TP.HCM thanh lọc cán bộ trong thời điểm bây giờ như gợi ý của Thủ tướng là đúng bởi đây là cơ hội rất tốt, nên nắm bắt cơ hội này, bạn đọc Linh viết: "Thời đại ngày càng phát triển, nên thanh lọc những cán bộ có lối tư duy cổ hủ, an nhàn, con ông cháu cha. Tuyển những người có năng lực tích cực, dám nói dám làm để đất nước ta ngày càng phát triển, bắt kịp với sự thay đổi của thế giới".
Nhìn vấn đề hai chiều, bạn đọc Cong Son hy vọng: "Ai không chịu làm thì hãy đứng sang một bên để người khác làm. Còn đã làm là có thiếu sót, nhưng đừng vì thiếu sót mà làm sai mà ngại. Khi có người thẳng thắn góp ý, phê bình công minh, mọi thứ sẽ tốt dần lên. Từ đó công việc sẽ trôi chảy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận