Đó là rắc rối mà bà Võ Thị Thi Cầm (ngụ quận Bình Thạnh) gặp phải khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt sổ đất) nhưng chưa được.
Đất sử dụng ổn định
Tháng 4-1998, bà Cầm có mua một miếng đất vườn (diện tích 279,5m2) tại phường Long Phước (quận 9), nay là phường Long Phước (TP Thủ Đức) của ông Q.V.N..
Tháng 8-1998, UBND phường Long Phước xác nhận cấp phần đất trên cho bà Cầm. Trong báo cáo thực địa của phường, ghi nhận nguồn gốc lô đất là "đất bỏ hoang trước 1975. Sau 1975 được nông dân khai hoang phục hóa. Sau đó UBND phường cấp cho ông Q.V.N. có nhu cầu xin xây dựng nhà ở. Hiện trạng là khu đất thổ, xen kẽ khu dân cư…".
Đến ngày 12-9-1999, bà Cầm đã đi đăng ký sử dụng miếng đất nói trên theo quyết định 3367 năm 1999 về việc kê khai, đăng ký nhà đất của UBND TP.HCM.
Bà Cầm trồng cây ăn trái trên đất và cất nhà chòi. Đến năm 2009, bà Cầm được UBND quận 9 cấp số nhà tạm là số 30, đường số 7, khu phố Long Thuận, phường Long Phước.
Tháng 5-2023, bà Cầm nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Đến 31-8-2023 thì Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ ký văn bản không đồng ý cấp giấy và trả hồ sơ cho bà.
Lý do được nêu ra là đối chiếu các tài liệu bản đồ thì nhà đất của bà Cầm thuộc một phần đường đi có nguồn gốc đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nên không đủ điều kiện cấp.
Không đồng ý với việc giải quyết của lãnh đạo TP Thủ Đức, bà Cầm đã làm đơn kiến nghị xem xét lại, đến nay chưa được phản hồi.
"Từ ngày sử dụng đất tháng 4-1998 đến nay tôi không có tranh chấp với ai và cũng không nhận bất kỳ một quyết định xử lý gì của Nhà nước. Tôi đã thực hiện các nghĩa vụ thuế đầy đủ. Hai nhà đất kế đất tôi là nhà số 28 và 30A đều đã được cấp giấy chứng nhận từ rất lâu…", bà phản ảnh.
Cán bộ địa chính ghi lệch thông tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, chủ tịch UBND phường Long Phước, cho hay hồ sơ xin cấp giấy của bà Cầm bị vướng do thông tin của khu đất có bị lệch qua các tài liệu quản lý.
Cụ thể, vào năm 1998, cán bộ địa chính phường Long Phước ghi trong hồ sơ cấp thửa đất cho bà Cầm thì số thửa là 53a. Trong khi theo tài liệu 299 thì đất bà Cầm thuộc một phần thửa 782, tờ bản đồ số 3, xã Long Phước, huyện Thủ Đức.
Đến tài liệu 02 thì phần đất bà Cầm thuộc một phần thửa số 52 và một phần đường đi tờ bản đồ số 12, xã Long Phước, huyện Thủ Đức. Còn theo bản đồ địa chính năm 2004 (đến nay) thì thửa đất của bà Cầm thuộc một phần thửa 11, tờ bản đồ số 49, phường Long Phước, quận 9.
Theo bà Thanh, do thông tin thửa đất bà Cầm đăng ký cấp giấy chứng nhận có chênh lệch so với thửa đất mà các tài liệu quản lý của Nhà nước và lệch với cả ghi nhận của cán bộ địa chính trong hồ sơ xin cấp đất của UBND phường Long Phước thời điểm năm 1998, nên cần phải xác nhận 2 thửa đất là trùng nhau, là một.
"Hiện cán bộ địa chính và chủ tịch phường Long Phước thời điểm xác nhận hồ sơ xin cấp đất của bà Cầm năm 1998 đều đã mất nên không xác minh được. Tuy nhiên khu đất của bà Cầm vẫn được sử dụng ổn định đến nay, nên có thể cho bà Cầm làm cam kết để cơ quan cấp giấy chứng nhận xem xét… ", bà Thanh nói.
Nhận định về trường hợp này, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, cho rằng với nguồn gốc, pháp lý đất và thực tế quản lý, sử dụng đất ổn định hơn 25 năm qua thì bà Cầm đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với việc thông tin khu đất do cán bộ địa chính ghi nhận có sai lệch và chênh lệch qua các tài liệu quản lý đất của Nhà nước thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
"Về phía bà Cầm cần làm cam kết về việc sử dụng ổn định khu đất, chưa đăng ký cấp giấy lần nào, kèm tài liệu hồ sơ liên quan về khu đất để nộp lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp giấy chứng nhận… ", ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận