Đại biểu Nguyễn Thanh Hà (đoàn Quân đội) phát biểu tại tổ thảo luận số 1 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Cán bộ đoàn phải có bản lĩnh, kỹ năng
Đại biểu Nguyễn Thanh Hà (đoàn Quân đội) tham luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn.
Hà nhắc lại bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng buổi sáng, và cho biết bạn rất tâm đắc với điều này. Theo Hà, "việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn là rất quan trọng. Phải quan tâm, đầu tư thì mới có một thế hệ rường cột nước nhà".
Đại biểu Hà cho biết ở đơn vị của mình (Tập đoàn Viettel), cán bộ đoàn đã được xác định phải là người có bản lĩnh, có kỹ năng. Cá nhân cán bộ đoàn phải có kỹ năng để tập hợp thanh niên, kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi đoàn, làm sao cán bộ đoàn phải như một người giáo viên, phải là chuyên gia trong lĩnh vực.
Đồng tình với nữ đại biểu cùng đoàn, đại biểu Đoàn Ngọc Báu (nguyên Trợ lý thanh niên Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng), cho rằng trong báo cáo đã chỉ ra một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, bị các thế lực thù địch lôi kéo. Đây là vấn đề rất lớn, quan trọng. "Đề nghị Trung ương Đoàn cho nghiên cứu, xây dựng tài liệu chuyên đề về giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống cho thanh niên sát với từng đối tượng".
Thiếu tá Báu cho rằng, để nâng cao tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, lối sống cho giới trẻ, Đoàn nên tổ chức nhiều chuyên đề, nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn để nâng cao việc giáo dục cho thanh niên.
Đại biểu đưa ra ý kiến đóng góp tại các tổ thảo luận trong chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI - Ảnh: CHÍ TUỆ
"Để thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức đông hơn thì cần đổi mới, tăng cường nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để thu hút giới trẻ, qua đó để tuyên truyền. Ví như bộ đội biên phòng, hay bộ đội hải quân luôn sẵn sàng tổ chức các chuyến đi để thanh niên hiểu hơn về biên giới, hiểu hơn về biển và đảo Trường Sa", đại biểu Đoàn Ngọc Báu nêu.
Nhiều đại biểu đề nghị Đoàn cần tham mưu, đề xuất để có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ đoàn chuyên trách. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm cơ sở, căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu của nhiệm kỳ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Tú (cơ quan Trung ương Đoàn) cho rằng trong báo cáo về phương hướng nhiệm kỳ 5 năm tới, có một số chỉ tiêu sẽ khó thực hiện. Tú nêu ví dụ như chỉ tiêu 5 triệu ý tưởng sáng kiến.
Ý tưởng có, xong để làm gì? Liệu có được triển khai không hay chỉ mang tính hình thức? Nên xem xét lại, và nếu giữ lại thì cần phải cho biết rõ là ý tưởng như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Hữu Tú
Đại biểu Tú cũng thắc mắc chỉ tiêu về trồng mới 30 triệu cây, hay chăm lo giúp đỡ 1,5 triệu trẻ em và mỗi cơ sở đoàn có một điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
"Chúng ta chưa có đề án kế hoạch đoàn thanh niên trồng rừng nên con số này không có cơ sở, hão huyền. Rồi chỉ tiêu mỗi phường xã có một điểm vui chơi cho thiếu nhi cũng không khả thi", Nguyễn Hữu Tú nêu.
"Nới lỏng" nhiệm kỳ đoàn cơ sở
Đại biểu Bùi Hữu Lộc (Phó bí thư tỉnh đoàn Hậu Giang) mong muốn cần có hướng dẫn quy chế cán bộ Đoàn đi vào áp dụng thực tiễn một cách gần gũi, thực tiễn nhất. Đại biểu Lộc cho biết đã nhận nhiều phản ảnh về thời gian nhiệm kỳ của Đoàn trường THPT (1 năm/lần - PV) gây khó khăn trong hoạt động. Vì thế Lộc đề đạt "ĐH nên nới lỏng thời gian là 2 năm/lần".
Đại biểu Trần Thanh Bắc (Điện Biên) phát biểu cho biết đồng ý với bố cục Điều lệ Đoàn dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung. Cụ thể sửa đổi, bổ sung để tăng 1 chương so với điều lệ khóa X, cần bổ sung nội dung về quyền lợi của đoàn viên là được "tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú".
Bắc cũng đề nghị kéo dài nhiệm kỳ đối với chi đoàn và Đoàn cơ sở nhằm tạo sự ổn định trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở...
Đại biểu Ngô Minh Hải (Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM) cũng có chung quan điểm như Lộc và Bắc khi đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đoàn ở phần nội dung quy định về thời gian nhiệm kỳ ở địa bàn khu dân cư cùng với nhiệm kỳ của đại hội khu phố, chi bộ. Hải cũng đề xuất Chi đoàn ở trường học hiện quy định đại hội một năm/lần thì cần đại hội 2 lần trong 5 năm để cho ổn định.
Tại các tổ cũng có nhiều ý kiến đề xuất kéo dài thời gian nhiệm kỳ đoàn cơ sở cũng như trường học.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đề cập đến nội dung lập nghiệp. Đại biểu Hà Thanh Đạt (TP.HCM) cho rằng báo cáo chính trị chỉ nhắc tới chung chung khởi nghiệp.
"Tinh thần hiện giờ phải là khởi nghiệp gắn liền với đổi mới sáng tạo, không nhập nhằng giữa lập nghiệp và khởi nghiệp" - Đạt nêu và đề xuất điều chỉnh tựa đề về "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" thành "Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, đổi mới sáng tạo".
Trần Thị Ngọc Trinh (Tây Ninh), xác định phong trào tình nguyện sẽ là lớn nhất, là phong trào chính trong nhiệm kỳ tới. Đoàn có nhiều phong trào, chiến dịch tình nguyện rồi thì nay cần phát động "giờ tình nguyện". Đã có một số địa phương triển khai "giờ tình nguyện" nên cần Trung ương Đoàn đứng ra tổ chức, phát động.
Đại biểu Phan Hậu Giang, phó bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai hay đại biểu Huỳnh Thị Anh Thảo, phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định đề xuất, trong chỉ tiêu giúp đỡ 1,5 triệu thiếu nhi của Trung ương Đoàn cần phải đưa thêm vào nội dung giúp đỡ các em như thế nào, thường xuyên ra sao. Với những em có hoàn cảnh khó khăn thì nên cụ thể tiêu chí như giúp đỡ bằng đàn gà khăn quàng đỏ, học bổng... và giúp đỡ thường xuyên từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến việc đưa thêm các nội dung phòng chống xâm hại, bạo lực, giáo dục giới tính vào cùng đề án phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ.
Đại biểu thảo luận tại tổ về thanh niên lập nghiệp - Video: DƯƠNG LIỄU
Đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ biển Đông
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Xuân Vĩnh, bí thư Tỉnh đoàn Bình Định cho biết đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ biển Đông đã gửi tới Đại hội đoàn XI.
Theo anh Vĩnh, Qũy hỗ trợ biển Đông của Bình Định thành lập năm 2014, chủ yếu giúp đỡ con em ngư dân trong độ tuổi thanh niên, các ngư dân trẻ, con em cán bộ chiến sĩ công tác trên các vùng biển đảo để các chiến sĩ an tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ.
Để có nguồn kinh phí duy trì Qũy, Tỉnh đoàn Bình Định đã vận động các nhà hảo tâm và các nguồn xã hội hóa. Trong hơn 3 năm thực hiện, quỹ đã hỗ trợ gần 50 con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, gặp tai nạn trên biển, cán bộ chiến sĩ trên các vùng biên giới biển.
"Qua thực hiện tại địa phương, chúng tôi thấy quỹ này hoạt động rất hiệu quả và thiết thực, kịp thời động viên các ngư dân của mình khai thác kinh tế biển, làm giàu cho gia đình và đất nước. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất nâng quỹ này lên cấp độ Trung ương Đoàn để có điều kiện hoạt động rộng hơn, nguồn lực nhiều hơn để hỗ trợ ngư dân trẻ", anh Vĩnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận