Máy gặt lúa ở huyện Yên Thành, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA |
Sáng 10-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Doãn Hữu - chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành, Nghệ An - xác nhận đoạn video clip trên mạng xã hội Facebook ghi cảnh một số công an viên cùng phó chủ tịch thị trấn Yên Thành Phan Doãn Tiến “chặn đường” máy gặt lúa gây xôn xao dư luận xảy ra vào đầu vụ thu hoạch lúa hè thu tại địa phương này.
Trong đoạn video clip dài hơn bốn phút có cảnh một số công an viên đứng chặn trước chiếc máy gặt lúa không cho đi vào cánh đồng gặt lúa của thị trấn Yên Thành.
Khi chủ máy gặt lúa cho nổ máy chạy thì ông Phan Doãn Tiến - phó chủ tịch thị trấn Yên Thành - cương quyết không cho máy gặt lúa này di chuyển.
Chủ máy gặt này tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc trước việc cán bộ và công an viên thị trấn Yên Thành chặn máy gặt vì họ cho rằng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy gặt lúa đi gặt thuê cho người dân có nhu cầu.
Ông Hữu cho biết trước khi mùa gặt lúa hè thu bắt đầu, phía UBND thị trấn Yên Thành đã mời năm chủ máy gặt lúa làm hợp đồng kinh tế gặt lúa cho người dân, mỗi chủ máy gặt phải đóng 2-3 triệu đồng tiền “bảo lãnh”.
“Ở mùa vụ trước có tình trạng máy gặt lúa nâng giá cao hơn hay tình trạng “cò”, bảo kê gây bức xúc trong nhân dân. Sau khi họp xóm, chúng tôi thống nhất làm hợp đồng với các chủ máy gặt lúa để đảm bảo tình hình an ninh trật tự hơn”, ông Hữu nói.
Trong nội dung bản hợp đồng thì các chủ máy gặt có trách nhiệm đảm bảo tiến độ, lịch gặt và gặt hết diện tích lúa theo hình thức cuốn chiếu, giá 150.000 đồng/sào.
“Các chủ máy gặt nộp 3 triệu đồng tiền đặt cọc, đảm bảo an toàn hệ thống giao thông, cầu cống khi thu hoạch. Nếu vi phạm chúng tôi sẽ khấu trừ vào tiền cọc hoặc không thì chúng tôi sẽ trả lại tiền”, ông Hữu cho biết thêm.
Theo ông Hữu, việc phó chủ tịch UBND thị trấn Phan Doãn Tiến cùng công an viên không cho máy gặt ngoài hợp đồng đến gặt lúa cho người dân là “việc làm đúng”, tránh tình trạng tranh chấp có thể xảy ra.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại mùa vụ hè thu ngoài xã Bắc Thành, thị trấn huyện Yên Thành, một số địa phương khác như xã Nhân Thành, Hoa Thành, Long Thành… cũng xuất hiện tình trạng các xã làm “hợp đồng kinh tế” thu của các chủ máy gặt từ 2-3 triệu đồng/máy để “bảo lãnh” việc gặt lúa.
Ông Nguyễn Vương Ngọc, phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết trong những năm qua việc đưa máy gặt lúa liên hoàn đã giúp đẩy nhanh thu hoạch lúa cho bà con nhưng cũng không tránh khỏi những hệ lụy như xuất hiện tình trạng “cò”, “bảo kê” máy gặt.
“Phía huyện không có chủ trương cho các xã thu tiền phí, các xã hợp đồng như thế là sai. Thời gian tới phía huyện sẽ tìm các giải pháp, yêu cầu các địa phương có phương án đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi thu hoạch lúa”, ông Ngọc cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận