02/03/2023 10:47 GMT+7

Cần 'bộ ba' cho nhà ở xã hội

Người dân đang hào hứng với cú chuyển hướng của thị trường bất động sản từ nhà ở thương mại cao cấp sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, "nền tảng" để phát triển nhà ở xã hội còn quá mỏng, muốn thành công phải có đủ "bộ ba" là vốn, quỹ đất và chính sách.

Dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt (Phú Thọ DMC) đang được xây dựng ở quận 10, TP.HCM chiều 1-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt (Phú Thọ DMC) đang được xây dựng ở quận 10, TP.HCM chiều 1-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Muốn chương trình nhà ở xã hội phủ sóng thị trường bất động sản, ngay lúc này các cơ quan chức năng và địa phương phải vào cuộc quyết liệt.

Vốn trăm ngàn tỉ cho nhà ở xã hội mới là đề xuất

Việc mới đây Bộ Xây dựng kiến nghị gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay rất được chú ý. Lý do là sau gói 30.000 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 thì đến nay chưa có thêm gói vay nào cho nhà ở xã hội.

Để tạo lập khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay tới năm 2030, cần một nguồn lực lớn khoảng 849.500 tỉ đồng. Đề xuất khoảng 110.000 tỉ đồng mới đây của Bộ Xây dựng được xem như một nguồn "vốn mồi" để hút thêm vốn tư nhân vào phát triển phân khúc nhà ở của đa số người dân hiện nay.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, gói tín dụng này sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016. 

Trong đó, khoảng 55.000 tỉ đồng của gói tín dụng ưu đãi sẽ dành cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay xây dựng dự án, 55.000 tỉ đồng còn lại sẽ dành cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Xây dựng và để thật sự có gói vay này, cần phải qua nhiều bước họp của các cơ quan. Trong đó, nếu Chính phủ đồng ý đề xuất thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nguồn vốn này vào mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Cùng với đó, xem xét, bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong tuần này Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chốt chính sách cụ thể. Phía các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng cho hay họ cần một chính sách dài hạn, chứ đang làm mà phải dừng vì một lý do nào đó thì gay. Gói của Bộ Xây dựng đề xuất cho phát triển nhà ở xã hội có tầm nhìn đến năm 2030.

Dự án chung cư nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Dự án chung cư nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Có vốn rồi quỹ đất ở đâu?

Trả lời câu hỏi về quỹ đất thì nhiều doanh nghiệp muốn tham gia các dự án nhà ở xã hội có thể trả lời ngay: "Rất khó!". Thời gian dài vừa qua, giá nhà đất tăng phi mã nên doanh nghiệp khó chuẩn bị được nguồn đất "rẻ" phù hợp để làm nhà ở xã hội giá thấp. Quỹ đất làm nhà ở xã hội do vậy đang còn rất thiếu.

Có thể nhìn từ thực tế. Từ khi bắt đầu tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội từ năm 2005 nhưng đến nay, tại TP.HCM số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây vẫn còn ít ỏi so với nhu cầu. Từ năm 2006 đến nay, TP hoàn thành đưa vào sử dụng 32 dự án nhà ở xã hội, với chưa đầy 20.000 căn (xem thêm đồ họa). 

Nếu tính giai đoạn này, trung bình TP.HCM xây được hai dự án/năm và mỗi năm xây được khoảng 1.200 căn, quá ít ỏi so với dự báo của chính Sở Xây dựng TP, giai đoạn 2021 - 2025, tại TP.HCM có đến hơn 244.000 người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội. TP có đưa kế hoạch dự kiến xây 30.500 căn, trung bình xây 6.100 căn/năm thì với tốc độ như dự kiến, phải mất 40 năm mới xây đủ nhu cầu của người thuê, mua nhà ở xã hội (với điều kiện không phát sinh nhu cầu mới).

Một chủ đầu tư chuyên phân khúc nhà giá bình dân tại TP.HCM nói thẳng, hầu hết doanh nghiệp hiện không mặn mà làm dự án nhà ở xã hội, trừ khi bị "bắt buộc" khi giá đất thì cao mà giá bán nhà thực tế thì có thể vừa bị khống chế giá mua đất đầu vào, vừa khống chế lợi nhuận đầu ra. 

Một số doanh nghiệp muốn làm dự án nhà ở xã hội phải ra xa ngoại thành, thậm chí các tỉnh vùng ven để tìm quỹ đất. Tuy nhiên, những dự án này cũng gặp khó khi hạ tầng kết nối còn hạn chế, số lượng người có nhu cầu mua nhà ở xã hội ít hơn nhiều so với nội thành.

Nguồn: tính toán của nhóm Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: tính toán của nhóm Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Pháp lý rõ ràng doanh nghiệp mới dám làm

Muốn đề án tạo lập khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay tới năm 2030 thành công, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chính rà soát lại những vướng mắc, nhiêu khê về thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để trình Chính phủ (hoặc Chính phủ trình Quốc hội) sửa đổi, bổ sung theo hướng tinh gọn thủ tục vốn đang quá nhiêu khê. Bởi vì, ở góc độ chính sách, những doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội là đang góp phần cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động nghèo.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng chính sách làm nhà ở xã hội hiện bất cập là tính bao cấp rất lớn, nhiều thủ tục đều phải qua cơ quan nhà nước phê duyệt. Ngay cả danh sách người mua nhà ở xã hội cũng phải được Sở Xây dựng địa phương duyệt. Điều này làm mất tính năng động của phân khúc nhà ở xã hội. Vì những bất cập này, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị Bộ Xây dựng cần đưa cơ chế phát triển nhà ở xã hội sát với cơ chế thị trường. 

Ông Võ cũng lưu ý, việc đánh thuế nhà đất sẽ ngăn đầu cơ, giúp giảm giá đất, giảm giá nhà, nắn dòng tiền đầu tư vào những phân khúc có nhu cầu thực, nhà ở giá vừa túi tiền, hạn chế dòng tiền đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp. Nguồn cung nhà ở giá thấp cũng nhờ đó mà tăng lên. Vì vậy, cần thực hiện cùng lúc cả hai giải pháp vừa tập trung làm nhà ở xã hội, vừa tính toán đánh thuế nhà để ngày càng có nhiều dự án nhà ở giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng gói vay do Bộ Xây dựng đề xuất nếu có sẽ tập trung cho phát triển nhà ở xã hội góp phần tăng nguồn cung thì cũng có thể kéo giảm giá nhà. 

Tuy nhiên, để gói tín dụng này thực sự hiệu quả, ngoài quỹ đất, theo ông Thanh, cần bỏ cơ chế xét duyệt danh sách mua nhà ở xã hội, bỏ cơ chế xét duyệt danh sách mua nhà, chỉ cần quy định người có thu nhập thấp thuộc đối tượng nào, ở đâu, nếu có nhu cầu sẽ được mua... mới khơi thông đầu ra cho các dự án nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội (phường Long Trường, TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Q.Đ.

Dự án nhà ở xã hội (phường Long Trường, TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Q.Đ.

Cần xác định lại các nhóm ưu tiên mua, thuê nhà

Theo Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM, hiện đã có nguyên tắc xét duyệt nhà ở xã hội nhưng quy định nhóm đối tượng còn khá chung chung là thu nhập không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng này rất nhiều trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội khá khiêm tốn. Vì vậy, cần xây dựng tiêu chí đủ điều kiện đăng ký nhà ở xã hội, xác định các nhóm đối tượng ưu tiên trước, sau theo các tiêu chí nên xuất phát từ thu nhập, nhân khẩu học và đã sở hữu nhà ở xã hội hay chưa. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để xã hội hóa lĩnh vực nhà ở xã hội.

Khi xã hội hóa được nhà ở xã hội sẽ đa dạng được nguồn cung và đáp ứng đa dạng nhiều loại hình nhà ở phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển nên xem xét đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê. Chính sách cho thuê cũng cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng về nhóm đối tượng, hình thức và thời gian thuê. Việc cho thuê nhà ở xã hội nên cần tách biệt rõ với thuê nhà ở thị trường bằng các hình thức một cách linh hoạt như cho thuê dài hạn.

Nhà nước phải tham gia chính

KTS Huỳnh Xuân Thụ, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ hiện các địa phương, trong đó có TP.HCM không có quy hoạch cụ thể các khu vực phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn nên doanh nghiệp thường đi tìm một quỹ đất bất kỳ và xin điều chỉnh quy hoạch để làm dự án.

Chưa kể, việc phát triển dự án nhà ở xã hội kiểu "tự phát" sẽ không tạo được các khu nhà ở xã hội quy mô lớn, được tính toán quy hoạch, kết nối giao thông, đầu tư hạ tầng bài bản. Vì vậy, cần một quy hoạch tổng thể (có thể riêng hoặc tích hợp quy hoạch chung TP) định hướng rõ các khu vực để doanh nghiệp tìm kiếm quỹ đất. Nhà nước cũng có cơ sở để tập trung đầu tư kết nối hạ tầng giữa các khu vực làm nhà ở xã hội với các khu hiện hữu.

Vì thế, với thế mạnh của mình, thay vì trông chờ vào tư nhân, Nhà nước phải nắm vai trò chính trong việc làm nhà ở xã hội. Ngoài tận dụng các quỹ đất công có sẵn, Nhà nước cũng có điều kiện đẩy nhanh các thủ tục làm dự án.

Muốn vậy, các địa phương cần có một cơ quan phụ trách việc phát triển nhà ở xã hội có trách nhiệm và quyền hạn từ công tác quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất, xây dựng, phân phối, quản lý, bảo trì và các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở trong một tổng thể chung.

Muốn ở nhà ở xã hội phải chịu... đi xa

Nhà ở xã hội Becamex Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Ảnh: Q.Đ.

Nhà ở xã hội Becamex Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Ảnh: Q.Đ.

Trong bối cảnh khu vực nội thành khan hiếm quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu người mua nhà ở xã hội rất lớn, đâu là hướng để TP.HCM có quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội?

Nhóm nghiên cứu gồm: ThS Cao Ngọc Thành, ThS Đào Thông Minh, CN Nguyễn Anh Đào nhận định, khi lựa chọn mua nhà ở xã hội, giá và khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi làm việc là những yếu tố mà người dân cần cân nhắc.

Việc phát triển công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng ở miền Đông và miền Tây sẽ giải quyết được vấn đề về giá và khoảng cách di chuyển khi lựa chọn nhà ở xã hội của người dân. Vì thế, dự án đường vành đai 3, 4 kết nối TP với các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển ở các tỉnh trong vùng.

Theo nghiên cứu của nhóm, nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán ra với giá cả thấp hơn so với tại TP. Đây là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu nhà ở xã hội của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội tại TP.

"Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm sắp tới sẽ kéo gần khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng và TP. Các phương tiện vận chuyển tốc độ cao, nhanh chóng sẽ giúp cho người dân sinh sống ở trong vùng có thể đến TP làm việc một cách rất tiện lợi. Khi khoảng cách không còn là một vấn đề cân nhắc trong việc chọn nơi cư trú, việc dịch chuyển nhà ở từ TP ra các tỉnh trong vùng là xu hướng tất yếu", nhóm nhấn mạnh.

Vì thế, nhóm kiến nghị TP cùng các tỉnh cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ để kéo gần khoảng cách về thời gian giữa TP và các tỉnh trong vùng. Mặt khác, các tỉnh trong vùng cũng nên có sự tương tác với TP để có những chính sách hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội tại địa phương.

H.MI

Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM cho rằng chương trình nhà ở xã hội của TP.HCM về mặt quy hoạch, bên cạnh những dự án nhà ở công nhân, ký túc xá sinh viên... được đầu tư xây dựng bên cạnh những khu trường đại học, những khu công nghiệp tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và quản lý, cần hướng tới những khu nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng với quy mô lớn.

Các khu nhà ở này phải được kết nối thuận tiện với các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, nhất là các loại hình vận chuyển khối lượng lớn như hệ thống xe buýt nhanh, metro. Như vậy người dân sẽ tự nguyện tham gia sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng vì những ưu việt của các phương tiện này.

Viện này cũng đề xuất, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên và quy hoạch các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... theo quy định.

Có cơ chế thu hút tư nhân làm nhà ở xã hội, giá bán sẽ được ‘tính đúng tính đủ"Có cơ chế thu hút tư nhân làm nhà ở xã hội, giá bán sẽ được ‘tính đúng tính đủ'

Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên