18/07/2017 08:14 GMT+7

Cần biết lắng nghe

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Tin tức về việc hai đơn vị chủ chốt trong dự án tháp truyền hình (636m) cao nhất thế giới ở Việt Nam xin rút khỏi dự án này làm rộ lên trong mấy ngày qua những thắc mắc: tại sao lại “đổi tông” như thế?

Những giải thích về tính “nhất định phải có” của cái tháp với tổng mức đầu tư cho toàn dự án dự kiến 1,3-1,5 tỉ USD cùng những mục tiêu và hứa hẹn hiệu quả kinh doanh, thu hút du lịch… trên truyền thông còn chưa kịp ráo mực, nay đã nghe những giải thích ngược lại.

Xin không bàn về hậu vận của dự án, mà nhân câu chuyện này muốn nói đến cách suy nghĩ, thái độ lắng nghe và những quyết định của nhiều dự án tương tự khác ở xứ mình.

Chẳng hạn trong nhiều dự án, dù cho có những ý kiến đóng góp như không nhất thiết cái gì Việt Nam cũng vươn lên hàng đầu thế giới, rằng cần phải cân nhắc thận trọng và xem xét có cần làm hay không trong khi nền kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn, nợ công tăng cao có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn hay những tác động xấu của dự án đến hệ sinh thái, môi trường sống của người dân…

Nhưng dường như rất nhiều trường hợp những người ra quyết định vẫn để ngoài tai, bởi nhất định “chân lý thuộc về ta”. Đây mới chính là vấn đề đáng quan tâm.

Tạm lấy câu ngạn ngữ “lý lẽ của kẻ mạnh luôn là tốt nhất” thoát thai từ bài thơ ngụ ngôn Chó sói và con cừu non của La Fontaine (năm 1668). Ý này vẫn đúng một thế kỷ sau, bằng cớ là Jean-Jacques Rousseau đến năm 1762 vẫn còn mô tả thế thái nhân tình thời đó qua câu: “Do kẻ mạnh nhất luôn có lý, thế cho nên làm sao để là kẻ mạnh nhất”.

Sang nửa đầu thế kỷ 19, vẫn còn có những ý kiến tương tự dù có ẩn chút mỉa mai như câu: “Cho dù ông chủ làm gì, ông ấy vẫn có lý” của Casimir Delavigne, viện sĩ hàn lâm Pháp, trong bài thơ Vua Louis XI (năm 1832).

Song với thời gian cùng những thay đổi định chế từ sau cuộc Cách mạng Pháp, cái xã hội ấy cũng đã sớm có những ý nghĩ khác. Nhà thơ Jean-Napoléon Vernier trong Thơ ngụ ngôn, tư tưởng và thi ca (năm 1865) đã viết: “Thật là một khiếm khuyết khi cứ cãi bướng chỉ để… có lý mà thôi, song lại là hèn nhát khi không làm như thế một khi phải chiến đấu chống lại sự bất công hoặc bảo vệ sự thật”.

Nhà văn và nhà triết học Henri-Frédéric Amiel trong Nhật ký thầm kín (năm 1868) cũng chạm vào cái “tật có lý” mới mẻ này. Ông viết: “Đa số những ai cứ khư khư ý kiến của mình là do ý kiến đó là của họ và chẳng buồn hiểu ý kiến của người khác, càng chẳng màng đến các luận cứ nghiêng về các ý kiến này”.

Từ các ý kiến “lẻ tẻ” đó, sang thế kỷ 20 xã hội ấy thôi xu thế “đấng quân vương” và trở nên đại chúng bình đẳng, nhất là sau trận Verdun khi mà các tướng lĩnh mang dòng máu quý tộc thất trận trước quân Đức, sau đó một viên tướng gốc nông dân tên Pétain cầm quân thay và thắng trận.

Tư tưởng từ đó cũng được bình đẳng theo và thảnh thơi đi sâu vào bản chất vấn đề. Như luật sư Jean Pierre Colpaert vào năm 1950 đã viết: “Tôi khoái chí nhiều lắm khi tôi thắng lý ngay cả khi tôi sai”. Hay Francois Jacob, giải Nobel y học 1965, đã nói rằng: “Không gì nguy hiểm cho bằng cứ tin chắc là có lý”…

Cứ thế, cái xã hội ấy thay đổi. Thậm chí thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc Pháp Marine Le Pen khi trả lời phỏng vấn của tờ Le Temps ngày 27-11-2016 đã quả quyết: “Nhân dân luôn có lý ngay cả khi họ sai”. Từ chuyên chế đến dân túy như thế là cả một hành trình lịch sử lâu dài.

Trở lại với vụ cái tháp kia. Cũng may là đổi ý sớm.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên