23/08/2012 07:31 GMT+7

Cần bảo tồn nguyên trạng thủy xưởng Ba Son

BaoChau
BaoChau

TT - PGS Lê Xuân Diệm đề nghị cần dứt khoát giữ lại khu vực di tích quan trọng này vì nó có giá trị bảo tàng về thủy quân và hải quân Việt Nam trong nhiều thời kỳ.

ovbXfBYS.jpgPhóng to
Ụ tàu Ba Son trong ảnh chụp từ năm 1943 - Ảnh tư liệu

Lý do đây không chỉ là di tích đã được xếp hạng, mà nơi này còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử gắn với phong trào công nhân cả nước, gắn với hành trình lịch sử nước nhà, và đặc biệt Ba Son là nơi gắn với ngành biển và công nghệ đóng tàu hiện diện đầu tiên trên đất Việt Nam.

PGS Lê Xuân Diệm đề nghị cần dứt khoát giữ lại khu vực di tích quan trọng này vì nó có giá trị bảo tàng về thủy quân và hải quân Việt Nam trong nhiều thời kỳ, bắt đầu từ năm 1790 lúc Nguyễn Ánh xây thành Quy - tiền thân của Sài Gòn sau này. "Chúng ta cần phục nguyên xưởng đóng tàu thời Pháp, phục nguyên được thủy xưởng thời Nguyễn trước đó nữa thì tốt" - PGS Lê Xuân Diệm nhấn mạnh.

Buổi tọa đàm còn có ông Ngô Long Minh - nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp liên hợp Ba Son. Ông Minh nhắc lại một văn bản quan trọng là nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 29-7-1993 với nội dung: "Ổn định lâu dài Nhà máy Ba Son tại vị trí hiện nay, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất và hiệu quả. Lấy Ba Son làm trung tâm đóng tàu chiến...". Cộng với quyết định của Bộ Văn hóa - thông tin sau đó một tháng, công nhận "Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng tại Xí nghiệp liên hợp Ba Son, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM" - ông Minh cho rằng cần thực hiện nghị quyết 05 là giữ toàn xưởng cơ khí Ba Son và cả ụ tàu cổ, vì "ụ tàu chính là trái tim của nhà máy đóng tàu, không có ụ tàu thì xưởng này không còn là xưởng đóng tàu nữa".

Về vấn đề quy hoạch, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM, cho rằng: "Ý nghĩa sâu xa nhất của quy hoạch là phải xem vùng đất đang quy hoạch ấy đã có lịch sử đi qua như thế nào, làm thế nào để giữ lại phần hồn cho vùng đất ấy, chứ quy hoạch không thể chỉ toan tính giá trị bằng tiền". TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng đề xuất Sở VH-TT&DL nên nghiên cứu tổng thể giá trị khu di tích Ba Son, và Bảo tàng Tôn Ðức Thắng nên phát triển khu di tích này gắn với nội dung bảo tàng về giai cấp công nhân vì đến nay chúng ta chưa có bảo tàng công nhân nào cả.

Buổi tọa đàm trên là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng, sẽ diễn ra từ nay đến năm 2013.

LAM ĐIỀN

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên