TTCT - Khi thiên tai cũng được gắn mác tỉ đô, nước giàu hay nghèo cũng khóc. Người dân rời khỏi những tòa nhà bị hư hại do bão Freddy ở Chilobwe, Malawi tháng 3-2023. Ảnh: ReutersTheo báo cáo "Counting the Cost 2023: a year of climate breakdown" của tổ chức phi lợi nhuận Christian Aid, lũ lụt và bão chiếm 85% (17) trong số 20 thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu gây thiệt hại kinh tế lớn nhất thế giới năm 2023. Báo cáo phân tích thiệt hại từ 20 đợt thiên tai được khảo sát ở 14 quốc gia trên sáu lục địa (chỉ trừ Nam Cực) gồm cháy rừng, hạn hán, lũ lụt và bão trong năm ngoái.Các nhà nghiên cứu tính toán chi phí kinh tế của các thảm họa trên đầu người và chỉ ra sự bất bình đẳng rõ rệt trong tác động của thảm họa thời tiết cực đoan giữa các quốc gia giàu và nghèo. Cụ thể, các quốc gia có thu nhập cao thường gánh chịu thiệt hại trên đầu người lớn hơn vì có cơ sở hạ tầng vững chắc hơn, tiêu chuẩn sống cao hơn và có hệ thống bảo hiểm toàn diện hơn. Chẳng hạn, 74% tổn thất kinh tế do thiên tai tại Mỹ (tương đương 76,4 tỉ USD) được bảo hiểm chi trả, trong khi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ 13% tổn thất kinh tế (22,2 tỉ USD) được bảo hiểm thanh toán.Theo nhóm nghiên cứu, các thảm họa cực đoan không chừa bất kỳ khu vực nào trên thế giới trong năm 2023 và mức độ tàn phá cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Thời gian và chi phí để phục hồi sau thảm họa cũng không đồng đều trên toàn cầu. Người dân ở các quốc gia giàu có sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nước nghèo hơn. Ở các quốc gia thu nhập thấp, nhiều người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói khi tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng. "Ở các nước nghèo, người dân thường ít chuẩn bị cho các thảm họa liên quan đến khí hậu và có ít nguồn lực để phục hồi. Số người chết nhiều hơn, và quá trình phục hồi chậm và không đồng đều" - Patrick Watt, giám đốc điều hành của Christian Aid, nói.Một ví dụ: Hơn 2 triệu người (10% dân số) ở Malawi đã bị ảnh hưởng bão Freddy tháng 3-2023. Thiệt hại do bão ước tính khoảng 17 USD trên mỗi người tại Malawi, trong khi chi phí phục hồi được ước tính lên đến 680 triệu USD hay 33 USD/người (mất một đồng phải tốn gấp đôi để khắc phục), theo đánh giá sau thảm họa của chính phủ. Đây là những con số nhức nhối với Malawi, nơi chỉ có thu nhập bình quân đầu người 640 USD/năm.Nước lớn khổ theo kiểu nước lớn. Thảm họa thiên nhiên - lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ khắc nghiệt - đã gây thiệt hại cho Trung Quốc 93,16 tỉ nhân dân tệ (tương đương 12,83 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay, với gần 33 triệu người bị ảnh hưởng, theo báo cáo của chính phủ. Trong số 32,38 triệu người bị ảnh hưởng, có 322 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Ngay trong tháng 6, 546 triệu nhân dân tệ từ ngân sách quản lý thiên tai đã được phân bổ cho sản xuất nông nghiệp và cứu trợ thiên tai.Theo ABC News, ngân sách Úc đã phải chi 7,3 tỉ AUD cho các khoản cứu trợ sau thảm họa thiên nhiên trong vài năm trở lại đây, riêng từ tháng 12 năm ngoái tới nay con số đã là 3,9 tỉ AUD. Những con số thực tế này hoàn toàn vượt xa dự toán - chính phủ chỉ phân bổ 138,7 triệu AUD trong vòng bốn năm cho công tác chuẩn bị đối phó thiên tai. Còn ở Mỹ, nghiên cứu công bố trên The Journal of Climate Change and Health tháng 4-2023 cho biết Mỹ đã tốn hơn 2.000 tỉ USD chi phí phục hồi các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu tính từ năm 1980.Trên toàn cầu, trong 20 năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại ước tính khoảng 2.800 tỉ USD, tương đương 143 tỉ USD mỗi năm, hay cứ mỗi giờ trôi qua thì thế giới thiệt hại khoảng 16,3 triệu USD, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications tháng 9-2023.Những con số tỉ đô khắc phục hậu quả thiên tai chắc chắn không dừng lại. Ngân sách các nước, giàu hay nghèo, cũng sẽ thêm nặng gánh. Thế giới cần một giải pháp triệt để hơn, giảm thiểu thiên tai ngay từ đầu để đỡ tốn tiền khắc phục. Câu chuyện phòng bệnh hơn chữa bệnh vẫn nguyên giá trị."Để thực sự giảm thiểu tác động kinh tế của các thảm họa, cần có các chính sách chống lại phát thải CO2, qua đó kiểm soát sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu" - Gregory Ciottone, chủ tịch Hiệp hội y học thảm họa và cấp cứu thế giới, nói với The Harvard Gazette. Ciottone là phó giáo sư y học cấp cứu tại Trường Y Harvard và là một trong các tác giả của nghiên cứu về chi phí khắc phục thiên tai của Mỹ nói trên.Một nghiên cứu năm 2005 ước tính rằng cứ mỗi 1 USD đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro thảm họa, có thể tiết kiệm được 4 USD trong các nỗ lực tái thiết sau thảm họa. Dữ liệu mới vào năm 2019 cho thấy 1 USD chi cho các biện pháp giảm thiểu có thể tiết kiệm tới 11 USD sau thảm họa. Nhưng giảm thiểu thế nào? Đó là một câu hỏi cũ, nhưng bao nhiêu thảm họa trôi qua vẫn chưa được trả lời. Tags: Thiên taiKhắc phục thiên taiBão lũTái thiết
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.