13/08/2024 09:58 GMT+7

Cần 400 tỉ đồng sửa chữa, bổ sung hệ thống tín hiệu đường ngang cho an toàn đường sắt

Để sửa chữa, bổ sung hệ thống tín hiệu với 184 đường ngang chưa được đầu tư và thanh toán với số đường ngang đã được đầu tư, cần bố trí 400 tỉ đồng.

Để sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang, cần hơn 361 tỉ đồng - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Để sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang, cần hơn 361 tỉ đồng - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại 566 đường ngang.

Trước đó vào tháng 7-2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị khẩn trương rà soát, lập danh mục và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184 đường ngang còn lại trong số 566 đường ngang trên hệ thống đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về việc bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 và hoàn thành việc sửa chữa bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu toàn bộ 566 đường ngang, chậm nhất trong năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải cho biết các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát đưa ra khỏi danh mục các đường ngang trùng lặp với các dự án đầu tư được thực hiện bằng các nguồn vốn khác. 

Đồng thời cập nhật bổ sung các đường ngang hiện tại đã được mở rộng còn thiếu tín hiệu, thiết bị xuống cấp; các đường ngang phát sinh đường nhánh, lối đi vào đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải xác định danh mục 184 đường ngang thực sự cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Để hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 184 đường ngang có người gác chưa được đầu tư trong năm 2025 và thanh toán, quyết toán kinh phí đối với số đường ngang trong danh mục đã được đầu tư, dự kiến nguồn kinh phí là 400 tỉ đồng.

Trong đó: Kinh phí thực hiện 184 đường ngang dự kiến hơn 361 tỉ đồng; kinh phí thanh quyết toán các đường ngang đã thực hiện từ năm 2023 trở về trước là: hơn 38 tỉ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét năm 2024 bố trí 50 tỉ đồng từ nguồn dự phòng chi hoạt động kinh tế ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 184 đường ngang và thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành từ năm 2023 trở về trước.

Năm 2025 bố trí bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt là 350 tỉ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ 566 đường ngang theo quy định.

Thủ tướng đã cho phép thực hiện việc sửa chữa đường ngang

Trước đó năm 2021, Thủ tướng đã cho phép thực hiện dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác. Tiến độ dự án từ năm 2022, hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.

Đến năm 2023 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung tín hiệu tại 382 trong số 566 đường ngang trên hệ thống đường sắt. Còn 184 đường ngang chưa thực hiện do chưa được bố trí vốn.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để thực hiện sửa chữa, bổ sung tín hiệu với 184 đường ngang còn lại.

Hạn chế gác chắn tàu tự động mở bất thường: Cần xây dựng đường ngang thông minhHạn chế gác chắn tàu tự động mở bất thường: Cần xây dựng đường ngang thông minh

Ngành đường sắt đang quản lý hơn 1.500 đường ngang, trong đó có 480 đường ngang có gác chắn tàu tự động. Vụ gác chắn tự động mở bất thường vừa qua ở Quảng Trị khiến nhiều người thót tim. Giải pháp nào cho chuyện này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên