Phóng to |
Tại hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam ngày 3-5, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết dự báo trong năm năm tới Việt Nam cần khoảng 300 tỉ USD cho đầu tư phát triển. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết điều tra Triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009-2011 của Diễn đàn thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) đã xác định Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn ở Việt Nam bao gồm tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập thị trường khu vực, nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư.
Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2011 do Ngân hàng Thế giới và Công ty tài chính quốc tế IFC vừa thực hiện, Việt Nam được xếp thứ tư trong số 10 nền kinh tế có mức độ cải cách nhất trong năm vừa qua trên ba lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.
Phóng to |
Theo đánh giá của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: đại lộ Võ Văn Kiệt, một cửa ngõ của TP.HCM vừa khánh thành- Ảnh: Minh Đức |
Không thể chỉ trông chờ vào vốn FDI, ODA
Kiềm chế lạm phát ở mức gần 12% Về khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2011, ông Võ Hồng Phúc nói: “Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Theo đó, so với tháng 12-2010 chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2011 đã tăng ở mức 9,64%. Chúng tôi phấn đấu chỉ số lạm phát của năm nay xấp xỉ như năm 2010, nghĩa là khoảng 11,75%. Dĩ nhiên việc thực hiện mục tiêu này trong những tháng còn lại sẽ rất căng thẳng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức hợp lý, dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2011 sẽ khoảng 6,5%”. |
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong thời gian qua, song Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.
Những bất cập của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. “Bên cạnh đó là thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, là sự bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình” - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Giáo sư Kenichi Ohno (chuyên gia kinh tế của ADB) cho rằng bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ có nguồn tài nguyên thiên nhiên và những lợi thế ban đầu nhất định. Ông Kenichi Ohno nói: “Tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản... Nguồn lực thật sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra”.
Đề cập nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển năm năm tới lên đến 300 tỉ USD, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với giáo sư Kenichi Ohno là không thể chỉ trông chờ vào FDI, ODA... Đồng thời cho biết thời gian qua Việt Nam đã mở ra nhiều kênh đầu tư mới, trong đó có sự phối hợp giữa Nhà nước và khu vực tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mô hình đối tác công - tư). Phó thủ tướng cũng khẳng định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đặt câu hỏi với giáo sư Kenichi Ohno là trong những năm qua đã có rất nhiều nước tiến hành công nghiệp hóa, tuy nhiên những nước thành công không nhiều, vậy đâu là bài học cần thiết. Giáo sư Kenichi Ohno cho rằng để đưa đất nước phát triển cần những người lãnh đạo năng động và có tầm nhìn, đồng thời Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ những thực tiễn chính sách tốt nhất của các nước láng giềng ở Đông Á. “Việc xác định quá nhiều ưu tiên phát triển sẽ đồng nghĩa với không có ưu tiên, do vậy Việt Nam cần xác định một số ít chiến lược công nghiệp chủ đạo đến năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam cần học cách nghĩ và phương pháp luận để xây dựng chiến lược công nghiệp một cách hiệu quả” - giáo sư Kenichi Ohno nói.
Khuyến khích xây dựng công trình nguồn điện
ADB hỗ trợ xây dựng mô hình đại học mới tại Việt Nam Ngày 3-5, ban giám đốc điều hành ADB vừa thông qua một khoản vay trị giá 190 triệu USD xây dựng Trường đại học Khoa học - công nghệ Hà Nội. Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ bổ sung với chương trình tài trợ này của ADB thông qua một khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu euro trong vòng hơn mười năm nhằm phát triển trường đại học này. Phần vốn đối ứng từ phía Chính phủ Việt Nam là 23 triệu USD. |
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho hay hiện nay ngoài các chính sách hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chủ trương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình nguồn điện theo hình thức: hợp đồng - xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và hợp tác đầu tư công - tư (PPP). Bộ Công thương đang triển khai đàm phán và chuẩn bị hồ sơ mời thầu để phát triển 11 dự án nguồn điện theo hình thức BOT, với tổng công suất trên 13.000 MW, gồm tám dự án đã có chủ đầu tư và ba dự án đang triển khai đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Cuối tháng 3-2011, Bộ Công thương đã phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế để lựa chọn chủ đầu tư phát triển dự án BOT Nghi Sơn 2, ngoài ra đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu quốc tế đối với dự án BOT nhiệt điện khí Ô Môn 2 và BOT nhiệt điện than Vũng Áng 2. Bộ Công thương cũng đang xây dựng danh mục các dự án PPP nguồn điện để huy động đầu tư như dự án nhiệt điện than Sông Hậu 1 tại Hậu Giang, dự án Quảng Trị tại tỉnh Quảng Trị và dự án Quỳnh Lập tại tỉnh Nghệ An.
Thảm họa thiên tai Nhật Bản ảnh hưởng tăng trưởng châu Á “Thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản sẽ gây tăng trưởng chậm ở châu Á trong nửa đầu năm nay nhưng nửa cuối năm, các hoạt động đầu tư, xây dựng và khôi phục sản xuất sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và khu vực” - ông Haruhiko Kuroda, chủ tịch ADB, nói tại buổi họp báo ngày 3-5 trong khuôn khổ hội nghị thường niên của ngân hàng này đang diễn ra tại Hà Nội. Ông Haruhiko Kuroda cho hay mọi hoạt động sản xuất tại vùng đông bắc Nhật Bản, nơi thảm họa kép ập xuống đầu tháng 3-2011, vẫn đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhiều nhà máy nằm ở sâu trong đất liền thì không bị tàn phá; còn vùng ven biển chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Về những tranh cãi xung quanh việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính Mekong, ông Kuroda cho biết quan điểm của ADB là tiếp cận thận trọng trong vấn đề này để không ảnh hưởng tới môi trường và quản lý tài nguyên nước ở vùng hạ lưu và châu thổ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận