Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về đề án đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đến năm 2020 diễn ra sáng 7-7.
Đề án do Bộ Giao thông vận tải báo cáo cho biết đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hà Nội - TP.HCM.
Bộ Giao thông vận tải cho biết cần khoảng 235.952 tỉ đồng để hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó số vốn nhà đầu tư huy động chiếm hơn 49%. Phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ trên cơ sở sử dụng nguồn từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và vốn ODA. |
Theo đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 1.814km đi theo hướng quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội -TPHCM dài 1.624km.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện đã có một số đoạn ngắn được đưa vào khai thác (tổng chiều dài 171km) gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP.HCM - Trung Lương; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Ngoài ra, những đoạn đang triển khai thi công (tổng chiều dài 302km) gồm: La Sơn - Túy Loan; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành; Trung Lương - Mỹ Thuận.
Những đoạn cao tốc trên sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh. Tuy nhiên để thông toàn tuyến cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.315km, trong đó đoạn Hà Nội -TP.HCM phải đầu tư hoàn thành 1.291km.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng hạ tầng giao thông kém thì không thể hội nhập, không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do đó, Phó thủ tướng đề nghị cần tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận