Toàn bộ diện tích xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ được sử dụng để xây sân bay Long Thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Trung ương mới bố trí 5.000 tỉ đồng, còn 18.000 tỉ đồng nữa chưa biết lấy từ đâu
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đoàn ĐBQH Đồng Nai)
Gần 16.000 người dân sẽ rời đi nơi khác nhường đất cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đổi lại, ngân sách nhà nước sẽ phải chi không dưới 23.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD) để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trên tinh thần thu hồi đất dự án một lần.
Ngày 27-10, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án này, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng để làm được điều này cần phải tìm sự đồng thuận trong dân.
100% dân muốn nhận đất nền
Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết 100% số hộ có nhu cầu nhận đất tái định cư tại khu Lộc An - Bình Sơn và khu Bình Sơn.
"Đây là những khu tái định cư đảm bảo cho người dân có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn so với hiện tại" - ông Thể khẳng định.
"Các hộ dân bị giải tỏa sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà trong khi chờ nhận đất tái định cư với mức 4 triệu đồng/tháng (trong thời gian 5 tháng tính từ thời điểm giao đất tái định cư).
Đối với các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo nhưng bị thu hồi hết đất nông nghiệp hoặc bị thu hồi hết đất ở thì ngoài phần hỗ trợ theo quy định sẽ còn được hưởng thêm khoản hỗ trợ với mức 10-30 triệu đồng/hộ. Song song với đó là các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề theo từng đối tượng" - ông Thể khẳng định.
Cũng theo ông Thể, trong số 23.000 tỉ đồng cho dự án, hiện đã có 5.000 tỉ đồng và cần được bổ sung thêm 18.049 tỉ đồng nữa.
Chính phủ đề nghị trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, cho phép ứng trước phần vốn thuộc trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai từ ngân sách trung ương để triển khai đồng bộ các công trình.
Tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả nguồn vốn ngân sách trung ương được ứng theo quy định.
Làm rõ mục đích phần đất quốc phòng
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): "Trong hơn 5.000ha đất của dự án có 1.050ha đất cho quốc phòng. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Quốc hội về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC của dự án thì không thấy nói gì về cái này!".
Vì thế ông Nghĩa đề nghị Chính phủ, Quốc hội phải nói rõ về sự cần thiết cấp bách của 1.050ha đất quốc phòng tại dự án trên.
"Trừ những công trình quân sự quá bí mật, còn lại các công trình quân sự thông thường thì cần có sự giải trình, ít nhất là tại Quốc hội" - ông Trương Trọng Nghĩa lưu ý biểu giá thu hồi đất cho mục đích quốc phòng khác với mục đích còn lại.
Toàn bộ diện tích xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ được thu hồi để xây dựng sân bay Long Thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính sách bồi thường cần rõ ràng
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói ông rất băn khoăn về chính sách bồi thường không rõ ràng.
Hiện nay chỉ có tái định cư, nhưng chưa tách được hộ nào là hộ nông nghiệp. "Là nông dân thì phải có đất để sản xuất, nếu chỉ có nhà thôi thì không ổn. Kinh nghiệm từ tái định cư thủy điện Sơn La cho thấy người dân không có đất để sản xuất. Do đó, Đồng Nai phải có phương án bố trí đất cho người dân sản xuất.
Nếu không thì phải báo cáo là dân không sản xuất nông nghiệp nữa và Đồng Nai phải cam kết rõ. Ngoài ra, khi thu hồi mấy ngàn hecta cao su thì giải quyết việc làm cho công nhân như thế nào khi độ tuổi của họ đã trên 40?" - ông Hàm nói.
Còn theo đại biểu Phạm Minh Chính: Quan trọng nhất là tổ chức lại cuộc sống người dân ra sao?
Bài toán này cần có tính toán rất cụ thể, phân loại các hộ dân chịu tác động trực tiếp, gián tiếp để có phương án phù hợp.
Cũng theo ông Chính, do dự án ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân nên khi xây dựng các khu TĐC, cần chú ý xây dựng đủ trường học, cơ sở y tế, chợ, thiết chế văn hóa...
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lo chính sách trao nhầm đối tượng
Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu muốn việc bồi thường tái định cư phải làm chặt chẽ, đúng đối tượng. Làm sao sau khi giải tỏa, nhường đất cho dự án thì cuộc sống của người dân phải tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) nêu thực tế hiện tượng đầu cơ đất đã ồ ạt xảy ra ở Long Thành từ nhiều năm qua.
"Nhiều người dân vì nghèo khó, thiếu hiểu biết đã bán nhà cửa, đất đai, rời khỏi Long Thành từ lâu, vì thế sẽ không còn được thừa hưởng các chính sách đền bù TĐC. Điều này đặt ra câu hỏi họ đã đi đâu? Chúng ta sẽ đền bù đúng đối tượng hay đền bù cho những người đang đầu cơ đất?" - đại biểu Lộc cho rằng cần có danh sách cụ thể về những người về Long Thành đầu cơ đất để hưởng chính sách đền bù, TĐC.
Theo đại biểu Lê Chiêm (thứ trưởng Bộ Quốc phòng): "Người dân ở TP.HCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi.
Người dân ở Long Thành đã bỏ lên Đắk Lắk, Lâm Đồng để ở. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ mua hết rồi. Việc này phải giao cho Chính phủ đứng ra chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân".
Giải bài toán 23.000 tỉ đồng
Ảnh: LÊ KIÊN
Theo đại biểu Phạm Minh Chính - trưởng Ban Tổ chức trung ương: Việc ngân sách cần 23.000 tỉ đồng để đền bù giải tỏa không phải là bài toán quá khó bởi nếu cả nước tiết kiệm chi 1% thì mỗi năm sẽ được 10.000 tỉ đồng.
Ông Chính cũng cho biết thời điểm suy thoái kinh tế năm 2011, Chính phủ đã có nghị quyết giảm 10% chi tiêu.
"Hiện chúng ta tiết kiệm 1% là có 10.000 tỉ đồng, tiết kiệm 2% là có 20.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng" - ông Chính khẳng định đây là cách tốt nhất để có tiền làm sân bay Long Thành.
Đồng tình với đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Nếu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm mỗi năm một chút thì trong 5 năm cũng được ra tấm ra món. Tiết kiệm cũng không đến mức toàn dân phải thắt lưng buộc bụng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận