Một nhân viên bảo vệ mở cánh cổng ở chốt kiểm soát Maidan tại khu vực cấm bao quanh khu nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Ảnh: CS Monitor |
Trong nghiên cứu về thảm họa công bố năm 2016, tổ chức Greenpeace viết: “Thảm họa Chernobyl đã gây tổn thất không thể đảo ngược với môi trường và hậu quả đó sẽ còn dai dẳng trong hàng ngàn năm nữa.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người xảy ra việc một lượng lớn đồng vị phóng xạ có thời gian phân rã rất lâu bị thải ra môi trường chỉ trong một sự cố riêng lẻ như vậy”.
30 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa, nhưng tới nay thành phố Pripyat vẫn chưa thể có dân cư sinh sống như bình thường.
Những vùng đất nằm ngay sát cạnh Chernobyl vẫn sẽ còn bỏ trống trong ít nhất 3.000 năm nữa vì mức độ nhiễm độc phóng xạ rất cao. Đó thực sự là những bằng chứng rõ ràng cho thấy những nguy hiểm lâu dài của năng lượng hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố.
Tổ chức Các nhà vật lý vì trách nhiệm xã hội cho rằng: “Bất chấp việc những người ủng hộ nói rằng nó an toàn, nhưng lịch sử của năng lượng hạt nhân đã bị đánh dấu bằng một số những thảm họa và những vụ việc gần với mức thảm họa.
Thảm họa Chernobyl 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về các hậu quả thảm khốc tiềm ẩn của một sự cố hạt nhân.
Ước tính có 220.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa, lượng phóng xạ phát ra từ thảm họa này đã khiến 4.440 km2 đất nông nghiệp và 6.820 km2 đất rừng ở Belarus và Ukraine không thể sử dụng được nữa”.
Một sự cố điện đã dẫn tới vụ nổ ở lò phản ứng số 4 ngày 26-4-1986 và kéo theo đó là hỏa hoạn bao trùm toàn bộ nhà máy.
Khoảng 150.000 km2 đất nằm giữa 3 nước Belarus, Ukraine và Nga (có diện tích lớn hơn bang New York) đã bị nhiễm độc phóng xạ nghiêm trọng tới mức 8 triệu người phải gánh chịu hậu quả không thể sử dụng được đất đai cũng như phải di dời chỗ ở.
Cho tới năm 2016, khoảng 5 triệu người vẫn đang sống tại những khu vực được cho là còn nhiễm mức phóng xạ cao.
Các chuyên gia hạt nhân hiện đang tiến hành dọn dẹp khu vực bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa nói, việc phục hồi lại khu vực này sau 3.000 năm nữa vẫn là dự tính lạc quan.
Hai tác giả Eben Harrell và James Marson lý giải trên tờ Time: “Vì một số đồng vị phóng xạ thải ra trong thảm họa hạt nhân vẫn còn tiếp tục tồn tại trong hàng chục ngàn năm nữa, việc dọn dẹp hậu quả không chỉ là công việc của những người đầu tiên mà còn là nhiệm vụ của con cháu họ và cả tới những đời hậu duệ của con cháu họ nữa”.
Khi được hỏi lúc nào thì con người lại có thể sinh sống ở khu vực ở gần lò phản ứng hạt nhân, giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ihor Gramotkin, đáp: “Ít nhất là 20.000 năm nữa”.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia, khoa học, bất kể là 3.000 hay 20.000 năm nữa, một số người dân địa phương vẫn quyết định trở về sinh sống tại những nơi mà họ gọi là nhà mình.
Một nghiên cứu mới gần đây khảo sát trên 1.000 dặm vuông (khoảng 260.000 ha) xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cho thấy, các loài vật vẫn sống bình thường trong khu vực này bất kể độ nhiễm phóng xạ cao.
Ông Jim Smith, chuyên gia về môi trường ở Đại học Portsmouth tại Anh nhận xét: “Khi con người bị loại bỏ, thiên nhiên lại sinh sôi, ngay cả sau một thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất của thế giới. Chắc chắn là số loài vật hoang dã ở Chernobyl hiện nay cao hơn rất nhiều so với số lượng của chính chúng trước khi xảy ra thảm họa”.
*Xem bộ ảnh tài liệu lần đầu công bố của phóng viên Tuổi Trẻ chụp bên trong “thành phố ma” hoang tàn ở Chernobyl TẠI ĐÂY
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận